![]() |
Sắt thép là một trong những mặt hàng tồn kho lớn, ảnh hưởng đến giá chứng khoán niêm yết - Ảnh: H.THÚY |
Hiện tượng DN đầu tư tài chính lỗ nặng vì chứng khoán vừa lắng xuống thì thị trường lại rộ lên thông tin nhiều DN đang thua lỗ nặng phải trích dự phòng lớn vì hàng tồn kho giảm giá.
Mất lớn vì tồn kho phân bón
Mới đây, Công ty Vật tư nông nghiệp Cần Thơ (mã chứng khoán TSC) công bố bức thư ngỏ của chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Phạm Văn Tuấn về việc... tồn kho hơn 62.000 tấn phân bón. Khi thấy giá phân bón trên thị trường giảm mạnh, những nhà đầu tư ôm cổ phiếu này trở nên lo lắng. Nhiều người đã bán tháo, làm giá TSC giảm sàn nhiều ngày liền. Và sự lo lắng đó là có cơ sở. Khoản tồn kho này đã bị lỗ nặng nên kết thúc quý 3, TSC phải trích dự phòng tài chính hơn 67 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo TSC, trong quý 4 này nếu giá tiếp tục giảm, có thể công ty sẽ kinh doanh không có lời. Tuy nhiên, nhờ thời kỳ đầu năm phân bón tăng giá mạnh, kinh doanh có lãi lớn nên hy vọng kết thúc năm 2008 TSC vẫn đạt lợi nhuận vượt chỉ tiêu.
Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, đến tháng 11, các DN trên cả nước còn tồn kho hơn nửa triệu tấn phân bón, trong đó riêng Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (mã chứng khoán DPM) tồn 150.000 tấn urê. Lượng phân đó hầu hết nhập giá cao nên khi giá thế giới và trong nước giảm mạnh thì DPM bị lỗ nặng.
Nhà đầu tư cần thông tin minh bạch sớm Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc Công ty chứng khoán SJC, nói: “Pháp luật không quy định buộc DN phải công bố thông tin hằng tháng nên khoản thua lỗ do hàng tồn kho DN có quyền để đến khi tổng kết tài chính quý, năm mới công khai. Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư lại muốn thông tin minh bạch sớm để hạch toán giá mua cổ phiếu. Nếu DN không công khai, nhà đầu tư sẽ suy đoán theo hướng tiêu cực hơn làm thị trường thêm ảm đạm. Vì công ty niêm yết là DN đại chúng nên mọi thông tin tốt xấu về hoạt động của DN cần phải được công bố sớm. |
Mặc dù DPM chưa chính thức công bố số tiền bị “bốc hơi” này, nhưng theo ước tính của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), khoản này đã làm DPM bị mất đứt 500 tỉ đồng. Báo cáo tài chính quý 3 cho thấy hết tháng 9, DPM đã lãi trước thuế 1.583 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo VAFI, với khoản lỗ vì urê tồn kho nói trên và giá phân bón thế giới đang giảm mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của DPM trong quý 4 này.
Hoài nghi về kết quả kinh doanh
Hiện có rất nhiều DN niêm yết trong các ngành như thép, cao su, phân bón, gạo, xăng dầu... đã bị lỗ nặng do hàng hóa tồn kho giảm giá mạnh. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có vài DN công khai số hàng tồn kho và số tiền bị lỗ phải trích dự phòng.
Tháng trước, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã công khai thông tin về những thiệt hại do thép nguyên liệu nhập khẩu tồn kho. Theo đó, trong thời kỳ giá thép biến động mạnh, HPG đã nhập hàng chục ngàn tấn phôi và thép phế về dự trữ nên khi giá thế giới đột ngột giảm, HPG không kịp tiêu thụ hết nên dẫn tới việc bị lỗ nặng, phải trích bù số tiền lên đến 353 tỉ đồng. Vì vậy, từ chỗ đến hết tháng 9, HPG đạt 1.082 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng sang hết tháng 10 lợi nhuận giảm còn 809 tỉ đồng.
Ông Trần Quang, một nhà đầu tư trên sàn SSI, nói trước đây, khi mua cổ phiếu, nhiều người đã tính toán dựa trên số lợi nhuận DN đã đạt được. Nay vì hàng tồn kho giảm giá nên lợi nhuận bị giảm theo, làm giá cổ phiếu trở nên đắt hơn. Do đó, mặc dù đã chuẩn bị đón nhận tình huống xấu nhưng khi các thông tin thiệt hại vì hàng tồn kho được công khai thì nhiều nhà đầu tư vẫn cảm thấy bị sốc và đâm hoài nghi về kết quả kinh doanh của DN niêm yết. Bởi ngoài những DN đã công khai, tin chắc sẽ còn có nhiều DN nữa cũng đang bị lỗ nặng do hàng tồn kho nhưng chưa bộc lộ ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận