04/09/2003 17:03 GMT+7

Nguyễn Ngọc Thuần: "Tôi muốn trở thành một người thợ lành nghề"

Theo báo Thanh Niên
Theo báo Thanh Niên

"Mẹ tôi dạy tôi hai điều: "Đừng bao giờ cay nghiệt vì mình có cuộc sống khốn khó, hoặc đem cái khốn khó đó mà dằn hát người khác" và "Một miếng thịt cũng cần một nhát cắt có đường nét, miếng thịt mới ngon, huống hồ là văn vẻ" - nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần đã mở đầu câu chuyện như vậy khi nói về công việc viết văn của mình.

riIoHxQT.jpgPhóng to
Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần

"Mẹ tôi dạy tôi hai điều: "Đừng bao giờ cay nghiệt vì mình có cuộc sống khốn khó, hoặc đem cái khốn khó đó mà dằn hát người khác" và "Một miếng thịt cũng cần một nhát cắt có đường nét, miếng thịt mới ngon, huống hồ là văn vẻ" - nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thuần đã mở đầu câu chuyện như vậy khi nói về công việc viết văn của mình.

* Anh đã xuất bản được ba tập sách, đều đọat giải trong những cuộc thi lớn. Lý do nào khiến anh gửi bản thảo đến những cuộc thi này?

- Với tôi, viết cũng giống như người đi câu, và cuốn sách giống như con cá bơi đâu đó, câu không kịp nó sẽ bơi mất. Trong văn chương tôi có cái thú câu mồi nhỏ, tôi thích chi tiết. Tôi nhớ Gabriel Garcia Marquez viết cực hay về đĩa hát trong truyện ngắn Biển của thời đã chết, hơn là nhớ cuốn Trăm năm cô đơn khổng lồ.

Tôi nghĩ đời sống cũng vậy, sau những gì to lớn trong đời, người ta bao giờ cũng mang theo những gì nho nhỏ bình thường. Đó có lẽ là lý do tôi viết những đề tài mà người khác bỏ qua, hoặc không thèm viết.

Tôi viết văn được ba năm nay, mỗi năm một cuốn chừng 150 trang, thêm một vài truyện ngắn...Nếu không có cuộc thi Văn học tuổi hai mươi có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết mình có thể viết.

"Ngày xưa ở làng tôi, xóm Phò Trì, người ta luôn đặt một lu nước sạch dưới gốc cây để dành cho người qua đường. Bây giờ thì cũng mất rồi, những con người biết đặt lu nước ấy. Tôi nghĩ ai đã từng uống một lần sẽ không quên được. Và từ đó "người đặt lu nước" được tôi hiểu dưới cái tên là truyền thống."

* Tại sao anh hay chọn các nhân vật thuộc lớp nghèo để triển khai cốt truyện?

-Bản thân tôi sinh ra trong sự nghèo khó và có lẽ "cái tinh thần" ấy không buông tha tôi trong từng suy nghĩ. Nhưng tôi có mô tả cái nghèo nào đâu. Những nhân vật của tôi luôn giàu. Tinh thần thì ai cũng giàu cả, tôi tin vậy. Khi một đứa trẻ ra đời, nó đã là một kẻ giàu có về tinh thần rồi.

* Anh viết có khó không?

- Tôi sống tập thể đã mười mấy năm, chưa bao giờ có lấy một mét vuông riêng tư cho mình. Tôi nhớ ngày đầu tiên tập tò viết văn, bỏ công việc, trốn học, mang một cái máy đánh chữ đen thui về nhà ngồi gõ lóc cóc, chính tả câu cú sai be bét, cả ba cuốn sách đều viết ở chỗ ầm ĩ: nhạc văn lớn, cà phê vỉa hè, người qua lại, thỉnh thoảng đang viết phải ngẩng lên trả lời bạn bè điều gì đó...Cuốn sách của tôi cũng vì thế thường bị chẻ vụn ra, dăm ba ngày một miếng nhỏ, lay lắt, chậm chạp.

* Nhân vật của anh đều hành xử một cách có văn hóa, kiểu văn hóa dân gian của người Việt. Có phải bản thân anh cũng là người thừa kế hưởng một nền giáo dục như thế?

- Tôi là con hàng thịt, mẹ tôi bán thịt heo ngoài chợ, và tuổi thơ tôi đã lấy đó làm niềm kiêu hãnh. Mẹ tôi không thích tôi viết văn nhưng lại đọc tất cả những gì tôi đã viết, kỹ lưỡng từng dòng. Tôi lớn lên trong tình thương tuyệt đối của gia đình nên khi viết cho trẻ con, tôi thấy rằng một đứa trẻ cần phải được đối xử trân trọng, như một tòa lâu đài, một con người biết tự trọng, một con người trưởng thành về nhân cách, một người đàn ông.

* Anh phản ứng thế nào trước những thay đổi lớn đang diễn ra trong cuộc sống, khi kèm với những phương tiện sinh hoạt hiện đại là sự mất mát những giá trị văn hóa truyền thống?

- Tôi không bao giờ bị vướng mắc những điều này. Tôi thấy có những giá trị cơ bản mọi thời đại đều cần, ví dụ: sự thương xót, niềm vui, sự chia sẻ, biết nở một nụ cười để chào người khác...Những điều đó đủ cho tôi viết một đời không hết. Bản thân tôi vừa khóai nghe ca trù, hát xẩm, khoái nghệ sĩ Phùng Há, vừa khoái nghe Pink Floyd, Floyd, thỉnh thoảng nghe nhạc rock mới thích.

* Những nhà văn anh thích và những tác giả có ảnh hưởng đến anh?

- Khi đụng đến chữ nghĩa tôi mới bắt đầu đọc sách. Trước đó tôi mê hội họa. Còn suốt tuổi thơ tôi cứ tưởng mình sẽ trở thành thợ điện chỉ vì mê những cục pin. Tôi rất ít đọc sách, nhưng cuốn nào thích thì sẽ đọc cả chục lần cho đến lúc không còn thích nữa. Trí khôn của nhân loại đã được viết hết, nếu lấy sự trải nghiệm bản thân làm vốn thì sẽ được ít lắm, trăm năm lăn lóc là cùng.

Tôi học theo người xưa, đọc một cuốn sách thì phải chôm lấy một điều gì, không được nhiều thì phải ráng được ít. Tôi không sợ ảnh hưởng, chỉ sợ mình không đủ khả năng để ảnh hưởng từ họ. Tôi thích cuốn Trong khi chờ Godot của Samuel Beckett, thích kỳ lạ không sao hiểu được.

* Ảnh hưởng của ngành học mỹ thuật trên việc viết lách của anh?

- Tôi chỉ mù mờ hiểu rằng, phải làm việc thật nhiều để đạt tới khoảng cách thật gần, nhưng đừng hòng tính chuyện chạm đến. Hội họa cũng như văn chương, cho một điều lại lấy đi một điều.

* Mong ước thật sự của anh?

- Tôi ít khi bàn chuyện dự định, làm việc gì tôi cũng muốn thành một thợ lành nghề trước đã. Kết quả của mọi dự định, mọi ước muốn đều cách xa con người một gang tay. Để thắng cái khoảng cách một gang tay ấy không phải ai cũng làm được.

Sinh năm 1972 tại Hàm Tân, Bình Thuận, Nguyễn Ngọc Thuần vừa tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Tập truyện đầu tay Giăng giăng tơ nhện đoạt giải 3 cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II do báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ tổ chức. Tập Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đoạt giải A cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần III do NXB Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Tập Một thiên nằm mộng cũng vừa đoạt giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng

Theo báo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên