![]() |
Nhà văn Nguyên Hương (trái) và Ngọc Tư tại buổi giao lưu với các bạn trẻ TP.HCM - Ảnh: L.Đ. |
Điều quan trọng hơn con số là các truyện của Nguyên Hương thấm đẫm tính nhân bản trên mỗi thân phận con người. Website thương nhớ là tập truyện mới nhất của chị do NXB Trẻ vừa ấn hành.
* Khi viết, chị có nghĩ giữa viết kết thúc có hậu với kết thúc không có hậu thì cái nào nên hơn, thưa chị?
- Cố tình kết không có hậu khác với nó là như vậy. Cũng như cố tình có hậu khác với cuộc đời vẫn đẹp sao.
* Như vậy là có một cuộc đời riêng cho mỗi truyện? Và sự "chi phối" của nhà văn như thế nào, khi mà mình có quyền tạo nên một cái logic để dẫn đến kết thúc?
- Trời ơi, cái điều thuộc bí quyết gia truyền mà nói ra thì... Thật ra, cái quyền tạo nên một cái logic không hoàn toàn thuộc về nhà văn đâu, dù rằng mình sinh ra nó.
* Thế cái logic ấy, nó thuộc về ai?
- Khó giải thích bằng lời quá. Có lẽ phải dùng đến "cảm" thôi.
* Tức là, có thể hiểu thế này: "Thoạt đầu thì nhà văn đóng vai trò tạo ra câu chuyện, cái giai đoạn dùng lý trí để sáng tạo ấy nhanh chóng qua đi (tùy người) và kết thúc như thế nào lại tùy thuộc vào sự "cảm" của tác giả để câu chuyện có một logic riêng". Có đúng thế không ạ?
- Không. Mình không nghĩ vậy. Không phân định rạch ròi giữa lý trí và cảm như vậy được. Ở Buôn Ma Thuột của tôi (của tôi!), có một thú chơi dính dáng tới gốc cây cà phê. Người ta chọn những gốc có dáng đẹp, rồi tỉa tót cho nó thành một tác phẩm. Tác phẩm (sản phẩm) có thể là một cái đôn đặt chậu hoa kiểng, có thể là một mặt người, có thể là một con rắn, có thể là một loại cây trái ngộ nghĩnh nào đó… Và tôi nghĩ người làm nên tác phẩm đó, nếu cầm gốc cà phê thô ban đầu mà không cảm thấy (ít ra là hao hao) nó sẽ là gì, thì sẽ không thể tạo ra một sản phẩm. Và người ta không thể tạo ra một sản phẩm với đơn thuần cảm thấy. Kinh Phật có câu "Y liễu nghĩa bất y ngữ nghĩa".
* Người đọc biết chị từ 1995 với giải thưởng Văn học tuổi hai mươi, nhưng chị viết từ bao giờ?
- Từ thuở mơ mộng.
* Trong 14 tập đã in cho đến năm nay, chủ yếu là viết từ 1995 trở đi, còn phần trước 1995 có nhiều không?
- Viết, rồi giấu, rồi viết, rồi cất... là bệnh của những cô bé mộng văn chương. Lớn lên, quên. Nó vẫn đâu đó thỉnh thoảng nhớ lại. Truyện SOS tôi viết năm 1993, sau chuyến đi Đà Lạt tình cờ được ở tại làng SOS. Hồi đó, thích đi đây đó mà tiền không có, chỉ đủ vé xe, nên chuyện tìm người quen để có chỗ ngủ nhờ là rất quan trọng. Thế rồi người bạn đi cùng rủ lới làng SOS thăm người quen, người quen đó rủ ở lại (vì suốt ngày với lũ nhỏ nên chị ấy buồn). Thế là tình cờ được ăn uống ngủ nghỉ cùng với bọn nhỏ, và chứng kiến mọi thứ.
* Chị có cho việc viết văn là cái mà chị phải làm mỗi ngày (tương đối thôi) không?
- Thích được làm mỗi ngày chứ không "phải làm mỗi ngày". Mình thích viết, và vẫn viết mỗi ngày.
* Chị có nhận định gì về luật nhân quả với những thân phận con người?
- Không dám nhận định đâu. Tôi tin.
* Trở lại vấn đề "tỉa tót gốc cà phê", khi lâu quá mà ít thấy thợ tỉa tót nào cho ra sản phẩm tốt, với điều kiện thực tại ở VN, chị có nghĩ là bởi thiếu gốc cà phê hay là thiếu thợ, hay là cái gì khác nữa?
- Thật tình là, khi đọc những bài phỏng vấn, tôi thấy… khó nói quá đi mất. Tôi rất ngại đề cập đến những vấn đề như thế. Vì muốn trả lời, mình phải vượt qua được cá nhân chủ nghĩa, và phải bao quát được nhiều nhiều.
* Chị có theo dõi giải Nobel văn chương (đọc thôi) không?
- Chút chút.
* Chị có nghĩ là đến một lúc nào đó thì VN cũng sẽ có giải Nobel văn chương?
- "Sẽ" là một từ thuộc về tương lai, nó cho người ta niềm hy vọng. Cứ hy vọng đi, và nỗ lực cho điều đó.
|

Nguyên Hương dồn tâm lực ngòi bút vào những quan hệ gia đình, cái tế bào ấy trong quan hệ xã - hội - tác - phẩm của chị thật đặc biệt: chị khai thác những góc cảm những biên độ tình người trong mối tương quan khó hình dung nhất của gia đình, mà vẫn thuyết phục, cảm dộng, và hay.
Cái éo le của gia đình trong truyện Dolly là sự dũng cảm của tác giả khi hạ bút cho nhân vật chính chết trong một “tình tiết thời sự” là cháy trung tâm thương mại quốc tế; sự trắc trở của hai mẹ con người làm chả cá thuê để được ở gần trại tù thăm chồng cũng cho một hình dung về mẫu gia đình đâu đây gần lắm (Mùa cá đỏ), rồi gia đình của đôi trẻ được tạo thành từ một sự bao dung rất là đời: một nhân vật nổi tiếng đứng ra bao dung nhận làm cha nuôi cho anh con trai nghèo không biết xuất thân.
Câu chuyện gây một chút ngờ vực về lòng tốt của người cha nuôi nọ, nhưng rõ ràng, đó là một tình huống gia đình được kiến tạo không hề phi lý, dẫu là tình người chỉ được đặt trên nền của ước mơ (Món Quà). Lại có những tình cảm đan xen giữa hai gia đình Thiện -Mỹ và Bích - Đức trong truyện Một nửa. Những cung bậc tình cảm nhẹ nhàng thôi, nhưng nó là thế, vẫn hết sức bình thường tồn tại trong những quan hệ gọi là gia đình….
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận