11/04/2015 10:10 GMT+7

​Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Vào trận nhưng chưa chuẩn bị kỹ

C.V.KÌNH ghi
C.V.KÌNH ghi

TT - “Đừng để người ta sang mình đón đầu, còn mình thì không” - nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan đã nói như vậy khi đề cập đến sức ép hội nhập, đặc biệt sự tham gia của VN vào cộng đồng kinh tế ASEAN.

Ông Vũ Khoan - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Vũ Khoan - Ảnh: Nguyễn Khánh

Và ngành công nghiệp ôtô sẽ là một trong nhiều ngành chịu sự tác động này.

Năm 2015 chứa đựng nhiều điểm mới với đầy thời cơ và thách thức khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, đồng thời ta đang đàm phán để đi đến ký kết hàng loạt hiệp định quan trọng, không phải chỉ với châu Á mà cả Hiệp định thương mại tự do VN - EU, với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakstan và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Như vậy, con tàu hội nhập đã chạy, sắp đến ga rồi. Vấn đề còn lại chỉ là chuẩn bị và tận dụng như thế nào.

Đối với ngành ôtô, theo tôi, có tin nhiều doanh nghiệp sẽ rút đi. Vậy ta có lợi ích để giữ họ lại không? Ta có khả năng phát triển ngành ôtô không? Tôi vẫn thắc mắc trên thế giới chỉ 5-6 nước tập trung sản xuất ôtô thôi, một số nước đang giảm dần, VN có nên tập trung vào ôtô không? Nếu không định vị được, cứ lao vào liệu có lợi. Vấn đề là chọn lợi thế so sánh của mình
Nguyên Phó thủ tướng VŨ KHOAN

Bài binh bố trận thế nào?

Tôi cho rằng đàm phán đã khó, nhưng quan trọng hơn là chuẩn bị thế nào để tận dụng được cơ hội mới mở ra, ứng phó hiệu quả những thách thức nảy sinh. Phải nói thật, qua theo dõi tình hình, tôi thấy sự chuẩn bị trong nước chưa tương xứng với tình hình mới mẻ mà VN sắp phải đối mặt.

Thứ nhất, các doanh nghiệp, dư luận xã hội chưa biết được các tình tiết cụ thể trong các hiệp định, nên không biết chuẩn bị như thế nào. Theo tôi, đây là vấn đề nóng bỏng. Tôi đi tiếp xúc doanh nghiệp nhiều, thấy họ cũng có lo âu.

Thứ hai, VN đang đổi mới thể chế, nhưng đổi mới ấy gắn kết như thế nào với quá trình hội nhập ngày càng sâu? Hồi tham gia WTO, ta sửa rất nhiều luật. Lần này ta cũng có sửa luật, nhưng qua theo dõi quá trình thảo luận việc sửa các luật này, tôi thấy rất ít hình bóng của các cam kết quốc tế lớn trong đó.

Thứ ba, ta đang tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, quá trình đó gắn kết như thế nào với quá trình hội nhập cũng chưa rõ. Vì cuối cùng hội nhập cũng là để phục vụ sự phát triển trong nước và ngược lại, sự chuẩn bị trong nước sẽ đảm bảo hội nhập thành công. Tiếc rằng, tôi thấy sự gắn kết hai cái này chưa rõ nét.

Cùng một lúc, ta hội nhập với rất nhiều đối tượng khác nhau, từ châu Mỹ tới châu Âu, châu Á. Trong bàn cờ to lớn như thế, ta chuẩn bị xếp đặt con cờ, bài binh bố trận thế nào, tập trung vào thị trường nào, đối tác nào, cách thức ra sao... cũng chưa thấy được.

Thời gian chuẩn bị không còn nhiều, cũng có thể nói là không còn nữa. Vì năm 2015 chúng ta đã “vào trận” rồi, chỉ còn qua một số thủ tục nữa. Có thể chưa xảy ra thách thức ngay nhưng nó sẽ dần rõ nét.

Giới thiệu cho doanh nghiệp

Dù nền kinh tế VN vẫn còn những khó khăn, nhưng ở mức độ nào đó, chúng ta đã trải qua quá trình tập dượt, đã qua quá trình hội nhập WTO. Từ khi bắt đầu hội nhập, đến nay chúng ta đã có những bước tiến và kinh nghiệm nhất định.

Chúng ta có thể vững tin sự hội nhập sẽ không làm kinh tế VN “tan nát”. Chúng ta có thể lo lắng, nhưng cũng nên bình tĩnh để đánh giá, từ đó tìm ra giải pháp.

Trước đây, khi đàm phán các hiệp định thương mại song phương, như hiệp định với Mỹ, chúng ta cũng từng có những lo lắng tương tự, thậm chí còn hơn, vì đó là lần đầu tiên chúng ta hội nhập với nền kinh tế hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ theo chuẩn WTO.

Nhưng đến bây giờ, thực tế cho thấy chúng ta đã thành công chứ không phải thất bại. Nếu như trước khi ký hiệp định, buôn bán với Mỹ chỉ khoảng 700 triệu USD thì đến nay đã lên tới khoảng 40 tỉ USD, trong đó VN xuất siêu. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị sẽ ảnh hưởng quan trọng đến sự thành công của hội nhập. Tôi rất mong cơ quan nhà nước sau khi đã đàm phán sẽ hình thành bức tranh tổng thể.

Chẳng hạn, với 7-8 hiệp định như thế, với mặt hàng này sẽ thế nào, ở thị trường này ra sao, thị trường kia thế nào. Từ đó, doanh nghiệp sẽ định hướng được nên tập trung vào đâu, chọn đối tượng hợp tác, chọn thị trường nào.

Việc nữa tôi mong đợi là việc giới thiệu các cam kết hội nhập sẽ được các cơ quan nhà nước thực hiện rất tỉ mỉ, chứ không phải chỉ lời nói chung chung, nhất là kèm theo đó cần bản hướng dẫn cách tận dụng, ứng phó từng mặt hàng. Cách làm cũng không nên là các cuộc nói chuyện kiểu nghe tình hình thời sự mà phải chia đối tượng ra, chia theo từng ngành hàng rất cụ thể...

Hiện nay, một số cán bộ nói vấn đề đang đàm phán thì không được công bố. Nhưng tôi cũng từng đi đàm phán, dù chưa ký kết, nhưng những nội dung nào đã thống nhất được với nhau, hoàn toàn có thể giới thiệu cho doanh nghiệp để chuẩn bị. Cái nào chưa thống nhất có thể giữ, còn lại nên công bố.

Phải chủ động hơn

Nói đi cũng phải nói lại, nhiều doanh nghiệp cũng chưa chủ động tiếp cận thông tin. Tôi dự nhiều cuộc giới thiệu chính sách hội nhập, người đi dự rất “hẻo”.

Thậm chí chỉ cử cán bộ không có cương vị, mới ra trường đi nghe, về nói lại. Do không nắm cụ thể tình hình, nên khó nắm được hết tầm quan trọng của vấn đề, khi được hỏi cũng không hỏi...

Rồi vai trò hiệp hội cũng chưa nổi bật. Các hiệp hội cần lao vào tìm hiểu để hướng dẫn doanh nghiệp của mình. Doanh nghiệp không nên ngồi chờ người ta mời mình đi nghe, mà theo tôi phải chủ động tìm, mời để có được thông tin.

Khi đã có thông tin, hoạt động “lót ổ” là cực kỳ quan trọng. Các doanh nghiệp nước ngoài họ đã “lót ổ” rồi, nhiều doanh nghiệp dệt may đầu tư vào VN để được có xuất xứ, sẵn sàng nhận ưu đãi từ TPP.

Còn bản thân doanh nghiệp VN chưa thấy bóng dáng rõ ràng sự chuẩn bị. Cộng đồng kinh tế ASEAN sắp hình thành, mà ở ASEAN, thị trường phần lớn là Hồi giáo (gồm Indonesia, Malaysia, Brunei...) nhưng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của đạo Hồi ở ta gần như không có. Hay tự do chuyển dịch lao động, nhiều người rất hào hứng, nhưng việc học tiếng địa phương lại rất hiếm.

Đừng để người ta sang mình đón đầu, còn mình thì không. Việc chuẩn bị, đúng là doanh nghiệp, người dân phải làm, nhưng cần có sự tổ chức của cơ quan chức năng. Đây là việc lớn, nhưng gần như chưa thấy sự “động đậy” gì.

Vấn đề nhiều người quan tâm, là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của VN sau hội nhập sâu. Gần đây thuế giảm, có nhiều nhà đầu tư mới vào và có nhà đầu tư cũ thấy không còn có lợi, họ rút ra.

Đây là việc tất yếu của kinh tế thị trường, họ theo lợi thế so sánh, chứ không phải ý muốn. Bản thân VN tự định vị mình như thế nào, lại chưa thấy rõ nét lắm. Tóm lại, tôi nhấn mạnh VN cần chuẩn bị và chuẩn bị, chứ đừng hoang mang.

Sức ép “thị trường 600 triệu dân”

Mốc 31-12-2015 được xác định là điểm khởi đầu cho việc hình thành một cộng đồng kinh tế dựa trên kết nối sức mạnh của thị trường 10 nước ASEAN với khoảng 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP hơn 2.310 tỉ USD.

Trước đó, các cam kết để thành lập AEC đã được các nước trong khu vực thực hiện theo lộ trình từ lâu, trong kế hoạch tổng thể xây dựng AEC được phê duyệt năm 2007.

Việc cắt giảm thuế quan ASEAN đã diễn ra từng bước qua từng năm, như trong giai đoạn 2012-2014, VN đã đưa trên 7.000 dòng thuế về 0% và còn lại trên 2.000 dòng thuế đã cắt giảm về thuế suất 5%.

Với Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất giữa các nước ASEAN 6 (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia) đã về 0% từ ngày 1-1-2010. Các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, VN) được kéo dài thời gian xóa bỏ hàng rào thuế nhập khẩu thêm năm năm.

VN đã hạ hơn 80% biểu thuế ASEAN về mức 0% vào năm 2010 và xóa thêm 10% nữa vào năm 2015, duy trì 7% dòng thuế tương đương trên 678 mặt hàng được xem là nhạy cảm sẽ về mức 0-5% đến năm 2017.

Trong năm 2015, VN giảm thêm 10% số dòng thuế còn lại, do đó cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ ASEAN sẽ khốc liệt hơn. Hầu hết mặt hàng của các nước trong khu vực ASEAN nhập khẩu vào VN nếu đáp ứng đủ điều kiện xuất xứ theo quy định của ATIGA sẽ được hưởng thuế suất bằng 0%.

Nhiều mặt hàng VN như dầu ăn, quạt máy, giấy, may mặc... vốn đang chịu thuế nhập khẩu ở mức 5% trong các năm trước đây đều đã được giảm về 0% từ thời điểm 1-1-2015.

Hiện nay, chỉ còn một số nhóm hàng đặc biệt nhạy cảm như sắt thép, ôtô, linh kiện phụ tùng ôtô... sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế xuống 0% vào năm 2018. Hai nhóm mặt hàng xăng dầu và thuốc lá đang được đàm phán để giảm thuế sau năm 2018.

Riêng các nhóm mặt hàng đặc biệt nhạy cảm trong nông nghiệp như muối, đường, thịt gà, thịt heo, trứng, các loại hoa quả nhiệt đới như cam, quýt... VN đã đàm phán để bảo lưu mức thuế 5%.

NHƯ BÌNH

 

C.V.KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên