20/12/2012 17:50 GMT+7

Nhà thờ giáo xứ Ba Giồng

LÊ QUANG HUY (Tiền Giang)
LÊ QUANG HUY (Tiền Giang)

AT - Giáo xứ Ba Giồng tọa lạc tại ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành (Tiền Giang).

Giáo dân đa số thuộc xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Số còn lại rải rác trong các xã Tân Hội Đông, Tân Hòa Thành, Tân Hương, Tân Lý Tây (huyện Châu Thành), Tân Lập 1, Tân Lập 2, Phú Mỹ (huyện Tân Phước). Có thể nói Ba Giồng là một họ đạo cổ xưa nhất của giáo phận Mỹ Tho tồn tại đến ngày hôm nay.

Hl8xX9Cs.jpgPhóng to
Nhà thờ Ba Giồng ngày lễ thánh

Theo lời của cư dân địa phương, trong khoảng những năm 1700-1702, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cấm đạo. Có 20 ghe của tín hữu Công giáo từ Phú Yên lần theo bờ biển xuôi về phương Nam trốn cuộc bắt đạo. Cuộc hành trình của họ đến trước con sông cái, giữa Gò Công và Chợ Lớn. Ghe ngược dòng sông này cho tới chỗ bắt đầu đồng cỏ lác rộng lớn, và dừng lại ở rạch Chanh. Đầu tiên tất cả các gia đình lập cư trên bờ con rạch này. Và ghe trở về Phú Yên rước thêm các gia đình khác. Sáu tháng sau, ghe trở lại mang theo những giáo dân khác với số lượng đông hơn. Nhưng ở gần sông, ghe thuyền quan lớn đi lại thường xuyên nên có lần họ bị bắt và bị cầm tù. Những người Công giáo đã vội vã rời khỏi nơi ấy để đi sâu vào rừng, cho tới chỗ Ba Giồng ngày nay và lập cư tại đó.

Theo tài liệu 27 vị Tử Đạo tại Ba Giồng của linh mục H.Hamon (1882) hiện còn lưu trữ tại Hội thừa sai Paris có nhắc chi tiết sau: “Xóm Ba Giồng thuộc làng Tân Lý Đông, gần chợ Cổ Chi, không có gì khác biệt với xóm làng khác, cũng những túp lều người dân An Nam lợp tranh bé lớn tùy theo mức sống của người dân ở đó. Giữa xóm có ngôi nhà lớn hơn với cây thánh giá nổi bật. Dân cư không giàu sang mà cũng không túng quẫn, hầu như mọi người đều sống bằng lao động của đôi bàn tay, thế nhưng họ có một kho báu mà họ coi trọng hơn tất cả mọi của cải giàu sang, đó là Đức Tin”.

Dưới triều Tự Đức (1848-1883), xóm đạo Ba Giồng được linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812-1861) chăm sóc trong tám năm (1853-1861). Một hôm cha đi thăm những người trong họ đạo đang bị giam tù thì bị bắt. Cha Phêrô Lựu bị bắt giam cùng với các bô lão bổn đạo Ba Giồng trong ngục Mỹ Tho. Sau khi cha Phêrô Lựu lãnh án hành quyết tại Mỹ Tho ngày 7-4-1861 cùng 27 tín hữu, quan án ra lệnh buộc các giáo hữu phải bỏ họ đạo đi nơi khác.

Trải qua sự thăng trầm của lịch sử, từ ngày thành lập đến nay, nhà thờ Ba Giồng đã ba lần bị thiêu hủy. Năm 1950, nhà thờ Ba Giồng được xây dựng lại trên phần đất hiện nay từ một dãy lớp học, chiều dài chỉ có 24m, chiều rộng 6m. Qua thời gian, nhà thờ xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo cho việc cử hành lễ khi có đông giáo dân. Năm 1997, đức giám mục giáo phận cho phép tái thiết thánh đường họ đạo Ba Giồng. Ngày 16-3-2000, nhà thờ họ đạo Ba Giồng với tước hiệu “Nữ vương các thánh tử đạo Việt Nam” được đức cha Phaolô, giám mục Giáo phận Mỹ Tho cung hiến.

5yX492V3.jpgPhóng to

Tượng linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu

Nhà thờ nằm trong không gian thoáng mát, rợp bóng cây xanh và những hàng cây duối tạo nhiều kiểu dáng khác nhau toát lên sự mạnh mẽ. Hình dạng và kiến trúc của nhà thờ được xây hình thập giá, theo kiến trúc Gôtic. Kiến trúc đó thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn... đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát. Tháp chuông bên trái cao 20m, trong tháp có quả chuông cao 1,5m. Khu thánh đường bên trong nhà thờ mới thật sự khiến bạn choáng ngợp với những khung cửa sổ sặc sỡ sắc màu. Không gian nhà thờ luôn tĩnh lặng để mọi người có thể cầu nguyện. Lòng nhà thờ rộng thênh thang với những dãy ghế dài có thể chứa được khoảng 500 người đến dự lễ. Hai bên lòng nhà thờ trang trí hai dãy tranh vẽ đóng trong từng khung gỗ thể hiện về đời Chúa Giêsu.

Với tổng diện tích của khuôn viên nhà thờ hơn 7.000m², nhà thờ Ba Giồng có đủ chỗ cho việc bố trí các khu bao gồm: khu nhà thờ, dãy nhà xứ, phần sân phía trước, khu vườn Thánh, tháp chuông. Trong khuôn viên nhà thờ bố trí nhiều loại hoa kiểng rất đẹp, xen kẽ là nhiều bức tượng đá nối tiếp nhau có nội dung kể về cuộc đời Chúa Giêsu. Đặc biệt tượng cha thánh Lựu được xem như là điểm nhấn trong khuôn viên.

Ngày nay, nhà thờ không còn thuần túy là một công trình phục vụ tôn giáo, mà đã trở thành di sản chung, mang ý nghĩa văn hóa đối với quần chúng. Vào mỗi dịp Giáng sinh, nhà thờ được trang hoàng rực rỡ lại trở thành điểm tham quan ưa thích của nhiều người. Các sinh hoạt cộng đồng phong phú diễn ra trong đêm Giáng sinh tại nhà thờ cũng thu hút đông đảo sự tham gia của người dân, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng. Nhà thờ Ba Giồng là điểm đến không chỉ cho giáo dân quanh vùng mà còn là điểm du lịch của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Tiền Giang.

7IoAvWMZ.jpgPhóng to

Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ QUANG HUY (Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên