![]() |
Người chụp ảnh hơn 30 năm kiên trì lặn ngụp tìm tòi những góc nhìn độc đáo từ cái thường nhật đó là Nguyễn Hữu Bảo, "cậu út cưng" của ông Tam Kỳ, kỹ nghệ gia danh tiếng hồi đầu thế kỷ 20.
1. Nguyễn Hữu Bảo đang hoàn thành một bộ ảnh đối chiếu những góc Hà Nội xưa và nay. Rồi liên tục đơn đặt hàng của các báo. Có lúc cái thú nghề nghiệp phải nhân nhượng những phiền toái đa sự của việc mưu sinh.
Nguyễn Hữu Bảo bắt đầu cầm máy từ năm 1974, không phải ra chiến trường, anh học nghề cơ khí chế tạo tại Tiệp Khắc cũ rồi trở về nhà máy cơ khí Hồng Hà. Thời đó lương cán sự bậc 2 được năm mươi sáu đồng. Một cuộn phim đen trắng giá sáu đồng rưỡi. Anh đã có lần phải bán áo rét mua phim - đối với "cậu công tử phong lưu" Hà thành, đó cũng là sự thường. Những tấm ảnh đầu tay bám sát sạt kỹ thuật thời thượng bấy giờ: nữ thanh niên nông trường ghé sát chùm quả cười tươi rói.
Những khoảng trống trong đời sống hậu chiến, kể cả sự nghèo nàn đơn điệu của tồn tại vật chất và tinh thần, đã thúc hối lớp người như Nguyễn Hữu Bảo tìm tòi, nới rộng biên độ sống và âm thầm theo đuổi những giá trị riêng. Với anh, thực hơn cả những gì mắt thấy là hiện thực của tâm tưởng, là sự trung thực, nhạy cảm, tinh tế và từng trải của cái nhìn.
2. Phòng làm ảnh của Nguyễn Hữu Bảo ở gác 2 ngõ 48 Hàng Đào ấm áp, sinh động và khang trang như một căn hộ nhỏ. Những đoạn phim dư thừa vẫn sống một đời sống chưa phát lộ. Xấp ảnh cũ bỏ lộn xộn vẫn nhấp nháy trắng đen những tín hiệu còn chưa vỡ vạc hết từ tháng ngày qua.
Nguyễn Hữu Bảo đã từng đặt chân lên đỉnh Mã Pì Lèng của cao nguyên Đồng Văn, trông xuống dòng sông Nho Quế chỉ còn là một vệt sáng mỏng mảnh, rồi xuôi Nam, ngắm nhìn bầu trời Nam Trung bộ xanh chói lói, quanh năm quay cuồng gió. Nó khiến anh gợi nhớ trạng thái tồn tại của con người nơi tâm gió bão thế cuộc.
Việc sáng tạo một ngôn ngữ hình ảnh riêng của Nguyễn Hữu Bảo trước hết là phát lộ tối đa năng lực biểu cảm và biểu đạt của sự việc. Đối với nhiều người, "hiện thực" bị coi là cái đã biết, nhan nhản, được hình dung bằng những kỹ thuật sẵn có, nên dễ dàng sắp đặt, "ảnh viện". Thường nhật của Nguyễn Hữu Bảo là khoảnh khắc duy nhất. Anh gọi là "bắt sống" những tâm trạng và trạng thái có thể "tố giác" hay phơi bày tận gan ruột sự vật.
Với Nguyễn Hữu Bảo, dấn thân bắt đầu từ tư tưởng. Anh từ chối cái đẹp mềm mại, dễ dàng của hoa lá, mắt môi, đường nét gợi cảm. Có khi, anh nhìn ra khoảnh khắc đẹp như phép lạ trong cái xù xì, nham nhở, bất thường của tầng nhà đang xây dở, khi được đan xen tự nhiên với vẻ hoàn chỉnh tương đối của con người.
Có lẽ cũng vì thế mà con người trong ảnh Nguyễn Hữu Bảo hài hòa cùng một hơi thở với thiên nhiên cảnh vật, là điểm gợi liên tưởng chứ không được miêu tả cố ý và thô thiển.
3. Nguyễn Hữu Bảo say mê cái thực tận gan ruột nên rất dễ dị ứng với sự ngộ nhận gian dối, "chưa thành đạo đã xuống núi". Quả thực, nếu chỉ quẩn quanh mãi trong những giá trị thực nhanh chóng bị thay màu do vay mượn thì có cố tìm mãi cũng không tới núi.
Nguyễn Hữu Bảo hòa mình trong niềm vui sống và mỹ cảm hồn hậu của những bức chạm chú dơi dang cánh hết cỡ, nhện cặm cụi giăng tơ, con lợn ăn no ủn ỉn, hay cái đầu trâu ngông nghênh dọa dẫm... Không cần sự đánh đổi viễn vông, cái đẹp là cuộc sống.
Những chuyến đi của Nguyễn Hữu Bảo cũng âm thầm. Có lúc trên toa đen, giữa lóc nhóc lợn tạ, củi đuốc, phân hóa học... Không rõ những quăng quật anh đã dấn tới mức độ nào, nhưng cảm giác sẻ chia và thân thương là những gì anh được. Lại còn bị trêu, nhiều lưu luyến thế mà trót là phụ nữ, thì quanh năm bị lừa tình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận