03/07/2008 08:22 GMT+7

Nguyên nhân vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ: Do lún lệch đài móng trụ tạm T13U

K.HƯNG
K.HƯNG

TT - Ngày 2-7, ông Nguyễn Hồng Quân - bộ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ (ủy ban điều tra) - đã công bố nguyên nhân chính, nguyên nhân khởi nguồn của vụ tai nạn thương tâm này.

gXPMP90J.jpgPhóng to
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: “Các chủ thể tham gia xây dựng đều phải chịu trách nhiệm về sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ”. Ảnh: K.HƯNG

Theo đó, sự cố xảy ra là do lún lệch đài móng trụ tạm thượng lưu T13U theo hướng dọc cầu từ phía bờ ra phía sông, làm tăng nội lực trong các bộ phận của trụ tạm, gây đứt bulông kiên kết của một số thanh giằng xiên, dẫn tới các thanh đứng của trụ tạm này bị mất ổn định và sập đổ các kết cấu bên trên trụ tạm.

Khi tiến hành điều tra, ủy ban điều tra đã phát hiện có sự biến đổi lớn về địa chất ở hai phía đối diện của đài móng trụ tạm thượng lưu T13U. Tính toán lún lệch trong một đài móng cho thấy khi độ lún lệch đạt giá trị 11mm thì một số thanh giằng xiên của trụ tạm đã bắt đầu bị nguy hiểm. Khi độ lún lệch khoảng 12mm, các thanh giằng xiên lần lượt bị đứt khiến cột trụ này bị cong và dồn tải sang các cột trụ khác, gây mất ổn định toàn bộ trụ tạm T13U, sau đó là sự sụp đổ của các kết cấu khác.

Dự án xây dựng cầu Cần Thơ (dài 15,85km) là dự án xây dựng tuyến đường tránh quốc lộ 1A vượt sông Hậu Giang, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư 295 triệu USD. Nguồn vốn thực hiện dự án gồm vốn vay ưu đãi đặc biệt của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng của Chính phủ VN.

Khoảng 7g55 ngày 26-9-2007, khi các công nhân bắt đầu ca làm việc thì sự cố nhịp dẫn cầu xảy ra khiến hơn 54 người tử nạn và 80 người bị thương. Toàn bộ hệ thống đà giáo, ván khuôn chống đỡ phần kết cấu dầm hộp bêtông cốt thép sập đổ và khối lượng bêtông dầm đã thi công khoảng 2.000m3 bị phá hủy hoàn toàn.

Như vậy, kết quả điều tra khẳng định lún lệch trong một đài móng trụ tạm là nguyên nhân chính gây ra sự cố. Các yếu tố như việc thiết kế hệ thống kết cấu đỡ tạm trong điều kiện chưa xét tới lún lệch; khâu gia công, chế tạo, lắp dựng hệ thống kết cấu đỡ tạm; lún lệch giữa móng trụ tạm và trụ chính; lún lệch giữa hai đài móng trụ tạm với nhau không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên nhân gây ra sự cố là hiện tượng rất hiếm hoi, rất khó lường. Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong sự cố này, ông Quân cho biết đương nhiên khi có sự cố thì phải có người chịu trách nhiệm.

Theo Luật xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Các chủ thể tham gia xây dựng cầu Cần Thơ gồm chủ đầu tư (Bộ Giao thông - vận tải), tư vấn thiết kế và giám sát thi công (liên danh Công ty Nippon Koei và Công ty Chodai). Ông Quân cũng nói trách nhiệm sẽ được xem xét tùy thuộc công việc của từng chủ thể. Chẳng hạn như sự cố xảy ra ở hệ thống công trình tạm thì thuộc trách nhiệm của đơn vị thiết kế và thi công là liên danh của ba nhà thầu Nhật Bản Taisei - Kajima - Nippon Steel và tư vấn giám sát Nippon Koei.

Ông Quân khẳng định kết luận của ủy ban điều tra chỉ là xác định nguyên nhân và trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính. Do Bộ Công an đã khởi tố vụ án liên quan đến sự cố nên Bộ Công an sẽ dựa vào kết luận của ủy ban điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự.

K.HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên