(Kỳ 1): Con cháu các tù nhân biệt xứ
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Vừa qua, có mặt tại Guyane nhân dịp VN phóng vệ tinh Vinasat-1, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm đến nhà lao An Nam, vùng đất khổ sai của nhiều tù nhân biệt xứ người Việt trước đây. Con cháu những cựu tù ái quốc năm xưa lần đầu tiên có dịp nói về cội nguồn của mình.
Từ khi lên kế hoạch sang Guyane để đưa tin sự kiện VN phóng vệ tinh Vinasat-1, tôi cứ ám ảnh làm sao tìm lại được con cháu của những người tù khổ sai đi đày ở đây từ năm 1931, sau khởi nghĩa Yên Bái. Những tưởng mọi chuyện không thể, vì gần 80 năm đã qua…
Những người Việt ở Guyane
Trong cơn mưa như trút nước, tôi đứng tại địa điểm quan sát dịch chuyển tên lửa Ariane-5 chở vệ tinh Vinasat-1 ra đến bãi phóng, bất chợt nghe ai đó hỏi bằng tiếng Pháp: "Ông là người Việt à?". Hóa ra là một nhân viên an ninh của Trung tâm không gian Kourou từ xa quan sát các nhà báo đang tác nghiệp. Đó là một người đàn ông đứng tuổi, da hơi ngăm đen, trong ánh mắt ông hiện lên nét mừng rỡ. "Đúng thế. Chào ông", tôi trả lời. "Tôi tên là Trân Van Cân", ông ta phát âm không dấu, song cũng phát âm được chữ "â”, "Cha tôi, ông nội tôi là người Việt. Tất cả đều tên là Trân Van Cân". Thật mừng rỡ! Một trong những "đối tượng tìm kiếm" của tôi đây rồi.
Và ông đưa tôi đi gặp những người Việt ấy. Họ sống rải rác ở Guyane. Họ tự giới thiệu là con cháu của những tù nhân biệt xứ năm xưa. Bác sĩ Kim, một bác sĩ chuyên khoa dạ dày - đường ruột, sinh sống ở Guyane từ tám năm qua, nồng hậu tiếp đón tôi trong nhà ông. Ông cho biết: "Ở đây có nhiều người mang họ tên Việt, song da thì đen và không nói được một từ tiếng Việt. Hỏi họ, họ chẳng nhớ gì về gốc gác Việt của mình. Họ là con cháu của các tù nhân thuở trước".
Bác Vũ, một chuyên gia nông nghiệp quốc tịch Pháp về hưu, sang Pháp cùng gia đình từ thời Ngô Đình Diệm, sau này dọn sang Guyane, cũng nói: "Họ không biết nhiều về gốc gác Việt. Song cũng có một số người tết đến là đón tết Việt". Ông Nghĩa, chủ một nhà hàng ở Kourou, kể: "Mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức đón tết. Cũng có những người da đen họ Việt đến ăn tết cùng chúng tôi".
Không chỉ có 525 tù nhân biệt xứ?
Phóng to |
"Chủ nghĩa dân tộc và nổi dậy ở Đông Dương.
- Các nhóm cực đoan nổi lên tại các xứ bảo hộ của Pháp ở Đông Dương.
- Tháng hai, đồn binh Yên Bay nổi dậy, ném bom trong các phố phường Hà Nội. Cuộc thử sức đẫm máu này thất bại trong trứng nước và các nhà dân tộc chủ nghĩa bị bắt sau đó bị gửi ra Côn Đảo.
- Quan toàn quyền e sợ một cuộc nổi dậy mới, đã quyết định tống các phần tử khuynh đảo đến một vùng đất xa thẳm. Tháng 4-1931, 525 tù chính trị Đông Dương xuống tàu sang Cayenne".
Tôi gửi thư điện tử cho nhà sử học G. Marchal hỏi thăm về con số 525 tù chính trị Đông Dương này, một tháng sau nhận được câu trả lời vắn tắt: "Danh sách các tù nhân này hiện đang lưu tại văn khố ở Aix-en-Provence. Đường mòn đến nhà lao An Nam đã được san ủi và đánh dấu mũi tên". Chìm đắm trong mớ thông tin mới tìm ra về "hậu khởi nghĩa Yên Bái" và nhà lao Guyane, tôi cứ đinh ninh rằng những tù nhân biệt xứ VN đầu tiên sang Guyane là vào năm 1931, cho đến khi gặp ông Trần Văn Cân ở bãi phóng tên lửa Ariane:
- Ông năm nay bao nhiêu tuổi?
- Tôi sinh năm 1948.
- Có phải cha ông đã sang đây vào khoảng những năm 1930 không?
- Không, vì cha tôi sinh năm 1922 ở Guyane này. Ông nội tôi, cũng tên Trân Van Cân, phải đến đây trước đó. Đến lúc nào thì tôi không biết, chỉ biết rằng sau đó ông lấy bà nội tôi rồi sinh ra cha tôi năm 1922.
Chợt nhớ lại một tài liệu của Pháp ghi rằng vào cuối thế kỷ 19 đã có những tù chính trị người Việt bị đưa sang Guyane. Trần Văn Cân bằng xương, bằng thịt trước mặt tôi là con cháu của những người tù ái quốc người Việt đầu tiên đi đày biệt xứ ở Guyane này, từ cuối thế kỷ 19, trước cả khởi nghĩa Yên Bái. Nếu đúng như ông Cân nói, nhà lao An Nam đã "đón" tù nhân VN từ trước năm 1931, và ở đó sẽ không chỉ là mảnh đất khổ sai của 525 tù nhân người Việt.
Khởi nghĩa Yên Bái Ngày 26-1-1930, tại Mỹ Xá (Nam Sách, Hải Dương), hội nghị đại biểu toàn quốc của Việt Nam Quốc dân đảng quyết định khởi nghĩa đồng loạt ở một số tỉnh Bắc kỳ vào đêm 9 rạng ngày 10-2-1930. Do quá trình chuẩn bị gặp nhiều trắc trở, Nguyễn Thái Học quyết định hoãn ngày khởi nghĩa đến 15-2. Nhưng ở nhiều địa phương, khởi nghĩa vẫn bắt đầu vào đêm 9 rạng 10-2. Nơi nổ súng đầu tiên và quyết liệt nhất là Yên Bái (do đó có tên gọi chung là khởi nghĩa Yên Bái). Ở Yên Bái, Phú Thọ, nghĩa quân chiếm một số nơi nhưng không giữ được, ngay sáng 10-2 bị dập tắt. Ở Hà Nội chỉ kịp tạo ra một số vụ nổ bom ở sở cảnh sát, sở mật thám... Ở Kiến An, Hải Dương, mãi đến ngày 15-2 mới nổi dậy, chiếm được Vĩnh Bảo (Hải Dương) và Phụ Dực (Thái Bình), nhưng không đánh chiếm được Phả Lại, Hải Dương. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, những người lãnh đạo chủ chốt (Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp...) bị bắt và bị kết án tử hình. (Nguồn: Từ điển Bách khoa Việt Nam) |
------------------------------------
Giám đốc văn khố lưu trữ tỉnh Guyane nói: "Một số tù nhân sau này ra trại, sống tập trung thành khu người Đông Dương, lập gia đình với người bản xứ thường là người da đen, họ không còn nguyên thủy nữa".
Kỳ tới: Những số phận lưu lạc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận