27/06/2013 05:34 GMT+7

"Nhà nước hóa" tổ chức xã hội

CHỌT
CHỌT

TTC - Những ngày gần đây, dân làng thể thao nói chung và bóng đá nói riêng lao xao bàn tán về đại hội vê-ép-ép. Tựu trung, mọi người không chịu được cái chuyện các tổ chức xã hội tràn ngập người của Bộ văn hóa-thể thao & du lịch, và gọi đó là hiện tượng “nhà nước hóa tổ chức xã hội”. Nhưng đó là suy nghĩ của dư luận, còn người trong cuộc thì có nhiều lý do để bảo vệ cho hiện tượng này…

1-Tính nhân đạo rất cao

Vừa rồi, có nhiều người là cựu cán bộ ngành thể thao, đã “vạch áo cho người xem lưng” khi nêu câu chuyện nhiều cán bộ cao cấp của ngành này, trước khi về hưu thì tìm một liên đoàn để hạ cánh nhằm hưởng bổng lộc, được đi đây đi đó không tốn tiền. Dĩ nhiên, chuyện ấy là có thật, nhưng xin đừng nghĩ rằng đó là chuyện xấu, mà nếu nhìn trên quan điểm xem xét toàn diện thì mới thấy đó là một cách làm đầy tính nhân bản.

Này nhé, chẳng phải đã có đề xuất cho những người cấp vụ phó trở lên được kéo dài tuổi hưu đấy sao? Trong lúc cả xã hội đang tranh cãi nên hay không nên về đề xuất đó, thì ngành thể thao đã lẳng lặng làm từ lâu. Dĩ nhiên, vẫn phải tuân thủ theo luật lao động là nam đến 60 tuổi phải về hưu, nhưng hãy thử nghỉ nếu cắt cái rụp, khiến người đương chức về nhà đuổi gà thì chắc chắn là sốc lắm. Và để một người có công (đương nhiên ngồi ghế cao là phải có công lao rồi) bị sốc như thế thì rồi đây còn ai dám phấn đấu để lên cao nữa? Vì vậy, chuyển sang ngồi ghế chủ tịch một liên đoàn nào đấy là biện pháp chống sốc tối ưu và mang tính nhân đạo rất cao. Lẽ ra xã hội phải khen ngợi ngành thể thao, khen ngợi Bộ chủ quản về sự linh hoạt, táo bạo, nhân bản thì ngược lại đi trách móc là sao?

2-Tiết kiệm đáng kể

Nếu giao các liên đoàn cho xã hội tất tần tật, từ ghế cao nhất như chủ tịch, cho đến ghế vừa vừa như tổng thư ký và các ghế thấp thấp như ủy viên ban chấp hành, thì khi ấy bộ máy quản lý thể thao nước nhà sẽ tồn tại song song hai tầng lớp: một của nhà nước và một của xã hội. Có nghĩa là khi ấy cần một cuộc họp để triển khai một chiến lược nào đó, phải tốn chi phí gấp đôi.

Trong tình hình đất nước còn khó khăn, chỉ mới vừa thoát khỏi vị trí nước nghèo, đang nỗ lực vươn lên tốp giữa của bảng xếp hạng các nước có thu nhập trung bình, thì chính sách tiết kiệm vẫn cần được tiếp tục. Và bộ chủ quản của ngành thể thao đã đi đầu trong việc tiết kiệm với sáng kiến “2 trong 1”. Cụ thể là một cán bộ của Bộ sẽ có hai chiếc áo, một ghi là “nhà nước” và một ghi là “xã hội hóa”. Khi nào hội họp chỉ đạo các địa phương thì mặc chiếc áo “nhà nước”, khi nào đi gặp gỡ doanh nghiệp để vận động tài trợ thì mặc áo “xã hội hóa”. Dĩ nhiên, một người làm hai việc thì phải có thu nhập cao hơn làm một việc, nhưng chắc chắn không tốn bằng chi phí cho hai người.

3- Ổn định để phát triển

Mọi người cứ thử hình dung như sau: Đại hội Vê-ép-ép nhiệm kỳ 7 đã bầu những ông ngoài ngành ngồi vào ghế chủ tịch và tổng thư ký. Khi ấy, tại những cuộc họp để triển khai chiến lược phát triển bóng đá VN đến 2020, sẽ bao gồm ba thành phần là đại diện của Bộ chủ quản, đại diện của Tổng cục TDTT và đại diện của Vê-ép-ép. Trong ba thành phần này, chỉ có hai phía là dễ thống nhất, đó là đại diện của bộ và tổng cục, còn cái ông người ngoài đến từ Vê-ép-ép thì chưa biết làm sao, chẳng may ngược ý nhau thì tranh cãi rất mệt.

Trong khi đó, nếu một sếp của Bộ chủ quản ngồi luôn ghế chủ tịch Vê-ép-ép thì khỏe biết bao nhiêu, ổn định biết bao nhiêu, và chưa kể họp hành cũng ít người hơn, đỡ tốn kém.

Xưa nay ai cũng biết muốn phát triển thì phải ổn định, đừng cãi cọ nhau dễ mất đoàn kết, thế thì Bộ chủ quản chọn phương án đưa người của mình sang nắm các vị trí chủ chốt các liên đoàn cũng là để nhắm đến mục tiêu quan trọng: ổn định. Và trong thực tế, chúng ta đã thấy có mấy nhiệm kỳ Vê-ép-ép do người ngoài ngành ngồi ghế số một thì lập tức có nhiều chuyện xảy ra. Cụ thể như một ông ngoài ngành từng làm anh em trong Bộ chủ quản bức xúc khi nói rằng bộ máy điều hành của Vê-ép-ép thấp hơn mặt bằng xã hội!

Đấy, sơ sơ 3 lý do nêu trên thôi, cũng thấy được tính ưu việt của chương trình “nhà nước hóa” tổ chức xã hội rồi(*).

(*) Trên đây là tổng hợp ý kiến của nhiều người trong bộ máy Nhà nước quản lý thể thao, chứ không phải quan điểm của tác giả bài viết. Mong mọi người đừng hiểu nhầm.

VSwg3zQV.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 478 ra ngày 15/06/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

CHỌT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên