Cần truy thu tiền điện, chuyển cơ quan điều tra
Trước đó, có tin tố giác về việc gia đình ông Nguyễn Minh Thương - giám đốc Hợp tác xã Điện An Trường, nguyên bí thư Huyện ủy Càng Long - có hành vi trộm cắp điện của hợp tác xã và sử dụng điện bảy năm nhưng không trả tiền.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Trà Vinh, gia đình ông Thương câu điện, sử dụng điện của hợp tác xã để bơm nước về nhà chạy nước đá từ tháng 1-2013 đến tháng 12-2020 mà không trả tiền.
"Hành vi của ông Thương là chưa phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của người đảng viên, gây ảnh hưởng xấu đến cá nhân và tập thể…", kết luận nêu.
Bạn đọc Ngô cho rằng kết luận trên là không nói thẳng vào vấn đề, cứ nói giảm nói tránh. Nhiều bạn đọc cho rằng hành vi của gia đình nguyên bí thư huyện ủy phải được gọi chính xác là trộm cắp tài sản công của Nhà nước và nhân dân.
Do đó bạn đọc Pham Cong bình luận: "Điện… chạy nhanh vậy mà ông bí thư này vẫn có cách "gói" nó đem về nhà xài gần chục năm?".
Nhiều bạn đọc đề nghị chuyển vụ việc sang cơ quan công an để điều tra, xử lý rốt ráo. Bạn đọc Coc bày tỏ: "Theo quy định mới của Chính phủ, hành vi trộm cắp điện ngoài việc bị xử phạt hành chính thì hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trộm cắp điện bảy năm trời nay mới bị phát hiện mà chỉ bị phạt hành chính, chưa xem xét thêm hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn!".
Trong khi đó, bạn đọc Ngọc Thương ý kiến: "Rất đơn giản, nếu như phát hiện gian lận thương mại thì xử lý và trộm cắp điện phạt tiền và nhiều tiền hơn nữa thì truy cứu trách nhiệm hình sự thôi. Cách truy thu rất dễ tính: cho máy chạy trong khoảng thời gian thường ngày rồi nhân 365 ngày rồi nhân với số năm, truy thu khá nhiều cho ngân sách".
Kể câu chuyện đáng suy ngẫm, bạn đọc Văn Thắng viết: "Có một hôm tôi đang ngồi ăn cơm ở quán, có một đứa bé trông rất tội nghiệp tầm khoảng 7-8 tuổi đi đến mời tôi mua vé số, tôi lấy hai tờ và đưa cháu 30.000 đồng (tặng cháu 10.000 đồng). Cháu bé vẫn cầm 30.000 đồng và rút thêm một tờ vé số nữa đưa cho tôi, cảm ơn rồi bỏ đi ngay.
Tôi hiểu cháu không muốn xin ai, không muốn ai cho mà tự mình làm ra, tự mình tiêu xài... Nhân vật trong bài báo là một nguyên bí thư, nhân cách đạo đức không được thiếu, cũng không phải hộ nghèo, cớ sao ông lại đi ăn trộm như vậy?".
Để hàng rong trước cổng trường không còn đất sống
Trước cổng Trường tiểu học Yên Thường, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Ngoài những ý kiến trên, bạn đọc Tuổi Trẻ Online còn bày kế dẹp hàng rong trước cổng trường, khi cơ quan hữu quan dường như "bó tay" với chuyện này, còn học sinh thì làm "đại lý" hàng rong trong lớp học.
Bạn đọc Nguyễn Hà viết: "Muốn cấm hàng rong trước cổng trường, dễ thôi. Thứ nhất là sự tác động của phụ huynh học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm cho con hiểu.
Thứ hai là sự quản lý của chính quyền địa phương nơi có trường học bằng hình thức lắp camera theo dõi xử phạt. Thứ ba, nhà trường có những quy định và giáo dục học sinh không ăn hàng rong.
Nếu cả ba mặt này giáp công, tôi nghĩ hàng rong không còn đất sống trước các cổng trường".
Giải thích câu chuyện vì sao hàng rong dường như vắng bóng trước cổng các trường quốc tế, trường tư thục ở trung tâm thành phố, bạn đọc Thao cho rằng: "Căng tin trường thì lại giá cao, đắt đỏ. Học sinh bây giờ cũng so sánh giá cả chứ các em đâu có khờ khạo đâu mà không so sánh.
Bây giờ tăng cường phát triển căng tin lên, bán thực phẩm ngon, sạch, đúng giá, có chỗ ngồi đẹp, sạch sẽ thì thử hàng rong còn phát triển được hay không?".
Nói không với hàng rong không chỉ là chuyện ngoài cổng trường. Vì thế Nam Nguyễn đề xuất: "Dẹp được thì phải kiểm soát được chất lượng thực phẩm chính trong nhà trường, giá cả hợp lý cho học sinh! Đừng vì mục đích kinh doanh tận thu là được!".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về những vấn đề trên?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận