18/07/2004 05:47 GMT+7

Nguyễn Ngọc Thuần: "Văn chương giúp tôi hiểu hơn về giá trị bản thân"

NGUYỄN THỊ MINH THÁI thực hiện (Theo TT&VH-ND)
NGUYỄN THỊ MINH THÁI thực hiện (Theo TT&VH-ND)

Là một cây bút không chuyên nhưng Nguyễn Ngọc Thuần rất có duyên với giải thưởng: viết được bốn tác phẩm thì cả bốn đều đoạt giải. Anh trả lời phỏng vấn nhân dịp tác phẩm mới nhất của mình, Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, được trao giải B (không có giải A) Cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên và báo Văn nghệ tổ chức.

Qu7khV4L.jpgPhóng to
Nguyễn Ngọc Thuần
Là một cây bút không chuyên nhưng Nguyễn Ngọc Thuần rất có duyên với giải thưởng: viết được bốn tác phẩm thì cả bốn đều đoạt giải. Anh trả lời phỏng vấn nhân dịp tác phẩm mới nhất của mình, Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, được trao giải B (không có giải A) Cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh Niên và báo Văn nghệ tổ chức.

* Thuần đã vượt ngưỡng "quá tam ba bận" lãnh giải. Cuốn thứ tư có gì mới? Hay cứ có duyên là tự nhiên ẵm giải thưởng?

- Văn chương đã giúp tôi hiểu về giá trị bản thân hơn những gì tôi nghĩ về mình. Tôi là người may mắn, nhưng trên hết, may mắn của tôi là: đêm đêm mải miết gõ vi tính, thay vì nghĩ xem may mắn sẽ đến với mình thế nào. Cuốn sách thứ tư này đặt vấn đề mới: những câu chuyện, suy tư, những mộng tưởng của tôi và của tác phẩm văn chương nói chung, liệu có cần cho cuộc đời không, khi mà không có chúng, cuộc đời vẫn trôi, như "nước chảy qua cầu"...

* Tôi thích giọng kể chuyện cổ tích trong văn xuôi của Thuần. Thuần lấy đâu ra giọng kể, vừa cổ tích lại rất hiện đại. Trẻ em thích đọc, người lớn cũng thích?

Vài nét về Nguyễn Ngọc Thuần

Tên thật: Nguyễn Ngọc ThuầnSinh năm 1973.Quê: Bình Thuận.Tốt nghiệp Đại học Mỹ ThuậtHiện là họa sĩ trình bày của báo Tuổi trẻ.

Tác phẩm:

- Giăng giăng tơ nhện, giải ba Văn học tuổi 20 lần thứ hai (NXB Trẻ và báo Tuổi trẻ .

- Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, giải A, Văn học vì tương lai đất nước lần thứ ba (NXB Trẻ và Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh).

- Một thiên nằm mộng, giải A, Cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi (NXB Kim Đồng).

- Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, giải B (không có giải A), sáng tác văn học dành cho tuổi trẻ (NXB Thanh niên và báo Văn nghệ).

- Tôi nghĩ văn chương xuất phát từ tâm tính. Với trái tim hơi cổ điển, và cuộc sống riêng hơi chậm trong hòa đồng với môi trường, tôi đã đưa vào văn chương cái nhìn cuộc sống lạc quan hơn bản tính vốn có của mình, và "lạ biệt" hơn cuộc sống đang diễn ra quanh tôi...

Nếu trẻ con thích đọc tôi, có lẽ là bởi... tôi giống trẻ con. Giống ở chỗ thích nhìn sự vật lớn hơn hoặc nhỏ hơn bản thân chúng. Khi giá trị cực tiểu và cực đại đứng gần nhau, thường sự bất thường sẽ xảy ra.

* Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ vẫn giữ được giọng kể đặc biệt ấy. Thuần có định kể mãi giọng ấy không? Bởi chính Thuần cũng phải trưởng thành trong cái viết, liệu giọng kể ấy còn thích hợp?

- Không chỉ văn chương, mà ngay trong cuộc sống, cái gọi là phong cách luôn đi theo ta suốt đời. Văn chương là cuộc chơi phong cách rõ nét. Tôi không có ý định nay viết thế này, mai thế kia, vì không muốn thay đổi tâm tính và cách suy tư của mình... Tuy nhiên, mỗi tác phẩm mới lại đòi một lựa chọn thích hợp và tốt nhất cho nó. Văn chương của tôi sẽ tự đổi mới ở chính điểm này.

* Mặt trái lối viết của Thuần liệu có dẫn đến nguy cơ "cưa sừng làm nghé" không? Nhà văn Hồ Anh Thái đã gọi bạn là "Hoàng tử bé"của văn chương tuổi học trò. Bạn vẫn thích cái tên ấy?

- Tôi viết văn có đối tượng hẳn hoi. Với hai cuộc thi trước, tôi không thể viết như ông già, để hy vọng trẻ con hiểu.

Riêng cuốn mới này, tôi đoán chắc, không học sinh nào từ lớp 12 trở xuống lại có thể hiểu được dụng ý của nó.

Cái tên "Hoàng tử Bé". Hồ Anh Thái đặt cho tôi, có lẽ chúng với hai cuốn sách đầu, chứ không phải cho tất cả.

Cuốn sách này có điều mới: câu chuyện được diễn ra khi nó chưa từng xảy ra với ba chị em nhân vật chính. Cô giữa vì bị đẻ non nên trong tâm tưởng và cách ứng xử của người cha, cô chưa bao giờ thành người, cô mãi chỉ là cái bào thai. Da cô mỏng đến độ mỗi khi lau mặt cho con, dù rất gượng nhẹ, cha cô vẫn sợ chiếc khăn bỗng dưng nhuốm máu. Cô út tật nguyền không tự sống được, phải dựa vào chị cả, nên chỉ ước ao được chết trước chị, hoặc trước khi chết, người chị phải cho cô những viên thuốc ngủ. Người chị cả không có gì cho riêng mình, phải sống cuộc đời làm cha các em và không được quyền chết trước họ. Câu chuyện mở đầu bi thảm như vậy. Tôi nghĩ, một bút pháp phi thực chính là sự lựa chọn khôn ngoan nhất cho cuốn sách mới của tôi, nhằm giải cứu nó khỏi sự bi lụy tầm thường và sự lặp lại...

* Có nhà văn viết hoài mà không... giải thưởng. Bạn thì quyển nào cũng trúng. Liệu có bí quyết trong việc viết văn... có giải?

- Tôi có một bí quyết, đó là liều mạng. (Cười). Rõ ràng tôi không sợ... súng?

* Cảm ơn bạn. Chúc xuôi chèo mát mái... Và đi thi nữa. Tại sao không?

NGUYỄN THỊ MINH THÁI thực hiện (Theo TT&VH-ND)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên