Nhà sáng chế “ chân đất” xứ cọ
![]() |
Anh Mai Văn Ngừng đang vận hành máy chẻ, vót nan cọ có năng suất gấp mười một lao động trong một ngày. |
Cụ Phan Văn Lâm, 82 tuổi, nông dân xã Trung Sơn, huyện Yên Lập đã “yêu cầu” đứa cháu nội phải lấy xe máy đưa cụ đến tận nhà anh Ngừng để xem chiếc máy vót chẻ nan cọ mới ra đời. Cụ bảo: “ Thế là nghề làm mành cọ quê ta đã dần từng bước được “công nghệ hóa” rồi!”.
Anh Mai Văn Ngừng cho biết, anh nguyên là bộ đội lái xe được nghỉ chế độ phục viên từ năm 1991, quê anh mãi ở tỉnh Hà Tây nhưng từ khi lấy vợ, anh đã theo chị về định cư tại Đoan Hùng ( Phú Thọ). Vùng này là nơi có nghề trồng cọ và chế biến các sản phẩm từ cọ rất lâu đời. Mấy năm gần đây, nghề làm mành cọ xuất khẩu phát triển mạnh. Hàng ngày, thấy vợ con và bà con trong xóm ngoài làng phải thức khuya dậy sớm chẻ nan rồi vót nan làm mành cọ.
Trong việc sản xuất ra một chiếc mành cọ thì khâu chẻ vót nan được xem là vất vả nhất. Không ít người đã phải xây xát chân tay và mỏi mệt. “ Tôi không ngừng nung nấu ý nghĩ phải làm một cái gì đó để giúp bà con đỡ vất vả và ý tưởng làm một chiếc máy chẻ vót nan cọ ra đời” - anh Ngừng cho hay.
“Em xin lỗi!”
Để “sáng chế” ra chiếc máy chẻ vót nan cọ, anh Ngừng đã lấy chiếc mô-tơ điện của máy làm giò chả trong gia đình. Chị Nhung, vợ anh không ít lần đã kêu trời vì anh trưng dụng cái mô-tơ của máy để lỡ mất buổi làm hàng đi chợ. Hai vợ chồng đã không ít lần giận nhau chỉ vì “chiếc máy vớ vẩn” mà anh Ngừng đã phải thức ngày, thức đêm để đo, vẽ tính toán.
Vốn có chút ít kiến thức về động cơ, lực ma sát… từ hồi còn làm nghề lái xe, anh Ngừng đã chế tạo thành công chiếc máy vót, chẻ nan cọ sau gần hai năm miệt mài. Chiếc máy được chế tạo gồm một mô- tơ điện loại có công suất 1KW, 2 bánh răng của hộp số ô tô GAT 69, hai quả lô của máy xát gạo.
Chi tiết quan trọng nhất của chiếc máy theo anh Ngừng là ở bốn trục truyền lực, cùng với hai hàng dây cua-roa và một lưỡi dao di động. “ Đã có ba chiêc mô- tơ bị cháy vì những thí nghiệm trước khi máy ra đời, tôi cũng xót ruột lắm nhưng trót đam mê nó rồi”- Anh Ngừng nói. Thế rồi, một buổi chiều, anh Ngừng sập cầu dao điện, máy chuyển động và anh đưa nan cọ vào máy, chưa đầy một giây sau, chiếc máy đưa chiếc nan đều tăm tắp. “Tôi và vợ tôi cứ lặng đi xem máy chạy hơn một giờ êm ru. Sau đó, vợ tôi lẳng lặng đi mua gà và một chai rượu rồi bảo tôi mời bạn bè đến nhậu, bà ấy chỉ nói: “ Em xin lỗi!” - anh Ngừng nói rồi cười ha hả.
Ước mơ về một chiếc máy dệt mành cọ liên hoàn
![]() |
Lao động thủ công chẻ, vót nan cọ. |
Bên cạnh đó, máy còn có ứng dụng chẻ nan tre, chuốt mây, chuốt nan gỗ.. Nhiều cụ già bắt con cháu đưa xe máy đến xem tận nơi để xem chiếc máy được coi là “điều kỳ diệu ở miền trung du”. Có anh láu cá xin ở liền tại nhà anh Ngừng hai ngày để học… công nghệ chế tạo máy, và anh Ngừng hồ hởi sẵn sàng truyền lại một cách vô tư.
Hiện tại, đã có hơn chục chiếc máy được bà con đặt hàng, theo anh Ngừng giá thành một chiếc máy vót, chẻ nan cọ anh làm ra chỉ tốn có 4 triệu đồng, anh bán với giá bốn triệu hai “tôi chỉ xin hai trăm gọi là công lắp ghép, chỉnh trang bảo hành mà thôi!”- Anh Ngừng cho biết.
UBND huyện Đoan Hùng nghe tin một nông dân trong địa bàn huyện chế tạo ra chiếc máy vót, chẻ nan cọ đã cho cán bộ phụ trách công tác khoa học- công nghệ xuống gặp trực tiếp anh Ngừng làm hồ sơ khen thưởng. Và mới đây, giám đốc sở KH - CN Phú Thọ Đinh Văn Ngọc đã xuống tận nhà anh Ngừng để xem chiếc máy giúp bà con nông dân đỡ vất vả hơn trong việc sản xuất mành cọ xuất khẩu.
Sau khi xem xét chiếc máy và biểu dương anh Ngừng, giám đốc Ngọc đã đề xuất UBND tỉnh Phú Thọ tặng thưởng anh Ngừng năm triệu đồng. Anh Ngừng cho biết giờ đây anh đang thai nghén ý tưởng làm ra một chiếc máy vót, chẻ nan cọ và dệt mành cọ kiểu liên hoàn. Chiếc máy đó sẽ tự động hóa nhiều hơn để bà con vùng trồng cọ đỡ vất vả trong việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận