![]() |
Cảnh rửa giặt của người dân có nhà trên sông |
Nín thở bên sông
TP Cần Thơ hiện có khoảng 1.000 căn nhà xây cất ven hoặc trên sông rạch. Chưa hết, mỗi xã, thị trấn đều có vài chục đến vài trăm căn nhà xây cất ven sông rạch, trong đó hơn 80% số nhà thải mọi thứ rác rưởi, chất bẩn xuống dòng sông.
Ông Vũ Xuân Hải, chủ tịch UBND phường An Nghiệp, cho biết: “Hiện nay ở khu vực chợ An Nghiệp có khoảng 150 căn nhà sàn ven sông nước, phần lớn đã ở lâu năm và sống chủ yếu bằng nghề buôn bán. Nước thải, rác thải và mọi chất thải khác người dân đều cho xuống rạch Cái Khế. Chính quyền địa phương rất đau đầu vì chuyện vệ sinh môi trường của nhà sàn trên sông”.
Rạch Tham Tướng chạy từ cửa sông Cần Thơ đến cầu số 1 cũng đã trở thành “con rạch đen” của TP Cần Thơ. Do giá đất đô thị ngày càng đắt nên người dân cất nhà lấn chiếm con rạch. Hơn 20 năm trước con rạch này có chiều ngang khoảng hơn 10m, vậy mà nay hai bên bị nhà dân lấn chiếm rạch chỉ còn hơn 1m (như ở gần cầu số 1). Mọi thứ rác thải được người dân đổ xuống rạch, nước không lưu thông được nên sình thối lên đen ngòm, muỗi phát sinh nhiều, mùi hôi thối chịu không nổi...
Tại Vĩnh Long tình hình cũng tương tự. Theo thống kê của Ban quản lý dự án tỉnh Vĩnh Long, trên địa bàn thị xã có hơn 800 căn nhà xây cất ven sông, trên sông rạch. Phần lớn họ là những hộ nghèo, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, vì vậy rác thải, nhà vệ sinh đều thải xuống sông.
Hầu hết các con sông, rạch qua nội ô TP Cà Mau đều có chi chít nhà trên sông. Nước thải, rác thải tuồn xuống sông rạch, kể cả một số rác thải chợ cũng được tiểu thương cho xuống sông nên các con sông nội thành TP phần lớn có màu xanh đen.
Từng bước một
Ông Nguyễn Việt Hùng - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau - cho biết: “Ở TP Cà Mau có hơn 4.000 nhà trên sông, nếu mở rộng điều tra thì cả tỉnh có hơn 6.000 căn. UBND tỉnh đã có chủ trương phối hợp các ban ngành từng bước giải quyết vấn đề nhà ở trên sông. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, dính dáng quá nhiều cư dân đô thị nên phải đi từng bước một. Nếu di dời giải tỏa phải mất 10-20 năm và kinh phí hàng trăm tỉ đồng!”.
Quyền giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thế Truyền cho hay: “Việc di dời hơn 800 hộ nhà ở trên sông rạch là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề là phải có nguồn vốn lớn và làm như thế nào để sau di dời người dân vẫn an cư, lạc nghiệp”.
TP Cần Thơ đang có những động thái nhằm giải quyết thiết thực, tận gốc vấn đề. Chủ tịch UBND phường An Nghiệp (quận Ninh Kiều) Vũ Xuân Hải cho biết theo kế hoạch từ năm 2005-2010 sẽ giải tỏa toàn bộ 150 căn nhà trên rạch Cái Khế thuộc phường An Nghiệp. Trước mắt, dự án chợ An Nghiệp mới sẽ được triển khai với diện tích 2,8ha. Khi hoàn thành sẽ dời chợ vô, giải tỏa, tái định cư 150 hộ sống trên sông rạch và làm bờ kè.
Trên bình diện rộng hơn, dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trị giá gần 40 triệu USD được triển khai từ nay đến năm 2010. Dự án này tái cơ cấu, bố trí lại dân nghèo đô thị sống ở các con hẻm nhỏ và các nhà trên sông rạch. Theo kế hoạch, 11 phường của hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy sẽ hưởng lợi từ dự án.
Giám đốc dự án, ông Lê Văn Tiển, nói: “Dự án sẽ giải tỏa hơn 300 hộ dân quanh hồ Xáng Thổi, sau đó sẽ đến các nơi có môi trường đáng báo động như rạch Tham Tướng, rạch Cái Khế và các rạch ở phường An Hòa... Chúng tôi đã khởi công dự án khu dân cư ấp Thới Nhựt, phường An Bình, quận Ninh Kiều phục vụ 1.000 người dân, chủ yếu là tái định cư cho dân nghèo bị ảnh hưởng bởi dự án...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận