11/08/2017 13:16 GMT+7

Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều: Gửi lại mối tơ vò Xúy Vân

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Nhạc sĩ, Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều - tác giả âm nhạc vở chèo cổ Xúy Vân - vừa tạ thế ngày 10-8. Biết là quy luật sinh - tử, nhưng với học trò của ông niềm tiếc thương cứ dâng lên vô hạn…

Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều - Ảnh tư liệu
Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều - Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều tên thật là Tạ Khắc Kế, thân phụ nhạc sĩ Giáng Son. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. 

Dù năng qua lại thăm thầy vào mỗi dịp lễ, tết nhưng Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài không khỏi bồi hồi xúc động khi hay tin Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều ra đi... Bà bảo, biết đấy là vòng luân hồi sinh - tử, biết là ông đã thượng thọ đến tuổi 92 nhưng vẫn không thể ngăn niềm thương tiếc…

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài chia sẻ, thầy Hoàng Kiều đã có đóng góp rất lớn cho nghệ thuật chèo nước nhà khi ông là tác giả âm nhạc của nhiều vở chèo cổ như Từ Thức gặp tiên, Phan trần, đặc biệt là vở chèo cổ Xúy Vân

Qua bao năm tháng, nhưng khán giả hôm nay vẫn say say, tỉnh tỉnh với Xúy Vân không chỉ bởi tích chèo hay mà còn vì âm nhạc được thầy Hoàng Kiều viết “không thể tuyệt vời hơn, kể cả đến tận bây giờ”, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài nói.

Chính vì thế mà trích đoạn Xúy Vân giả dại trong vở chèo cổ này luôn được chọn làm một trong những bài học mẫu mực của nghệ sĩ vì có cả đoạn dài độc thoại nội tâm bằng vũ đạo được kết hợp với âm nhạc đầy ma mị của Hoàng Kiều.

Với riêng mình, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài còn nhớ mãi những năm tháng đất nước chiến tranh, thầy Hoàng Kiều lúc ấy là Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam hay gọi học sinh đến và cho từng gói mì tôm, quả cà chua, để các em… cải thiện bữa ăn.

Thầy luôn dạy học trò phải yêu nghề, yêu dân tộc, quý trọng nghệ nhân, và nỗ lực tự mình rèn luyện thành tài.

Nhất là, trong suốt giai đoạn 1968 - 1969, thầy Hoàng Kiều là người dẫn học sinh năm cuối của trường vào chiến trường thực tập.

Thầy và trò hành quân dọc đường Trường Sơn, từ Thanh Hóa, Nghệ An, đến tận bờ sông Bến Hải (Quảng Trị) để hát động viên, phục vụ bộ đội. Dù trên đường hành quân gặp khó khăn, gian khổ đến đâu thầy Hoàng Kiều cũng ở bên động viên, thôi thúc học sinh.

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài ngậm ngùi nói: “Giữa đạn bom ác liệt, thầy luôn là chỗ dựa tinh thần rất lớn đối với chúng tôi. Chính trong cuộc hành quân này, thầy đã viết những vở Những cô gái mặt đường và Bố con người gác đường

Giờ đây, mất đi một nhà giáo Hoàng Kiều là chúng ta mất đi một nhạc sĩ tài hoa, mất đi một người thầy tài năng, đức độ…”.

Với Nghệ sĩ nhân dân Thanh Trầm - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, dù không được học trực tiếp nghệ sĩ Hoàng Kiều nhưng bà luôn kính trọng ông - một người rất hiểu nghề, người đã có công gìn giữ, bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống, nhất là âm nhạc của nghệ thuật chèo.

Ông cũng là người thầy, người anh cả luôn tận tình chỉ bảo thế hệ sau. Bà kể khi tuổi cao nhưng bất kể nhà hát nào hay nghệ sĩ nào tìm đến ông cũng sẵn lòng giúp đỡ. Đã có lần, thầy Hoàng Kiều nắn lại giúp bà cách nhả hơi, luyến láy…

“Tôi còn có vài lần được cùng Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi nghệ thuật chèo. Tôi rất khâm phục trước sự thông minh, sắc sảo của ông khi đưa ra ý kiến chỉ đạo cũng như đóng góp ý kiến cho từng tiết mục, vai diễn”
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Trầm

Trong suốt cuộc đời tận tụy cống hiến cho nghệ thuật của mình, Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều là tác giả âm nhạc của hơn 20 vở chèo, trong đó có nhiều vở đạt đến trình độ mẫu mực của nghệ thuật chèo như Xúy Vân, Từ Thức gặp tiên, Phan trần... 

NSƯT Bích Liên trình diễn trích đoạn Súy Vân giả dại trong vở chèo cổ Súy Vân với phần độc thoại bằng âm nhạc do nhạc sĩ Hoàng Kiều viết - Ảnh Đức Triết.
NSƯT Bích Liên trình diễn trích đoạn Xúy Vân giả dại trong vở chèo cổ Xúy Vân với phần độc thoại bằng âm nhạc do nhạc sĩ Hoàng Kiều viết - Ảnh Đức Triết.

Ngoài ra, ông còn là tác giả của một số tác phẩm sân khấu kịch hát truyền thống về đề tài cách mạng như Máu chúng ta đã chảy (1963), Bố con người gác đèn (1969), Những cô gái mặt đường (1969), Cô hàng rau (1980)...

Đặc biệt, Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều còn là một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận & phê bình sân khấu với nhiều công trình như: Sử dụng làn điệu chèo (1974), Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền (2001), Tìm hiểu các làn điệu chèo cổ 2001Tìm hiểu sân khấu chèo (Hoàng Kiều - Trần Việt Ngữ), Lịch sử sân khấu chèo và phát triển (2009), Các làn điệu chèo có âm nhạc (Hoàng Kiều và Hoàng Hoa), Điệu thức 5 âm và tính năng các cây đàn...

Nhạc sĩ, Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều sinh ngày 12-4-1925, quê ở Dốc Lã, xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Ông tạ thế lúc 7h40’, ngày 10-8, hưởng thọ 92 tuổi. Lễ viếng nhạc sĩ, Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều từ 7h - 9h ngày 12-8 (tức 21-6 năm Đinh Dậu) tại phòng tang lễ Cầu Giấy, phố Trần Vỹ, Hà Nội. Lễ an táng diễn ra tại quê nhà Hưng Yên.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên