21/09/2017 21:17 GMT+7

'Kẻ sĩ Bình Định' Lộc Xuyên Đặng Quí Địch về cõi vĩnh hằng

TRƯỜNG ĐĂNG
TRƯỜNG ĐĂNG

TTO - Nhà nghiên cứu văn hóa Lộc Xuyên Đặng Quí Địch - người được nhiều người yêu mến gọi là nhà Bình Định học - vừa qua đời vào 9h30 ngày 21-9.

Kẻ sĩ Bình Định Lộc Xuyên Đặng Quí Địch về cõi vĩnh hằng - Ảnh 1.

Đặng Quí Địch với công trình cuối cùng của ông - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Ông Đặng Quí Địch được nhiều học giả ở Bình Định gọi là một nhà Hán học, nhà sử học Bình Định, nhà nghiên cứu văn hoá, học giả bình dân với sự trân trọng tài năng thật sự.

Nhà Bình Định học

Dành nhiều thời gian nghiên cứu, khảo cứu, biên soạn những thư tịch cổ, văn hoá, chùa chiền, các thư tịch cổ; đến nay, nhà nghiên cứu Đặng Quí Địch có 29 đầu sách, trong đó 13 cuốn ở dạng bản thảo.

Những công trình nghiên cứu văn hoá cổ, các công thần khai quốc có giá trị như: Nhân vật Bình Định, Tang sự trích biên (phiên dịch, chú giải di cảo của danh nhân văn hóa Đào Tấn), Đào Duy Từ khảo biện, Đào Phan Duân - Lý lịch và tác phẩm, Mai viên cố sự (truyện về cụ Đào Tấn), Cố sự Quỳnh Lâm (IV tập), Kinh Thi (III tập - phiên dịch và chú giải), Minh tâm bảo giám (trích dịch và chú giải), Văn tế Bình Định, Bình Định lưỡng Tấn, Trần Đức Hòa tư liệu, Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định…

Ngoài lĩnh vực văn hóa, ông cũng nghiên cứu, đóng góp lớn ở lĩnh vực võ học. Ông khảo cứu, giới thiệu chân dung nhiều võ tướng, võ nhân qua việc sưu tầm, phiên âm, phiên dịch, chú giải nhiều tài liệu về võ thuật như Trần Đức Hòa, Đào Duy Từ, Mai Xuân Tín, Mai Xuân Thưởng…

Đặc biệt mới đây ông hoàn thành cuốn Văn thi liệu tầm nguyên tự điển, ở dạng bản thảo dài hơn 4.200 trang viết tay được chia thành bốn tập được ông khảo cứu, biên soạn trong 21 năm (từ 1994 - 2015), đây là công trình cuối cùng của cuộc đời ông. 

Hầu hết những nhân vật nổi tiếng về văn hoá ở Bình Định được ông khảo cứu, biên tập lại một cách đầy đủ.

Với những công trình chuyên sâu này, nhiều người yêu mến gọi ông là "nhà Bình Định học".

“Đặng Quí Địch mất là Bình Định mất đi một nhà nghiên cứu văn hoá truyền thống. Cái công và cái tâm của ông đối với quê hương thật lớn, rất nên được ghi nhận xứng đáng…”.

GS. Hoàng Chương – tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam

Kẻ sĩ Bình Định Lộc Xuyên Đặng Quí Địch về cõi vĩnh hằng - Ảnh 3.

Lộc Xuyên Đặng Quí Địch - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Con người của "bàn" - "bếp"

Sau năm 1975, ông lặng lẽ đi tìm tư liệu về các công trình cổ, chùa chiền và những nhân vật văn hoá ở Bình Định rồi về viết thành những công trình cho riêng mình. Người ta thấy ông suốt ngày ở nhà một mình, hết ngồi bàn sách thì xuống bếp tự nấu ăn.

Ông quan niệm, đã là người quân tử thì việc gì cũng phải làm được. Ông biết cách nấu ăn và nấu ăn ngon, đó là phần tự thưởng cho mình sau những giờ làm việc căng thẳng.

Ở bàn làm việc, những tập sách cổ được ông dàn ra nhiều đến mức có khi ông bị che khuất trong những chồng sách. 

Ông luôn nghiêm túc trong công việc, mỗi trang viết được ông ghi chép, cất giữ cẩn thận. Những trang bản thảo viết tay của ông từ thời mới bắt đầu viết đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Thời đi dạy, ông nhận được bao nhiêu đồng lương đều dành cho mua sách. Đến giờ, tại thư phòng Đặng gia trang của ông là một kho sách quý được sắp xếp một cách ngăn nắp, cẩn thận, có thư mục tìm kiếm. 

Ông mong muốn những ai có lòng quý sách muốn tìm hiểu thì đến đọc, tra cứu và gìn giữ nó cho đời sau.

Những năm cuối đời, ông sống cô độc. Cô độc bởi ít người hiểu được công việc ông làm, ít người hiểu được suy nghĩ, tư tưởng của ông. 

Có nhiều người nghe tiếng ông cũng đến làm quen trò chuyện nhưng những lời bạch thoại hời hợt làm ông không hứng thú; những thứ ngôn ngữ hàm chứa nhiều chất liệu văn hoá cổ của ông thì không phải ai cũng tiếp chuyện được.

Ông cô độc bởi gia đình ông chủ yếu kinh doanh, suốt ngày bận rộn trong buôn bán. Ông một mình đi chợ, một mình nấu ăn, một mình đọc, viết và cứ thế lặng lẽ hiến dâng cho đời những công trình quý giá.

Trăn trở nhất của ông là những bản thảo chưa được in ra sách, chưa được phổ biến cho đời. Những đồng tiền ít ỏi kiếm được từ việc bán sách, ông dành dụm để in sách của mình. 

Tuy nhiên, tuổi già sức yếu, nhiều bệnh tật, ông không kiếm tiền đủ để in khối lượng bản thảo quá lớn của ông. 

Cách đây vài tuần, ông còn một ít tiền dự định đưa cuốn Tấc lòng để tái bản nhưng do sức khoẻ không ổn định nên ông dừng lại. Niềm vui của ông, có lẽ không có gì khác ngoài con chữ.

Kẻ sĩ Bình Định Lộc Xuyên Đặng Quí Địch về cõi vĩnh hằng - Ảnh 4.

Bộ tự điển dày 4.200 trang viết tay được ông tặng lại cho Thư viện tỉnh Bình Định và Hội VHNT Bình Định - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Đặng Quí Địch, hiệu là Lộc Xuyên, sinh năm 1939 ở Lộc Trung, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định. Là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bình Định.

Tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn năm 1963, ông đi dạy học khoảng chín năm và làm hiệu trưởng Trường tiểu học An Hành ở huyện Phù Cát.

Năm 1971, ông bỏ 4 lượng vàng để in cuốn sách đầu tay là Nhân vật Bình Định.

Cuốn sách này được nhà văn Nguyễn Mộng Giác (lúc này là chánh sự vụ Sở Học chánh Bình Định) hết lời khen ngợi và mời ông về làm quản thủ Thư viện Quy Nhơn.

Thời gian này ông có điều kiện tiếp xúc với các tư liệu quý ở thư viện, ông tự học, tự nghiên cứu và trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa cổ sau này.

Sau năm 1975, ông về nhà tự học, tự nghiên cứu Hán, Nôm và viết sách, ông trở thành kẻ sĩ bình dân ẩn mình nơi quê vợ ở Hoài Nhơn.

Ông đoạt hai giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn ở Bình Định với hai tác phẩm: Chuyện cũ kẻ sĩ Bình ĐịnhMai viên cố sự.

Lễ viếng lúc 8h ngày 22-9; lễ an táng lúc 15h ngày 22-9 tại nghĩa trang Bồng Sơn, Bình Định.



TRƯỜNG ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên