![]() |
Bờ sông Hồng đang bị san lấp thành bãi đất rộng - Ảnh: L.H. |
Mùa khô đến, sông Hồng cạn trơ đáy, tốc độ lấn chiếm càng nhanh.
Tại khu vực An Thành cũ (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), hàng chục ngôi nhà tạm bợ che chắn bằng ván gỗ, tấm lợp, cót tre, phông bạt dựng lên từ lúc nào.
Dọc đường Giếng Nước (vốn là đê quai ngăn lũ được bêtông hóa) phía giáp bờ bãi tiến ra sông Hồng, hàng loạt xưởng cơ khí, điểm thu mua phế liệu, quán nước vỉa hè, quán rửa xe... mọc lên san sát. Nằm mặt ngoài bờ sông trên đường đê quai, điểm tiếp giáp giữa phường Yên Phụ và phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), một khoảnh nền đang thành hình từ bãi phế thải xây dựng được đổ xuống. Người dân sống lân cận cho hay diện tích này trước đây vốn là bãi hoa màu.
Mỗi ngày một chút
Từ ngõ 76 An Dương tiến thẳng ra bờ sông Hồng, trái ngược với khung cảnh bãi sông ngút ngàn hoa màu như những nơi khác, hai bên ngõ xuất hiện nhiều nhà hàng, quán cà phê... Ngoài ra còn có hai xưởng cơ khí, một xưởng chế tác đá và một quán vườn đang thi công. Thời điểm này trong năm, mặc dù khu giáp bờ sông vốn heo hút nhưng xe cộ ra vào tấp nập, hóa ra tại một nhà hàng ở khu vực này người ta đang tổ chức tiệc cưới.
Càng lấn đất, nước lũ càng cao Theo Viện Quy hoạch thủy lợi, sông Hồng giữ vị trí 22 trên thế giới về mức độ hung dữ trong mùa lũ nên việc thoát lũ rất quan trọng. Hằng năm khi lũ về, lòng sông bị bồi lắng khoảng 50cm. Việc người dân càng lấn ra ngoài bãi sông khiến mực nước lũ càng dâng cao do mặt cắt thoát lũ giảm, nước lũ hung tợn hơn, khó kiểm soát sự an toàn đối với dân cư sinh sống hai bên bờ sông khi nước lũ dâng quá cao. |
Ông Lê Văn Thành, chủ tịch UBND phường Tứ Liên, thừa nhận từ lâu đã xảy ra tình trạng lợi dụng đổ rác, phế thải xây dựng để san lấp, lấn chiếm bãi sông Hồng. Mặc dù phường kiểm tra thường xuyên nhưng một số cá nhân “né” chính quyền bằng cách lấn chiếm mỗi ngày một chút, sau đó dựng lều lán, nhà tạm bợ trên diện tích lấn chiếm.
Chủ tịch phường cho hay phường Tứ Liên đang gấp rút khảo sát lập dự án chống lấn chiếm bờ sông, dựng bờ rào, đóng cột mốc ngăn chặn việc đổ đất san nền làm mặt bằng xây dựng.
Thu hồi đất lấn chiếm
Còn theo ông Nguyễn Thanh Tịnh - chủ tịch UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), mới đây khu vực Đầm Cục 1 nằm trên hành lang thoát lũ sông Hồng bị lấn chiếm tới 25.000m2. UBND quận Tây Hồ đã vào cuộc, ra quyết định thu hồi toàn bộ. “Hiện tại chúng tôi áp dụng nhiều biện pháp, từ xây dựng tường bao ngăn sông với bãi, chốt chặn barie tại các cửa khẩu không cho xe tải tiếp cận bờ sông đổ đất, phế thải xây dựng, lập các đội tuần tra đêm gồm công an phường, lực lượng bảo vệ dân phố, khu dân cư thường xuyên kiểm tra ngăn chặn kịp thời việc lấn chiếm bờ sông” - ông Tịnh nói.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết chi cục đã phát hiện nhiều trường hợp lấn chiếm bờ sông Hồng, cơi nới diện tích sử dụng tại các điểm tiếp giáp sông Hồng. Dự kiến cuối năm 2010, UBND TP Hà Nội sẽ phê duyệt dự án, quy hoạch hành lang thoát lũ sông Hồng, khi đó chỉ giới trong và ngoài hành lang thoát lũ sẽ được phân định rạch ròi, dễ dàng cho việc rà soát và xử lý vi phạm việc lấn chiếm hành lang thoát lũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận