31/08/2009 13:42 GMT+7

Nhà quay phim Trần Hùng: "Kẻ lang thang vướng cánh diều"

Theo KIM YẾN - Sài Gòn Tiếp Thị
Theo KIM YẾN - Sài Gòn Tiếp Thị

Đằng sau vẻ lãng tử giang hồ của Trần Hùng là một trái tim nhạy cảm. Nhạy cảm với từng làn hương, từng ánh sáng le lói của một hoàng hôn ở làng quê Việt… Với hai giải Quay phim xuất sắc nhất cho Thời xa vắng và Chuyện của Pao, anh được bạn bè gọi yêu là “kẻ lang thang vướng cánh diều”.

kkbcPaKx.jpgPhóng to
Nhà quay phim Trần Hùng

Quả thật, những ngày sống lang thang với thú chơi đồ cổ và đi săn ảnh khắp mọi miền đất nước đã cho anh một mỹ cảm tinh tế để tạo nên sức hút cho từng khuôn hình mang đậm bản sắc Việt.

“Làm phim không ra bản sắc Việt là một nỗi đau”

Theo anh, để tạo ra vẻ đẹp thuần Việt, quay phim và đạo diễn phải tính từng khung hình, để vừa giải quyết câu chuyện trong phim, vừa giữ được dấu ấn bản sắc. Muốn vậy, người quay phim phải am hiểu sâu về văn hoá, hội hoạ, âm nhạc… Sự cộng hưởng đó tạo nên cảm xúc. Anh và đạo diễn Hồ Quang Minh đã thống nhất với nhau ngay từ đầu Thời xa vắng sẽ là một bức tranh làng quê mang tính thẩm mỹ khác biệt, không phải là vẻ đẹp bên ngoài như những phim du lịch.

- Tốt nghiệp quay phim đại học Sân khấu - điện ảnh năm 1990, sau bao nhiêu năm lăn lóc phụ quay, lang thang với nghề sưu tầm đồ cổ, chơi tranh, quay video… anh được mời thực hiện bộ phim đầu tay là Thiếu phụ chưa chồng. Tình bạn nhiều năm với đạo diễn Hồ Quang Minh đã khiến ông quyết định chọn anh cho Thời xa vắng.

- Đoạt giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất Cánh diều vàng của hội Điện ảnh Việt Nam cho hai năm liên tiếp 2005 và 2006 với Thời xa vắngChuyện của Pao (cùng Coordelia Beresford).

- Vừa hoàn tất bộ phim Thiên sứ lông bông dài 50 tập, sắp phát sóng vào tháng 9.

Khó khăn nhất là tìm bối cảnh chính: nhà của Sài. Đạo diễn yêu cầu phải là một căn nhà ba gian hai chái, những cây cột nhà to chứa đựng màu của thời gian và kỷ niệm. Đi suốt dọc triền đê sông Hồng, tới Nam Định mới tìm ra một cái ao có hai cây nhãn vươn ra xòa xuống cầu ao. Thế là phải chặt nguyên vườn xoan và chuối xung quanh, để dựng lên ngôi nhà có cái sân và một bể nước, trong bể còn thả bèo.

Trần Hùng nói: “Bối cảnh là nhân vật rất quan trọng của phim, tạo nên không khí, mùi vị. Người xem phải ngửi thấy hơi nước, mùi của gỗ đá, chạm được vào từng hơi thở. Chỉ riêng cảnh quay một ánh nhìn của Phương Dung, tôi phải đặt đèn mất nửa ngày trời.

Còn bây giờ, xem mười phim truyền hình thì mười cái nhà giống nhau, chẳng dàn dựng gì cả. Cái mà thế giới thèm muốn là màu sắc của dân tộc mình, vậy mà sao chính mình làm không ra. Đó là một nỗi đau, một sự xấu hổ. Thêm nữa, tốc độ đô thị hoá đang xoá sổ bao ngôi làng, đình chùa cũng chẳng còn nguyên vẹn, mất dần bản sắc vùng miền”.

Hỏi anh với vai trò đạo diễn hình ảnh cho một số phim truyền hình, anh có giúp gì cho việc giữ gìn bản sắc, Trần Hùng cười buồn: ““Bay” với Hồ Quang Minh hai năm nhưng tiền chẳng được bao nhiêu, đó là tâm tư thực sự của người làm điện ảnh. Phải làm phim truyền hình mới có tiền nuôi vợ con. Có nhiều lời mời, nhưng cũng phải chọn lựa kịch bản dữ lắm, cái nào hợp với tạng mình mới nhận lời. Tôi đang làm Thiên sứ lông bông, bộ phim dài 50 tập cho đạo diễn Võ Tấn Bình, tháng 9 sẽ công chiếu. Câu chuyện về những người trẻ đầy khát vọng đã cuốn hút tôi, và nhất là đạo diễn, một người biết điều tiết được mạch phim, chạm được vào hơi thở của giới trẻ, rất quyết liệt để tạo phong cách riêng”.

Chơi đồ cổ để được chia sẻ nhiều hơn

Là người dễ tha thứ, nhưng Hùng rất ít bạn thân. Nhiều khi buồn vì sự dối trá của con người, anh tìm đến những món đồ xưa. Hùng tâm sự: “Với một nghệ sĩ, biết nhiều không bao giờ là đủ. Nhiều đêm đi quay về tôi hết sức cô đơn. Những khoảng riêng của mình không ai chia sẻ được, ngay cả vợ con. Có những ngày tôi ngồi hàng giờ nhìn một chiếc bình gốm cổ, nhiều người bảo tôi điên, nhưng cuộc trò chuyện với chiếc bình ấy là lúc tôi chạm được vào biết bao số phận. Cảm giác đỡ mệt mỏi, thanh thản hơn nhiều. Những chiếc bật lửa đã qua tay nhiều người, méo mó, sứt mẻ cũng gợi lại cho tôi bao kỷ niệm.

Lê Thiết Cương, bạn tôi, có nói một câu mà tôi thấy rất đúng: “Bao năm lăn lộn với đồ cổ, tranh pháo của ông chỉ để làm được Thời xa vắng”. Tôi nghĩ chuyện bản sắc, suy cho cùng là tình yêu, là đam mê với cái đẹp của con người mình, dân tộc mình, ẩn giấu trong từng đồ vật, từng lá cây, ngọn cỏ. Đó là một “bảo tàng sống” hiện hữu trong mình, như những người bạn gần gũi, chân thành.

Tôi không bị cái mới hớp hồn, kể cả hàng hiệu. Tôi yêu tất cả những cái gì đã cũ, ở đó có cuộc sống, có bao câu chuyện thú vị. Đồ cổ không cần nhiều tiền mới mua được. Có những vật ít tiền nhưng rất độc đáo, kỳ lạ. Thời gian giống như con người, cứ bào mòn đi những gì hỗn tạp, để những gì còn lại chính là cái đẹp”.

Theo KIM YẾN - Sài Gòn Tiếp Thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên