16/03/2015 21:24 GMT+7

Nhà văn Việt Nam và quốc tế viết thư gửi lãnh đạo Mỹ và Cuba

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - 10 nhà văn của bốn nước Việt Nam, Mỹ, Cuba, Colombia vừa thảo một bức thư đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro để kêu gọi hai nước sớm bình thường hóa quan hệ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người có sáng kiến viết bức thư này - Ảnh: nhân vật cung cấp
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người có sáng kiến viết bức thư này - Ảnh: nhân vật cung cấp

Một bức thư được khởi thảo bởi 10 nhà văn của bốn nước Việt Nam, Mỹ, Cuba, Colombia bằng ba thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, cùng hàng trăm chữ ký của các nhà văn, nhà thơ trên toàn thế giới dự kiến sẽ được chuyển đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro để kêu gọi hai nước sớm bình thường hóa quan hệ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - người trực tiếp tham gia soạn thư, đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh bức thư này.

Thưa ông, từ ý tưởng nào để ông cùng các nhà văn quốc tế viết bức thư này để gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro?

- Tham dự ngày hội quảng bá văn học Việt Nam và ngày thơ Việt Nam vừa rồi có đoàn nhà thơ của Cuba, Mỹ, Colombia. Tôi có mời các nhà thơ quốc tế vào Hà Đông chơi, ăn tối, nghe thơ, nghe nhạc, xem tranh… Từ đó ý tưởng được nảy ra là tại sao các nhà thơ của 4 nước (Việt Nam, Mỹ, Cuba, Colombia) có nhiều lý do để nói về hòa bình lại không viết một lá thư gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro để kêu gọi hai nước sớm bình thường hóa quan hệ, trong khi hai nước này đang có những bước tiến rất tốt trong thời gian gần đây.

Bức thư sẽ vừa có tính lịch sử, vừa là lá thư của những người bạn thơ không phân biệt quốc gia, dân tộc.

Thưa ông, vậy bức thư được ra đời như thế nào?

- Tôi vẫn nhớ đó là tối 7-3, chúng tôi gồm 6 nhà thơ Mỹ, 1 nhà thơ Cuba, một nhà thơ Colombia, 2 nhà thơ Việt Nam cùng ngồi ở nhà anh Lê Phương Chung (Mỹ Đức, Hà Nội) - bạn của tôi, cùng nhau soạn thảo bức thư.

Nhà thơ Mỹ Martha Collins được phân công là người chấp bút, còn chúng tôi sẽ góp ý và sửa chữa.

Trước khi viết lá thư, chúng tôi đã cùng viết lời chúc phúc cho một cậu bé vừa được sinh ra ở Việt Nam, là cháu của một người có mặt trong buổi tối đó. Tất cả lời chúc phúc đều có hai chữ “Hòa bình” để cầu nguyện một thế giới hòa bình, để tương lai một đứa trẻ lớn lên không còn chiến tranh, thù hận, không còn những chuyện bất trắc do chính con người gây ra.

Bức thư được viết bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Đó là ngôn ngữ thông dụng của 4 nước đại diện ngồi viết lá thư này.

Các nhà thơ của bốn nước Việt Nam, Mỹ, Cuba, Colombia trong buổi tối viết bức thư - Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cung cấp
Các nhà thơ của bốn nước Việt Nam, Mỹ, Cuba, Colombia trong buổi tối viết bức thư - Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cung cấp

Lá thư sẽ được chuyển đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bằng cách nào, thưa ông?

- Chúng tôi giao nhiệm vụ cho nhà thơ Cuba Alex Pausides và nhà thơ Colombia Fernando Rendón sẽ gửi bức thư cho Chủ tịch Cuba. Còn các nhà thơ Mỹ sẽ có trách nhiệm gửi bức thư cho Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đến hôm nay (16-3) đã có hơn 300 chữ ký của các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, giới nghiên cứu, những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới ký tên ủng hộ bức thư. Bất cứ ai cũng có thể ký tên vào lá thư này để ủng hộ chúng tôi. Mỗi ý kiến phản hồi cho chúng tôi nói rằng: “Tôi ủng hộ”, “Tôi đồng ý” đều được coi là một chữ ký.

Bức thư, cùng các chữ ký ủng hộ, sẽ được chuyển đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro vào tuần sau (cuối tháng 3-2015).

Sau khi lá thư được gửi đến hai vị nguyên thủ của hai nước, ông mong đợi sự phản hồi như thế nào của Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro?

- Tất nhiên hai vị nguyên thủ có thể trả lời bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể gián tiếp hoặc trực tiếp. Nhưng với chúng tôi, câu trả lời quan trọng nhất là những vấn đề đối với Cuba cần được mở ra với tinh thần thiện chí, sự tôn trọng và triển vọng. Đó là câu trả lời quan trọng nhất bằng hành động mà các nhà văn, nhà thơ, những người đã ký hoặc chưa ký vào bức thư đều mong muốn.

Toàn văn bức thư:

Thư gửi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro

Hà Nội, ngày 7 tháng 3 năm 2015

Là các nhà văn, nhà thơ, và những người có thiện chí, và trong tinh thần của tình bạn bền lâu, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tán thành và khuyến khích phá bỏ các rào cản, cùng việc mở cửa hướng tới sự hợp tác và trao đổi văn hóa giữa mọi dân tộc. Để đạt được mục đích này, chúng tôi hoan nghênh sáng kiến gần đây nhằm tiến tới quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ như là một cơ hội để đem lại hòa bình, hiểu biết và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia đã phân cách quá lâu. Chúng tôi biết ơn cả hai chính phủ đã đáp ứng những ích lợi của chính dân tộc họ, và cổ vũ sự phát triển của những trao đổi văn hóa hữu ích như là một bước để tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện.

Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người từ mọi quốc gia xin cùng chúng tôi ký vào lá thư này, một lá thư được viết nhân dịp hai mươi năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Mỹ và Việt Nam.

Những người viết thư:

Nhà thơ Martha Collins, USA

Nhà thơ Alex Pausides, Cuba

Nhà thơ Nguyen Quang Thieu, Vietnam

Nhà thơ Fernando Rendón, Colombia

Nhà thơ Fred Marchant, USA

Nhà văn Larry Heinemann, USA

Nhà thơ, đạo diễn sân khấu Luong Tu Duc, Vietnam

Nhà thơ Kevin Bowen, USA

Đạo diễn điện ảnh Robert Scanlan, USA

Nhà thơ Nguyen Ba Chung, USA

Họa sĩ Thành Chương, người tham gia ký tên ủng hộ bức thư, chia sẻ: “Sự kiện Mỹ bỏ lệnh cấm vận với Cuba cuối năm 2014 là niềm vui với nhân dân Cuba và toàn thế giới, dù rất muộn màng. Một sự vô lý tồn tại 5-10 năm đã là khủng khiếp lắm rồi. Vậy mà hơn nửa thế kỷ, mối quan hệ của hai đất nước, hai dân tộc ấy luôn trong tình trạng “băng giá”. Đây là hậu quả của sự hận thù của thế hệ trước mà thế hệ sau sinh ra phải gánh sự hận thù ấy.

Con người sinh ra trên trái đất này bao giờ cũng muốn hòa bình, nhân ái. Bức thư đã nói lên được tình cảm và suy nghĩ của tôi nên tôi quyết định ký tên, đồng tình với bức thư ấy”. 

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên