06/10/2010 08:01 GMT+7

Nhà văn Tô Hoài: Tôi đã làm tất cả những điều tử tế với Hà Nội

HOÀNG ĐIỆP thực hiện
HOÀNG ĐIỆP thực hiện

TTCT - Trong hơn 150 tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm truyện, ký, tạp văn, chuyện cũ... phần lớn đều liên quan đến Hà Nội, điều gì khiến ông ưu ái Hà Nội vậy?

dq6cXrgv.jpgPhóng to
Nhà văn Tô Hoài - Ảnh: Hoàng Điệp

- Thủ đô nói chung và Nghĩa Đô nói riêng là nơi tôi sinh ra, lớn lên và công tác. Thế nên viết về Hà Nội là tôi viết về chính quê hương mình. Những sáng tác của tôi ít nhiều đều liên quan vùng đất Nghĩa Đô, đó là những con người, những câu chuyện, nhân vật Hà Nội. Ví như khi tôi viết về chú dế mèn vì tôi ngày nhỏ chơi dế và chọi dế rất giỏi, từ những quan sát ấy mà tôi viết tác phẩm của mình. Nói Hà Nội làm nên những tác phẩm của tôi hoặc chính các câu chuyện của Hà Nội làm nên những câu chuyện của tôi đều đúng.

* Các nhân vật của ông thường là những con người nho nhỏ, những sự việc nho nhỏ xung quanh cuộc sống của ông chứ không phải là những nhân vật vĩ đại. Tại sao vậy, thưa ông?

- Vì đó là những thứ tôi có, tôi sống. Tôi có những đối tượng nho nhỏ: người kéo xe, nghề rao đêm, nghề đánh giày... Đó là những con người lao động bình thường mà tôi biết và quen với họ. Đó là những gì diễn ra hằng ngày, hằng tuần và đều đều một công việc nhưng mỗi người lại có một số phận và câu chuyện đằng sau mỗi cuộc mưu sinh... Công việc của tôi là ghi chép lại những câu chuyện ấy bằng ngôn ngữ mà họ nói với tôi, tôi nói với họ... và tất cả chúng ta đều hiểu và biết.

* Điều này có gây trở ngại gì khi người ta đưa tác phẩm của ông ra nước ngoài?

- Không (cười rất to). Tôi chỉ thấy vui. Tôi tả con dế mèn ăn sương, ăn cỏ mà lớn lên, một lần tôi sang Nga, các em thiếu nhi hỏi tôi rằng vậy cho dế mèn ăn nước đá thế nào. Còn ở Đức, khi xuất bản tác phẩm này, để hiểu được tất cả ngôn ngữ tôi sử dụng, người ta cho in thêm cả một cuốn chú thích kèm theo, trong đó giải thích rất kỹ dế mèn tên khoa học là gì, sinh trưởng ra sao, sống ở đâu, đặc tính của nó là gì... Tất cả con vật khác được nhắc đến trong tác phẩm cũng thế. Đó là một cách để người ta làm khoa học, học sinh cũng học luôn khoa học, lại giới thiệu được thiên nhiên kỳ thú của Việt Nam. Đó là điều tôi thấy rất vui.

Fi2ZCfZM.jpgPhóng to
Tô Hoài thường kể về những con người nho nhỏ, những sự việc nho nhỏ... vì đó là những thứ ông có và ông sống. Trong ảnh: cổng làng Đại Yên trên phố Thụy Khuê, Hà Nội - Ảnh: Hoài Linh

* Lại nói đến chuyện sử dụng ngôn ngữ, trong văn chương ông sử dụng văn phong giản dị, gần gũi, đó có phải là đặc điểm của văn chương Tô Hoài?

- Tôi đang rất muốn nói đến chuyện này, văn chương của tôi giàu có là do sự tập hợp ngôn ngữ vì trong ngôn ngữ có sự giàu có của văn hóa. Việc tập hợp được nhiều ngôn ngữ khác biểu hiện sự đa dạng của văn hóa Việt, sự đa dạng ngôn ngữ thể hiện nhiều nhất trong những phong tục tập quán từng vùng miền, địa phương hay thậm chí gần hơn, đó là các làng. Khi tận dụng ngôn ngữ một cách triệt để đã thể hiện và quảng bá cho văn hóa của chính đối tượng tôi muốn nói đến.

Trong đời viết, tôi viết nhiều cho trẻ em vì đó chính là đối tượng rất quan trọng và rất cần được giáo dục. Trong chương trình học phổ thông, ở lớp 6 các cháu học Dế mèn phiêu lưu ký, lớp 12 các cháu học Vợ chồng A Phủ... Học sinh biết nhiều đến tác phẩm của tôi nên các cháu cũng muốn tìm hiểu nhiều, muốn vậy phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng và gần gũi.

Hiện nay ít người viết cho trẻ em, người mà tôi rất trân trọng và quý mến đó là Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư. Dù Tư không viết cho trẻ em nhưng nếu Tư viết, tôi tin cô ấy sẽ diễn tả được nhiều phong tục tập quán của người Nam bộ. Đó cũng là cách để giới thiệu ngôn ngữ, văn hóa địa phương và vùng miền.

* Ông sinh ra, lớn lên và công tác, gắn bó với Hà Nội. Hà Nội bây giờ và Hà Nội cách đây 80 năm đã khác rất nhiều, bởi vậy nhiều nhà văn hóa lo lắng về việc mất đi những giá trị văn hóa truyền thống mà lai tạp nhiều lối sống thiếu lành mạnh. Ông thật sự có thấy đáng lo lắng như vậy không?

- Hà Nội bây giờ hay trước đây cũng thế, đều có sự tập hợp của nhiều người, nhiều vùng miền. Ở mỗi địa phương, họ đều có nét văn hóa và phong tục tập quán riêng nhưng điều đó chẳng có gì đáng ngại. Hà Nội không hề bị đồng hóa bởi các nền văn hóa khác, mà chỉ làm phong phú thêm văn hóa Hà Nội. Tôi nhận thấy người dân ở các tỉnh thành khác về Hà Nội sinh sống, học tập và làm việc rất đông nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, người Nghệ An là nên người nhiều nhất. Họ vốn thông minh, chịu khó và rất chịu quan sát để hòa đồng.

Ví dụ như trường hợp nhà thơ Hoàng Trung Thông. Anh ấy là người Nghệ An mang đậm chất văn hóa xứ Nghệ trong ngôn ngữ, ứng xử nhưng con cái của anh ấy đã Hà Nội hóa, các cháu nói tiếng Hà Nội, ứng xử như người Hà Nội... Tôi cho rằng không nên lo lắng quá, duy tâm quá vì như vậy rất nguy hiểm.

r8WT0oIK.jpgPhóng to
Các Dế mèn phiêu lưu ký, Chuyện loài vật của nhà văn Tô Hoài vẫn thu hút giới trẻ - Ảnh: Hoàng Điệp

* Theo thống kê, người Hà Nội gốc giờ không còn nhiều, vậy nhưng người Hà Nội vẫn không bị đồng hóa và xô bồ. Theo ông, đó là sức mạnh kinh kỳ hay nền văn hóa lâu năm đã giữ gìn những nét đẹp của Hà Nội?

- Tôi nghĩ cả hai, cả sức mạnh kinh kỳ lẫn văn hóa lâu năm, và cơ bản nó tốt đẹp nên đã không thể làm thay đổi đi được mà tiếp tục được duy trì và phát triển trong dòng chảy lịch sử.

* Nhân nói đến việc duy trì và phát triển, cũng có ý kiến cho rằng Hà Nội đang bị phá vỡ bởi cuộc sống hiện đại, ví như nhà ở khu phố cổ thì được làm mới. Điều đó có là đáng lo ngại không, thưa ông?

- Người ta không thể giữ gìn được cả một vùng để không phát triển. Các ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội có tuổi thọ 100-200 năm với lối kiến trúc cách đây 100 năm trở lên. Nhưng chắc chắn kiến trúc của cách đây 300 năm không giống với kiến trúc 200 năm trước, bởi vậy muốn có nhà cổ cách đây 100 năm thì người ta phải mạnh dạn thay đổi kiến trúc cũ cho phù hợp với điều kiện sống. Việc người ta xây dựng ngày nay cũng là để thuận tiện hơn cho cuộc sống, còn muốn giữ gìn kiến trúc thì phải chọn lựa chứ không thể bài xích hay lo lắng quá. Đó cũng là phát triển tự nhiên thôi.

* 90 năm gắn bó với thủ đô, ông có cảm thấy tiếc điều gì đó mà mình chưa làm được không?

- Cả cuộc đời tôi đã làm tất cả những việc tử tế cho Hà Nội. Cả đời gắn bó với Hà Nội, khi thiếu niên tham gia đội văn hóa Cứu Quốc, rồi tham gia Cách mạng Tháng Tám, viết sách báo về Hà Nội, làm báo về Hà Nội... đến khi nghỉ hưu vẫn tham gia làm tổ trưởng tổ dân phố, những gì làm được tôi đều đã làm. Kể cả bây giờ, khi đã bước vào tuổi 90 tôi vẫn túc tắc viết về Hà Nội. Thậm chí rất nhiều lần các bí thư thành ủy nhờ tôi viết hộ diễn văn (cười sảng khoái)!

* Xin cảm ơn và chúc ông thật nhiều sức khỏe.

HOÀNG ĐIỆP thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên