22/04/2021 11:04 GMT+7

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời: 'Cầm lại đi lại đi, thôi chào nhé'

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TTO - Những câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm mê man trong câu chữ nồng nàn nhạc điệu da diết, cuốn người đọc người nghe vào dòng cảm xúc tràn trề như nhịp đập con tim tuổi trẻ luôn háo hức trước cuộc đời đang mở ra trước mặt.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời: Cầm lại đi lại đi, thôi chào nhé - Ảnh 1.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Ảnh tư liệu

Anh đã thế từ những bài thơ đầu tiên ngay khi ở lính. Đó là những bài thơ lính sinh viên khi anh nhập ngũ từ ghế giảng đường văn khoa.

Điệu cầm thi

Tuổi hai mươi anh đã "vào mặt trận khi mùa ve đang kêu" từ ghế giảng đường đại học. Anh sinh viên văn khoa ra trận mà vẫn nuối tiếc tuổi thơ chơi bi chơi ve.

Câu thơ trên của anh là lời chào hậu phương "Ta chẳng còn bắt ve ta chẳng còn thơ bé/ Thay việc bắt ve ta lùng bắt quân thù quanh mỗi gốc xà nu".

Thế là trò chơi trẻ nhỏ thành trò chơi người lớn. Nhưng đây không phải là trò chơi đánh trận giả. Câu thơ của anh vì thế tưởng như háo hức hồn nhiên ngây thơ nhưng lại làm đau lòng người trong cái sự nghĩ chiến tranh là một trò chơi ấy.

"Cầm lại đi lại đi, thôi chào nhé" ở trong bài thơ Thư mùa thu Hoàng Nhuận Cầm viết từ chiến trường Quảng Trị năm 1971. Bài thơ anh gửi một người bạn lính cùng là sinh viên nhập ngũ cùng đợt, cùng vào một mặt trận.

Cả bài thơ náo nức một tâm trạng ra trận là tâm thế chung của cả một thế hệ thời ấy. Nhưng bài thơ này còn cuốn người đọc theo một giọng điệu, nhịp điệu rồi ra sẽ tạo thành một tiếng thơ rất riêng của anh cho đến trọn đời.

Thơ Cầm có một nhạc điệu riêng mà tôi gọi là "điệu cầm thi". Nồng nàn, da diết, day dứt với những bâng khuâng, hẫng hụt bất ngờ trong câu chữ, nhịp thơ.

Anh rất giỏi tạo ra những bâng quơ thơ mà ngỡ như chỉ có anh làm được khiến người đọc thấy nó tự nhiên như chính là phải thế, không thể khác.

Có lẽ đặc điểm này đã làm thơ Hoàng Nhuận Cầm được nhiều bạn trẻ thích thú, say mê, vận vào mình trong nhiều tình huống sống.

Họ thấy nhà thơ không chỉ nói hộ lòng mình những điều muốn nói, mà còn nói được theo cách rất thơ của tuổi trẻ. Này là sự hò hẹn: "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/ Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/ Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi".

Câu thơ cuối trong khổ thơ này là "đặc hiệu" của thơ Cầm. Này là kỷ niệm mái trường: "Em thấy không, tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ/ Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/ Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say".

Này là sông Thương tóc dài: "Mai đành xa sông Thương thật thương/ Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình - náo động - một mình anh".

Nhiều những câu thơ như vậy của Hoàng Nhuận Cầm đã găm sâu và găm lâu trong trí nhớ nhiều độc giả trong mấy chục năm qua. Và không chỉ là những câu thơ, bài thơ trong trẻo, hồn nhiên đầy chất sinh viên tuổi trẻ.

Thời kỳ về sau thơ anh chứa nặng nhiều nỗi niềm, tâm trạng hơn trước những cảnh ngộ riêng chung. Điệu thơ, tình thơ vẫn dạt dào nhưng ý thơ ngày càng sâu sắc, có khi khái quát đến bất ngờ như ở bài Vô cùng: "Tất cả chúng ta căn nhà chật chội/ Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi".

"Ta như hạt cát thổi bay ngang trời"

Hoàng Nhuận Cầm bằng lối thơ của mình đã quyến rũ, hấp dẫn được nhiều bạn trẻ, nhất là trong giới học đường. Nhưng không chỉ là ở chính những bài thơ mà còn ở ngay cách nhà thơ đọc thơ của mình trước cử tọa.

Cầm là một người say sưa mê đắm khi nói về thơ, trò chuyện về thơ, và nhất là khi đọc thơ. Những bài thơ của anh đã cuốn hút người đọc ở câu chữ trên văn bản khi được chính anh đọc lên bằng giọng điệu, cử chỉ, bằng toàn bộ con người mình thì càng tỏa ra một sức hút khó cưỡng với người nghe.

Đấy cũng lại là một lý do hút bạn đọc trẻ về phía thơ anh. Họ nghe anh đọc thơ và tìm thấy ở anh một người bạn cùng thế hệ, cùng chung tâm trạng nỗi niềm tuổi trẻ - "Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi/ Trên hai vai tuổi trẻ - trước chân trời".

Và từ lời chào trên đường hành quân ra trận năm nào, Hoàng Nhuận Cầm đã đi suốt con đường thơ của mình cho đến ngày nằm xuống (20-4-2021). Anh đã từng giả định mình chết sẽ thế nào để rồi khẳng định "Tốt hơn đừng chết/ Ai sẽ phục sinh em trong những tối không chồng".

Anh đã từng viết trong ngày sinh của mình "Hình như khóe mắt còn cay/ Ta như hạt cát thổi bay ngang đời". Nay hạt cát ấy đã bay về trời.

Nhưng thơ còn lại một Hoàng Nhuận Cầm với người và cho người. Thơ ấy là một giai điệu lạc quan anh gửi lại: Ta phải sống như là không thể chết/ Cốc rượu kia ngỡ uống được đời đời/ Ta sẽ về cho dù không ai đợi/ Ngôi sao rơi ngược lại phía chân trời.

Hoàng Nhuận Cầm có đủ nỗi buồn để sống, nhưng nếu không buồn có lẽ lại buồn hơn? Hoàng Nhuận Cầm có đủ nỗi buồn để sống, nhưng nếu không buồn có lẽ lại buồn hơn?

TTO - Khắp nơi nơi từ thế giới mạng đến ngoài đời thực, bạn bè và người yêu thơ vẫn đang cùng nhau cất lên những vần thơ đẹp của ông ‘vua’ thơ sinh viên Hoàng Nhuận Cầm để tưởng nhớ, để tạm biệt một thi sĩ đích thực hiếm hoi vừa đột ngột rời cõi tạm.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên