![]() |
Lùi xa hơn một chút, dân trong nghề ai cũng nhớ về một tay máy tài hoa, người đã quay những thước phim kinh điển của điện ảnh tài liệu VN cho đạo diễn quá cố Lê Mạnh Thích: Dòng sông ánh sáng,Chìm nổi sông Hương, Cuộc gặp gỡ sau 30 năm, Trở lại Ngư Thủy... Vẫn là Nguyễn Thước ấy, người đã chọn phim tài liệu làm lẽ sống.
Trò đam mê lại gặp thầy đam mê
Chất xám giành Cánh diều vàng năm nay nhưng nhiều người vẫn cho là đạo diễn đã lãng phí đề tài, lẽ ra có thể đào sâu, khai thác triệt để và đẩy vấn đề lên quyết liệt hơn nữa. Nguyễn Thước cười rất lành: "Tôi biết mình bỏ sót nhiều, tôi biết nhiều số phận tôi chưa đẩy tới cùng. Nhưng tôi hoàn toàn chưa có ý định dừng lại. Chất xám làm nhanh cho kịp tiến độ kế hoạch của hãng, phim xong được một tuần thì báo chí đưa tin hàng loạt nhân sự cao cấp của Ngân hàng Nhà nước bỏ việc ra ngoài làm vì đãi ngộ không xứng đáng, vấn đề "nóng" quá mà tiếc không cho vào phim được. Nhưng tôi sẽ còn quay lại, Chất xám chỉ là bắt đầu cho những chủ đề khác: viên chức, giáo chức... Chỉ cần không thỏa mãn, không dừng lại, chỉ cần tiếp tục quan tâm đến cuộc sống như một công dân có tình cảm, sẽ chẳng bao giờ hết đề tài cho một người làm phim tài liệu như tôi". |
"Đấy là đầu năm 1990, khi tôi vừa học xong khóa đào tạo ngắn hạn Robert Grammer của Pháp dành cho những người làm phim tài liệu VN, đạo diễn Lê Mạnh Thích xem xong phim tốt nghiệp của tôi liền rủ tôi đi quay Dòng sông ánh sáng cho ông. Đó là phim về những người làm thủy điện sông Đà. Tôi cũng run vì ông Thích lúc đó đã lừng lẫy với bộ phim Đường dây lên sông Đà - giải Bồ câu vàng Liên hoan phim Leipzig, mà phim kia ông vừa làm đạo diễn vừa tự quay.
Nhưng đi với ông Thích tôi thấy ông làm việc rất dễ chịu, cho người quay phim rất nhiều đất để tư duy hình ảnh. Phim hoàn thành và được giải Bông sen vàng Liên hoan phim quốc gia. Nhưng tôi không sung sướng bằng được nghe một người bạn kể lại rằng ông Thích nói về tôi: thằng ấy chịu cày, và cày tốt đấy".
Thế là gần 15 năm cặp bài trùng Lê Mạnh Thích - Nguyễn Thước cặp kè với nhau. Ông Thích xuất thân nông dân, bản tính chân chất và ít lời, phim ông tác động thẳng vào trí não và trái tim người xem bằng hình ảnh, nên quay phim của ông bao giờ cũng phải là người quay giỏi nhất và hiểu ý ông nhất. Nguyễn Thước chính là người quay phim đó.
Sẽ chẳng có lời lẽ hoa mỹ nào thay được những thước phim đầy im lặng bão tố về những cô gái Ngư Thủy - nay đã thành bà - vẫn gồng gánh những gánh rau, gánh cá qua trảng cát nóng bỏng giữa trưa hè "hòa bình rồi răng mà em vẫn khổ ri?" (Trở lại Ngư Thủy). Cũng chẳng có ngôn từ nào hóa giải được nỗi đau chiến tranh như hình ảnh o du kích nhỏ lúng túng ngượng ngập rồi dè dặt ôm lấy viên phi công Mỹ mà mình từng bắt làm tù binh 30 năm trước.
"Đi với ông Thích, biết thế nào là làm phim tài liệu vì sự thật - sự thật cho người mà mình đang làm về họ, chứ không phải sự thật để được tung hô”. Đấy là bài học mà Nguyễn Thước rút ra sau khi quay Cuộc gặp gỡ sau 30 năm. "Làm xong Trở lại Ngư Thủy sẽ không còn thấy thế nào là khổ trên đời này nữa" - thu hoạch của Nguyễn Thước sau ba tháng dang nắng và lội cát Quảng Bình với máy quay hàng chục ký trên vai. Nhưng bài học ấy cho anh bản lĩnh, tình yêu để bắt tay vào công việc mới: đạo diễn.
Đồng hành cùng những người trẻ
Chỉ mới làm bảy phim với tư cách đạo diễn, trừ những phim "đặt hàng", ba phim anh chủ động đặt kế hoạch làm đều thu hút được sự quan tâm và đồng cảm từ số đông: Những công dân @, Thương hiệu và Chất xám. Tất cả đều là đề tài hiện đại, thậm chí nóng bỏng mang dấu ấn báo chí. Và cả ba phim anh đều cộng tác với hai nhà biên kịch nữ trẻ: Phan Huyền Thư (Những công dân @), Chất xám) và Lê Thị Thái Hòa (Thương hiệu). "Phan Huyền Thư điệu đàng và chăm chút câu chữ, nhiều ý tưởng lạ. Thái Hòa băm bổ, sôi động đúng tác phong báo chí. Làm phim từ kịch bản của họ giúp tôi làm mới mình hơn" - Nguyễn Thước khiêm nhường và chân thành khi nói về những cộng sự trẻ của mình.
Phim tài liệu đã qua thời hoàng kim của Lê Mạnh Thích, Trần Văn Thủy, Đào Trọng Khánh. Các phóng sự tài liệu được phát trên hàng chục kênh truyền hình hằng ngày đã khiến các nhà làm phim tài liệu lúng túng. đề tài mà các nhà làm phim tài liệu VN gặt hái được nhiều thành tựu hầu hết là hậu chiến (Chị Năm Khùng - Lại Văn Sinh, Chốn quê - Sĩ Chung, Bài ca trên đỉnh Tà Lùng - Trần Phi), khán giả đã thấy quen thuộc và mệt mỏi. Phim về đề tài hiện đại mà không trùng lặp với phóng sự truyền hình quả là hết sức khó khăn. Những người làm phim tài liệu như Nguyễn Thước, Phan Huyền Thư phải tìm kiếm hướng đi mới.
"Phỏng vấn chưa bao giờ là thế mạnh của tôi, vậy mà trong Những công dân @ tôi đã quay đến hơn 160 trang kịch bản phỏng vấn (mỗi trang tương đương 1 phút). Nhiều người cũng đã nói chúng tôi lạm dụng. Nhưng quả thật chúng tôi đang cố gắng cho người xem tiếp cận càng nhiều cách làm càng tốt. Sang Chất xám cũng thế, vào TP.HCM quay, lúc đầu kịch bản không có Lê Bá Khánh Trình nhưng Thái Hòa đã thuyết phục tôi cho vào bằng được. Cô ấy nói nếu không có chân dung và câu chuyện về Lê Bá Khánh Trình, vấn đề mà chúng tôi đặt ra - sử dụng chất xám ở VN - sẽ kém thuyết phục nhiều lắm. Và cô ấy nói đúng" - Nguyễn Thước nhớ lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận