25/05/2012 04:45 GMT+7

Nhà nước không thể "nhảy" vào kinh doanh

CẦM VĂN KÌNH ghi
CẦM VĂN KÌNH ghi

TT - Bản kiến nghị “Kinh tế VN 2012: khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu” vừa được Ủy ban Kinh tế trình Quốc hội (Tuổi Trẻ 24-5) đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, đặc biệt là đối với kiến nghị đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...

Nguyên tắc duy trì tập đoàn kinh tế nhà nước

I1I3ikv5.jpgPhóng to
Ông Bùi Kiến Thành

* Ông Bùi Kiến Thành (chuyên gia kinh tế):

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn...

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Ủy ban Kinh tế cho rằng các DNNN không nên là công cụ điều tiết vĩ mô. DNNN cũng là doanh nghiệp, Nhà nước không thể dựa vào nó để bình ổn thị trường, thực chất là đấu tranh với doanh nghiệp khác. Hơn nữa, các DNNN bao năm qua cho thấy hoạt động chưa hiệu quả, gây nhiều vụ thất thoát, lãng phí lớn. Còn những việc họ ổn định vĩ mô tạm thời, thì với nguồn lực Nhà nước giao, cộng những ưu đãi thì doanh nghiệp nào được hưởng cũng có thể làm được. Thay vì dựa vào một số DNNN, Nhà nước nên chuyển sang việc đặt hàng cạnh tranh, vừa hiệu quả, vừa tạo bình đẳng.

Tôi cũng ủng hộ đề xuất của Ủy ban Kinh tế là DNNN, thậm chí là Nhà nước, không nên chỉ kinh doanh thu lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh với các khu vực tư nhân. Bởi Nhà nước nắm quyền ra chính sách, lại kinh doanh thu lời thì không tư nhân nào cạnh tranh nổi. Nhà nước nên đứng ra một bên tạo môi trường tốt cho kinh doanh để các khu vực sử dụng vốn hiệu quả nhất kinh doanh, Nhà nước thu thuế, tránh cạnh tranh không bình đẳng.

* Ông Nguyễn Đức Kiên (phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Thông tin cần công khai, minh bạch

rajR06aP.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Đức Kiên
VN đã thực hiện cổ phần hóa (CPH) từ năm 1992 nhưng đến năm 2011, sau 20 năm CPH, chỉ có 15% sở hữu nhà nước được chuyển sang chủ sở hữu khác. Dù vậy, việc CPH, chuyển chủ sở hữu thời gian qua đã giúp chuyển đổi được rất nhiều DNNN nhỏ, Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Khoảng 85% vốn sở hữu nhà nước còn lại, mà phần nhiều ở các doanh nghiệp lớn, theo tôi, sắp tới VN cần xác định rõ mô hình tăng trưởng để từ đó quyết định hướng tái cơ cấu. Còn bản thân việc tái cơ cấu DNNN, theo tôi, dứt khoát cần đẩy mạnh nếu VN muốn vượt qua những khó khăn hiện tại của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trước mắt, dù chưa thực hiện CPH các doanh nghiệp lớn nhưng VN hoàn toàn có thể áp dụng các chế độ của công ty cổ phần đối với các DNNN. Như yêu cầu về công khai minh bạch, công bố thông tin, các DNNN cần báo cáo cụ thể cho chủ sở hữu nhà nước như các công ty cổ phần báo cáo cho đại hội cổ đông. Các thông tin này cần được công khai minh bạch. Nhiều tập đoàn nói hiện tại tôi đã công khai minh bạch lắm rồi. Nếu so với doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại VN thì đúng là có công khai hơn, nhưng so với yêu cầu của người dân thì chưa. Nên theo tôi, các cơ quan nhà nước cần phải đưa ra những yêu cầu về công khai thông tin đủ để người dân có thể hiểu được về DNNN và họ cảm thấy “đủ”.

* Ông Nguyễn Thiệu (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng):

Cần cải cách sâu rộng

LYQcOydE.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thiệu
Mục đích CPH thực chất không phải để tăng vốn cho DNNN mà là đa dạng hóa sở hữu, từ đó tăng giám sát, cải thiện khả năng quản trị... Do đó, nếu CPH mà chỉ cho tư nhân nắm một ít cổ phần thì cơ bản sẽ không đạt được mục tiêu. Có lĩnh vực không nên CPH nhưng phần lớn nên CPH và Nhà nước không nên giữ cổ phần chi phối, cần CPH mạnh ở các lĩnh vực như xây dựng, thương mại, kinh doanh du lịch, khách sạn, vận tải (trừ ngành đặc thù như hàng không)...

Cái giá phải trả cho sự không kiên quyết tái cơ cấu DNNN là khiến khu vực này luôn nghĩ Nhà nước không bao giờ dám bỏ họ, nên đôi khi họ làm nhiều việc gây thiệt hại lớn. Với thông tin về vụ Vinalines gần đây, có thể nói cơ chế giám sát, quản lý tập đoàn, DNNN có vấn đề. Cần cải cách sâu rộng mới có thể giải quyết được vấn đề.

Nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới có những mô hình và kinh nghiệm quản lý DNNN hiệu quả. VN nên nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng. Như Đài Loan, họ lập liên đoàn DNNN quản lý cả những tập đoàn rất lớn như dầu khí. Và do tài sản tại DNNN là của toàn dân nên quốc hội phải là nơi quyết những chủ trương lớn của DNNN để tăng minh bạch, tránh các doanh nghiệp lớn và một vài người có thể quyết sai chủ trương cho DNNN.

* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (phó tổng giám đốc Thép Việt - Ý):

Khoanh lại hoạt động các tập đoàn, tổng công ty

5BriTIWd.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Ngọc Bảo
Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, nếu không nâng vai trò của kinh tế tư nhân lên, đất nước khó phát triển được. Kinh tế nhà nước là mũi nhọn, chủ đạo, không ai phản đối. Nhưng cần đem từng DNNN ra mổ xẻ xem họ đang đóng vai trò như thế nào và sắp tới có thể đảm nhiệm vai trò ra sao. Thời gian qua, chúng ta đầu tư cho nhiều DNNN và gánh chịu những rủi ro. Và hiện nay cũng đang còn những bất bình đẳng, như DNNN được bảo lãnh vay vốn. Nhiều ngân hàng nhà nước cho các DNNN vay với số lượng lớn và thực tế đã chịu rủi ro từ việc các tập đoàn thua lỗ, không trả được nợ, điển hình là vụ Vinashin. Đã có nhiều trường hợp lỗ phải khoanh lại, đến nay thu hồi vốn rất khó khăn. Vì vậy, trước mắt, cần khoanh lại lĩnh vực hoạt động của các DNNN, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho DNNN để tránh những vụ việc thua lỗ, sai phạm...

Tái cơ cấu DNNN là “trái tim” của cải cách

Một phần lớn trong báo cáo thường niên kinh tế VN 2012 do Trường ĐH Kinh tế và Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách thực hiện, và Cơ quan Viện trợ Ireland tài trợ, công bố ngày 24-5 tại Hà Nội, được dành cho câu chuyện tái cơ cấu DNNN. Nói như TS Nguyễn Đức Thành chủ biên của báo cáo, thì đây chính là “trái tim” của cuộc cải cách lớn đang đặt ra cho VN. Phải đặt quá trình tái cơ cấu DNNN lên trước cả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đó là nhận định không chỉ của riêng nhóm tác giả báo cáo mà cả các chuyên gia kinh tế tham gia phản biện, bình luận báo cáo này.

TS Lê Hồng Nhật, ĐH Kinh tế - luật, cho rằng tái cơ cấu DNNN phải bắt đầu từ tái cơ cấu ngân sách nhà nước, bởi vì ngân sách nhà nước hiện nay phụ thuộc vào nguồn thu từ DNNN quá nhiều. Đồng tình với nhận định này, TS Nguyễn Đình Cung - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - chia sẻ: “Nếu dựa vào DNNN nhiều quá thì sẽ không dám cải cách DNNN, bởi nếu cải cách thì sợ rủi ro cho nguồn thu. Do đó phải “cắt đuôi”, làm sao để ngân sách nhà nước không phụ thuộc vào DNNN”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Thành cho biết một nguyên nhân gây trở ngại quá trình cải cách DNNN là từ 10 năm gần đây, “chúng ta muốn nhiều thứ cùng một lúc”, vừa đặt mục tiêu bảo toàn vốn nhà nước, vừa muốn tư nhân hóa khu vực DNNN... Báo cáo thường niên kinh tế VN năm nay có chủ đề “Trước thử thách tái cơ cấu kinh tế”. Đây là chuỗi báo cáo được xuất bản hằng năm từ 2009 nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời. Hai kịch bản tăng trưởng của kinh tế VN năm 2012 được báo cáo đưa ra khá ảm đạm: kịch bản thấp dự báo tăng trưởng GDP đạt 4,4% và lạm phát 4,6%, kịch bản cao dự báo hai chỉ số này lần lượt là 5,1% và 6,2%.

HƯƠNG GIANG

CẦM VĂN KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên