Phóng to |
Theo Ủy ban Kinh tế, cổ phần hóa là con đường ngắn nhất áp đặt thị trường cạnh tranh đối với DNNN. Trong ảnh: tàu Vinalines Pioneer là một trong nhiều con tàu cũ do Vinalines mua về khai thác - Ảnh: T.T.D. |
Công cụ điều tiết và bình ổn kinh tế trong kinh tế thị trường phải là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa... chứ không phải doanh nghiệp nhà nước (DNNN), là khẳng định của UBKT trong bản kiến nghị. Cái giá phải trả cho việc sử dụng DNNN làm công cụ bình ổn giá, theo UBKT, là rất lớn. DNNN độc quyền, không chịu áp lực cạnh tranh nên kém hiệu quả. Sử dụng DNNN làm công cụ ổn định giá đã làm cho giá thị trường bị bóp méo, trong nhiều trường hợp giá cả bị “dồn nén” lâu phải bung ra đã tạo cú sốc lớn, làm cho kinh tế vĩ mô vốn đã bất ổn càng bất ổn và dễ bị tổn thương...
Mạnh tay với DNNN kém hiệu quả
Mức lỗ bình quân của DNNN cao hơn 12 lần khu vực khác Hằng năm có khoảng 12% DNNN bị thua lỗ, mức lỗ bình quân của một DNNN cao hơn 12 lần so với các khu vực khác. Lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của DNNN chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng thương mại. Đặc biệt, có đến 80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ bốn tập đoàn: Dầu khí, Viễn thông quân đội, Bưu chính viễn thông và Cao su, nghĩa là ở các tập đoàn, tổng công ty còn lại, tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu rất thấp... |
UBKT đề nghị chỉ cho phép duy trì các tập đoàn theo nguyên tắc “bốn có ba không”. Bốn có gồm duy trì doanh nghiệp có phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực tạo ra hàng hóa cực kỳ thiết yếu cho nền kinh tế; ngành có áp dụng công nghệ mới nhiều rủi ro; ngành đặc thù như chất độc, thuốc lá, rượu... Ba không là: “không đầu tư vào những ngành vì lợi nhuận đơn thuần; không đầu tư vào những ngành vì địa tô đơn thuần; không đầu tư tạo ra doanh nghiệp cạnh tranh không bình đẳng với các thành phần kinh tế khác cùng ngành, cùng lĩnh vực”.
Bản kiến nghị cũng đề xuất tiếp tục áp đặt các nguyên tắc và kỷ luật thị trường, tăng trách nhiệm giải trình với DNNN nói chung và người đại diện chủ sở hữu, cán bộ quản lý chủ chốt của DNNN nói riêng. Doanh nghiệp bị thua lỗ ngoài dự kiến kế hoạch, hoặc không đạt được các mục tiêu kế hoạch, thì giám đốc, tổng giám đốc đương nhiên bị miễn nhiệm...
Cho rằng “cổ phần hóa các DNNN, trong đó Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần thiểu số, thậm chí là không nắm giữ cổ phần, là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh đối với DNNN”, UBKT đề nghị giảm tới mức tối đa số trường hợp Nhà nước tiếp tục nắm cổ phần chi phối; cổ phần hóa một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngay từ năm 2013.
UBKT cũng đề nghị thành lập ủy ban độc lập về tái cơ cấu nền kinh tế hoặc bổ sung chức năng cho hội đồng quốc gia về năng lực cạnh tranh, trao cho cơ quan này những quyền hạn đặc biệt. Theo UBKT, kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy những thay đổi đột phá về thể chế nhất thiết cần một thiết chế đặc biệt...
Cần giảm đóng góp của dân
Tại phần tái cơ cấu đầu tư công, UBKT nhấn mạnh yêu cầu phải khoan thư sức dân. Dẫn số liệu về tỉ lệ động viên GDP vào ngân sách của VN hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với các nước (lên tới 28%), làm giảm khả năng tích lũy và đầu tư của người dân, UBKT cho rằng cần giảm dần tỉ lệ này tới mức hợp lý hơn.
Theo UBKT, vốn đầu tư từ ngân sách chỉ nên là “vốn mồi”, tạo “cú hích” để thu hút các nguồn vốn khác. Cần tái cơ cấu nguồn từ ngân sách theo hướng chỉ ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực khó như đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, khu vực miền núi; đột phá về hạ tầng...
Thời gian qua, nhiều tỉnh cấp phép đầu tư nhưng không báo cáo lên trung ương để đưa vào báo cáo tổng hợp. Có tháng, chênh lệch giữa báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài và một số tỉnh miền Trung lên tới 3,8 tỉ USD. Ngay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp phép 18 dự án sản xuất thép, vượt quá quy hoạch của Bộ Công thương.
Do đó, UBKT kiến nghị cần hình thành thiết chế quản lý vùng có các quyền quyết định quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quyết xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm của vùng. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát của các bộ, ngành trung ương với các quyết định đầu tư của địa phương. UBKT khuyến nghị phải ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư công để tránh quyết định đầu tư cảm tính hoặc không khoa học.
Ngân hàng thế giới: Cần kiên quyết tái cơ cấu DNNN “Cần có thêm hành động để tái cơ cấu khu vực DNNN” - bà Victoria Kwakwa, giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, trả lời Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ngày 23-5 ở Hà Nội. Ngoài ra, bà Kwakwa cho rằng Chính phủ cũng cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng của khu vực tư nhân. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại châu Á - Thái Bình Dương Bert Hofman cho rằng mặc dù VN đã đạt những thành công nhất định, nhưng cần phải chờ đợi thêm vài tháng nữa để xem xét có cần tập trung vào lạm phát nữa hay không. Ông Deepak Mishra (WB tại VN) cũng nhấn mạnh: “VN cần có thêm nguồn lực cho nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng 5,7% cho năm 2012”. Theo ông, nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế có thể đến từ cải cách cơ cấu dài hạn bởi ổn định kinh tế vĩ mô rất có lợi cho ổn định kinh tế dài hạn. “Thay đổi về mặt cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công sẽ là nguồn lực tốt để kích thích tăng trưởng” - ông Mishra nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận