27/12/2004 10:54 GMT+7

Nhà vệ sinh trường học: khủng khiếp!

KIM LIÊN
KIM LIÊN

TT - Đưa cô con gái 14 tuổi đến bệnh viện kiểm tra chứng đau thường xuyên ở phần dưới, anh B. - phụ huynh (PH) một trường THCS ở quận 1, TP.HCM - đã phát hoảng khi biết cháu có vấn đề về đường tiểu và thận.

uhDroH9A.jpgPhóng to
Nhà vệ sinh như thế này thì làm sao mà đi! - Ảnh: Như Hùng
TT - Đưa cô con gái 14 tuổi đến bệnh viện kiểm tra chứng đau thường xuyên ở phần dưới, anh B. - phụ huynh (PH) một trường THCS ở quận 1, TP.HCM - đã phát hoảng khi biết cháu có vấn đề về đường tiểu và thận.

Anh đau khổ cho biết: “Đó là hậu quả của việc cháu thường xuyên nín nhịn vì không chịu nổi mùi khủng khiếp của nhà vệ sinh (NVS) trong trường và những cánh cửa NVS không có khóa cài...”.

50% nhà vệ sinh không đạt

Nằm bên cạnh quốc lộ 22, hai điểm chính của Trường tiểu học TPT (Củ Chi) già nua cũ kỹ với tuổi thọ các phòng học 20-30 năm. Nhưng sự xuống cấp của các phòng học cũng không bằng các NVS ở đây.

Dù được xây kín đáo ở vị trí khuất bên hông một dãy phòng học, nhưng chưa đi đến nơi chúng tôi đã phải bịt mũi bởi mùi khủng khiếp từ hai dãy NVS dội ra. Vừa bước vào dãy NVS nam, tôi đã dợm người muốn nôn khi suýt giẫm phải một “bãi mìn” nằm vô tư ngay cửa vào. Vượt qua “bãi mìn” thứ nhất, chúng tôi đã phải rất thận trọng để không “làm phát hỏa” vài “bãi mìn” khác ngay trước cửa NVS.

Tại sao HS không vào NVS? Câu hỏi đã được giải đáp ngay khi chúng tôi đẩy cánh cửa phòng. Hiện trường không khác gì bên ngoài. “Tác phẩm” của một HS nào đó lẫn với giấy vẫn còn nguyên trong bồn cầu, mặc dù lúc này đã giữa trưa, HS khối sáng đã về và khối chiều chưa đến. Đáng nói là những NVS này chưa “già” như các phòng học, nó được xây bằng các vật liệu và thiết bị vẫn còn được bày bán trên thị trường.

Đến một cơ sở khác của trường này ở ấp Cây Da, chúng tôi càng bất ngờ hơn với những gì được chứng kiến. Cách các phòng học khoảng 5m là hai NVS có gắn biển “Unicef tài trợ” nhưng cửa đã bị khóa bên ngoài bằng một dây xích. Tuy nhiên, bãi cỏ ngay sau lưng các NVS này mới thật sự là một toilet lộ thiên dành cho khoảng 200 HS ở đây mà chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng đủ để đưa “hương” vào suốt dãy phòng học. Sự ô nhiễm đến khó tưởng tượng được, vậy mà vẫn tồn tại bấy lâu nay ở một điểm trường có đến năm phòng học.

Trong đợt kiểm tra công tác vệ sinh môi trường năm học 2003-2004, thạc sĩ - BS Nguyễn Thị Bích Lan, phó trưởng khoa sức khỏe môi trường (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM), đánh giá: “Phải đến khoảng 50% trường có NVS không đạt yêu cầu.

Tình trạng phổ biến nhất vẫn là các NVS có mùi hôi, thiếu nước giội... Có nơi ngồi làm việc với ban giám hiệu trong phòng mà không thể nào chịu nổi cái mùi từ NVS bay vào”.

Người phụ trách vệ sinh lúng túng giải thích một cách vụng về cho hành động khóa trái cửa NVS: “để những người hàng xóm quanh đây không qua đi ké” (!?). Nhưng khi tôi hỏi HS lớp 2 ở đây, các em thật thà kể: “Chừng nào tụi con muốn đi... thì chạy qua kêu bà bán bánh mở cửa, nhưng nhiều khi bả không chịu mở nên chạy ra đằng sau. Nhiều đứa sợ bả cũng không dám đi kêu nên cũng chạy ra đó...”.

Gần đó, Trường THCS TTH có 720 HS nhưng cũng chỉ có sáu NVS (ba nam, ba nữ). Ngay cả NVS của GV cũng nằm chung trong dãy NVS của HS với một phòng duy nhất dùng cho cả GV nam lẫn nữ (!). Riêng NVS dành cho HS nam thì gần như bị bỏ bê. Cũng bể nước lót gạch men trắng nhưng rêu cặn lâu ngày đã biến nó thành màu đen dễ làm chùn tay những HS muốn sử dụng nước sau khi đi vệ sinh.

Trong NVS còn kinh khủng hơn, nước đọng nhờ nhờ ở các góc, nền nhà, các thiết bị tưởng chừng đã nhiều năm chưa được chùi rửa, dơ bẩn đến mức nhìn đã thấy sợ. Đi từ xa chúng tôi cũng biết ngay vị trí NVS nhờ cái mùi đặc trưng quá mức mà mũi con người có thể chịu được.

Cũng như Trường tiểu học TPT, do không có biên chế cho nhân viên vệ sinh, nhà trường chỉ hợp đồng một nhân viên duy nhất với mức lương 700.000 đồng cho việc quét dọn tất cả phòng học, sân trường và NVS. Để gánh hết công việc vệ sinh cả trường, người phục vụ phải huy động thêm người nhà vào quét dọn nhưng có lẽ vẫn không xuể nên phần nào né được thì tranh thủ né!

Trường xuống cấp thì NVS cũng bị bỏ bê là tình trạng phổ biến của nhiều nơi. Tuy nhiên không ít trường có cơ sở vật chất tốt, thậm chí cả những trường mới xây, trường có tiếng ở nội thành, HS vẫn không dám đi vệ sinh. Chị H. có con học Trường T (Phú Nhuận) kể: “Hôm nào cũng vậy.

Vừa về tới nhà là thằng bé co giò chạy ngay vào toilet để giải quyết “bầu tâm sự” mang trong suốt năm giờ trên lớp. Còn bình nước đem đi học ngày nào cũng đem về nguyên vẹn vì cháu không dám uống sợ... “mắc”. Hỏi lý do, cháu nói NVS hôi quá không dám vào. Cái mùi khó chịu đó còn chui vào cả lớp học của cháu khiến GV nước ngoài vào lớp phải lấy khăn tay bịt mũi”.

Nín lâu... có thể vỡ bàng quang!

CSDLFQQF.jpgPhóng to
Đa số ban giám hiệu mà chúng tôi tiếp xúc đều không trả lời ngay được câu hỏi “trường có bao nhiêu NVS” mà phải cầu viện đến nhân viên. Điều này đã cho thấy đây không phải là lĩnh vực quan tâm của ban giám hiệu các trường. Với họ, các chỉ tiêu thành tích mới là mối quan tâm hàng đầu.

Chẳng những vậy, nhiều nơi chúng tôi cảm nhận sự vô cảm của cán bộ quản lý và giáo viên, công nhân viên trước nỗi khổ khó nói của HS. PH HS ở một trường tiểu học khá nổi tiếng tại một quận vùng ven TP.HCM bức xúc gọi đến cho chúng tôi kể con họ phải nín nhịn suốt cả buổi học rất khổ sở, thậm chí có em HS nhỏ “tè” luôn trong lớp sau khi đã nhịn quá mức chịu đựng.

Khi chúng tôi phản ảnh tình trạng này với phòng GD-ĐT, một cán bộ đã không tin: “Trường này vừa được nâng cấp và xây dựng rất nhiều NVS, mỗi tầng lầu đều có đủ cho HS, không thể nào có chuyện như vậy!”. Nhưng đó lại là chuyện có thật.

Tuy nhiều NVS nhưng do thiếu người phục vụ hay người phục vụ quá bận rộn cho những việc khác (?) nên để đỡ mất công dọn dẹp, tới giờ ra chơi họ đã khóa trái hết NVS các tầng lầu, chỉ chừa lại duy nhất NVS tầng trệt. Và thế là do ngại chạy từ lầu 2, lầu 3 xuống nên nhiều HS... nín luôn!

Quan sát nhiều NVS dù mới xây chưa bao lâu hay đã cũ, dù ở ngoại thành hay nội thành, chúng tôi phát hiện những thiết bị dẫn nước vào các bồn cầu đều không có tác dụng. Có cái bị vỡ, có cái còn mới tinh, nguyên vẹn như ở Trường TMT 1 (Hóc Môn) nhưng không cho nước chảy qua vì “sợ HS phá hỏng”, nên HS nam muốn giữ vệ sinh phải chạy qua múc nước ở một thùng nước đặt bên ngoài NVS nữ (!). Kết quả là ở đây lúc nào cũng bốc mùi và xuống cấp nhanh chóng.

Theo qui định của liên sở Y tế và GD-ĐT, một NVS đạt yêu cầu phải có đủ nước giội, có vòi nước và xà bông rửa tay trong NVS, không có mùi hôi, không bị đọng nước hay xuống cấp... Nhưng thực tế hiếm có trường nào trang bị xà bông rửa tay. Vòi nước rửa tay trong NVS cũng ít thấy hoặc có nhưng nước không chảy. Bên cạnh đó, qui định “chuẩn” số lượng 50 HS bán trú/bệ cầu và 200 HS ngoại trú/bệ cầu trên thực tế xem ra cũng không phù hơp, nhất là với những trường không bán trú.

Theo bác sĩ Thu Tâm (Bệnh viện Sài Gòn), khi nín tiểu, bàng quang căng do ứ nước, nếu đùa giỡn chẳng may vấp té thì nguy cơ vỡ bàng quang sẽ rất cao. Nín lâu ngày các em cũng có nguy cơ bị viêm nhiễm đường tiểu và sạn đường tiểu. Nín đại tiện lâu ngày thì nguy cơ bị táo bón. Thế nhưng không ít HS phải ép mình “nín” và nguy cơ bệnh học đường từ các NVS đã đến mức báo động!

-------------------------------------

Bài 2: Cận thị và vẹo cột sống: do đâu?

KIM LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên