22/04/2004 20:16 GMT+7

Nguyễn Ngọc Tư - Điềm đạm mà thấu đáo

Theo Văn Nghệ Trẻ
Theo Văn Nghệ Trẻ

"Nguyễn Ngọc Tư giỏi ở chỗ cái tưởng không có gì mà Tư cũng viết được, lại viết rất có duyên, rất nhân hậu. Đọc cái nào xong cũng phải nhoẻn cười sung sướng, sung sướng mà lại ứa nước mắt, thấy nước mắt của mình cũng trong trẻo và đẹp đẽ, ấy là cái đáng giá mà Tư cho người đọc hôm nay". Nhà văn Dạ Ngân nhận xét về văn Ngọc Tư.

GGooTi91.jpgPhóng to
Nhà văn Dạ Ngân
"Nguyễn Ngọc Tư giỏi ở chỗ cái tưởng không có gì mà Tư cũng viết được, lại viết rất có duyên, rất nhân hậu. Đọc cái nào xong cũng phải nhoẻn cười sung sướng, sung sướng mà lại ứa nước mắt, thấy nước mắt của mình cũng trong trẻo và đẹp đẽ, ấy là cái đáng giá mà Tư cho người đọc hôm nay". Nhà văn Dạ Ngân nhận xét về văn Ngọc Tư.

* Thưa chị, nhiều bạn đọc, bạn viết có nhận xét như thế này: Nguyễn Ngọc Tư viết rất đều, từ những truyện ngắn đầu tay cho đến những truyện ngắn mới in gần đây, trong khi nhiều cây bút trẻ thường có biểu hiện chững lại sau những thành công ban đầu...?

- Nhà văn Dạ Ngân: Tôi đọc văn Ngọc Tư từ những ngày đầu. Tôi thích lắm. Truyện của Tư viết rất là đều, mà viết như không ấy. Có cảm giác rằng Ngọc Tư viết không có phải dụng công gì hết. Mình đọc mà mình ngạc nhiên về sức khám phá của ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư - khám phá một cách điềm đạm mà thấu đáo. Không có chuyện gì là chuyện xa xôi hết cả. Không có sự trồi sụt. Truyện Ngọc Tư viết rất đều.

* "Truyện viết đều"? Phải chăng đã có một chút băn khoăn ẩn trong câu nói này, thưa chị?

- Tôi đọc vài chục truyện của Tư. Cái mình thích thì Ngọc Tư giờ vẫn còn giữ được. Nhưng mà bây giờ mình bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn. Một khi nhà văn đặt ra vấn đề mà xã hội đang quan tâm và anh ta giải quyết được bằng tiểu thuyết thì người đọc thấy thỏa mãn hơn. Còn nếu anh viết truyện ngắn thì có vẻ như anh đã giải quyết mà giải quyết không xong vậy thôi. Nếu anh viết truyện ngắn, thì thường người ta còn đòi hỏi anh mãi!

Đọc vài chục cái truyện của Ngọc Tư thì tôi thấy vừa mừng, và cũng bắt đầu lo. Các truyện ngon lành, xinh xẻo, vừa vặn, đèm đẹp, hồn hậu...Nhưng mà văn chương đòi hỏi nhà văn phải có phẩm chất ...dữ hơn, dữ dội hơn.

Hay nói một cách khác: văn chương phải bắt đúng kinh mạch, bắt đúng cái huyệt đạo của đời sống xã hội đương đại. Có thế mới có khả năng thỏa mãn được bạn đọc. Nếu không thế, thì mình chỉ là đại diện cho văn chương của một vùng đất. Mà tôi thì rất muốn các nhà văn Nam bộ thoát ra khỏi cái cảnh này. Tại sao các tác giả Hà Nội, nói rộng ra là các tác giả miền Bắc, khi xuất hiện, người ta không cho là tác giả của một vùng đất, mà là tác giả của quốc gia ngay? Mà với các tác giả ở khu vực Nam bộ thì hầu như bao giờ cũng phải chịu cái cảnh đó?

* Thưa chị, phải chăng cái cảm giác, nói đúng hơn là cái "ấn tượng Nam bộ" của độc giả - theo như chị nhận xét- về những cây bút trưởng thành từ miền đất Nam bộ được bắt nguồn chính từ câu chuyện ngôn ngữ, phương ngữ vốn rất mạnh, rất dễ nhận thấy ở các cây bút này lúc mới khởi nghiệp?

- Thế tại sao với bác Trang Thế Hy thì người ta lại không cho là tác giả của một cùng đất, của miền Tây, của Nam bộ mà ngay từ đầu ông đã là một cây truyện ngắn rất là quý của quốc gia, mặc dù ngôn ngữ của ông là ngôn ngữ Nam bộ đặc sệt?! Có lẽ câu chuyện ở đây là "vấn đề mà nhà văn quan tâm". Vấn đề mà nhà văn quan tâm là những vấn đề gì? Nó có là vấn đề điển hình hay không? Những con người, số phận những nhân vật có mang tính điển hình chung của cả dân tộc hay không?

Rất nhiều người trẻ trước hoặc trang lứa tuổi Ngọc Tư thì họ quá loay hoay với hình thức, nói trắng ra thì cái tâm không lớn thì làm cái gì cũng trầy trật.

Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Ngọc Thuần đã làm cho văn đàn trẻ của chúng ta đỡ loay quay, trống vắng.

* Thưa chị, có thể nói thế này được chăng: tính hồn hậu, nhân hậu trong những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần quan trọng giúp cho văn của Ngọc Tư đến được và ở lại được với một số lượng độc giả không hề nhỏ? Nhất là trong tình hình mươi mười lăm năm nay, khi văn chương ta (nhất là trong văn xuôi) có vẻ như nhiều tác giả đang quan tâm hơn đến cái phần bạo liệt của đời sống?

- Đúng rồi, hồn hậu, nhân hậu - đó là cái mạnh nhất của Ngọc Tư đấy. Tôi nghĩ rằng đó là cái sẽ còn lại, dù sau này có thể Ngọc Tư sẽ viết về những vấn đề gay gắt hơn. Sự hồn hậu, nhân hậu có thể nói là "quặng" của Ngọc Tư. Ngọc Tư làm được, cái phần đóng góp của mình thì đóng góp đủ. Đóng góp một cách đầy ấn tượng...Còn những người khác, người ta cũng có thế mạnh của người ta chứ?! Bạo liệt cũng quý chứ?! Cũng cần chứ?! Ai cũng hồn hậu cả thì...ngọt ngào quá, chỉ ngọt ngào không thôi thì chắc cũng không chịu nổi. Như là ăn chè vậy, phải cần rượu nữa chứ?!

Văn của Ngọc Tư mang đậm chất Nam bộ: hồn hậu, hào sảng. Văn hóa tiểu vùng khác nhau, thì sản sinh ra những chất văn khác nhau, sản sinh ra những tác giả khác nhau. Ở Bắc Hà không sinh ra văn của Ngọc Tư được, mà ở Nam bộ không thể sinh ra được văn của Y Ban và Tạ Duy Anh được, tôi nghĩ thế.

* Chị vừa gặp Ngọc Tư ở Hà Nội, chị thấy Ngọc Tư như thế nào?

- Trông có vẻ dễ nhìn hơn các bức ảnh mà báo chí in. Và mặt mũi thì u u minh minh, kiểu "hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội không bay đi chút nào", sự chân chất của một bản lĩnh quyết giữ cho được cái độc đáo của mình, đó là bản lĩnh của tài năng.

Theo Văn Nghệ Trẻ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên