26/03/2014 05:00 GMT+7

Nguyễn Dương Kim Hảo - "cậu bé vàng" sáng tạo

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TT - Trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2013 vừa được vinh danh dịp 26-3 năm nay, Nguyễn Dương Kim Hảo là gương mặt nhí nhất vì hiện cậu bé mới học lớp 7.

Công bố 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013Đứng trên đôi chân mạnh mẽGiao lưu với Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013

X3KFk6Qt.jpgPhóng to
Những khi mày mò sáng tạo cũng chính là thời gian thư giãn, giải trí của Kim Hảo - Ảnh: Q.L.

Thật ra cái tên Nguyễn Dương Kim Hảo vài năm trở lại đây đã không còn quá xa lạ với các cuộc thi sáng tạo, tin học dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng cả nước. Bộ sưu tập giải thưởng của Hảo khiến không ít người thán phục và đôi khi không hiểu nổi vì sao cậu bé này có thể làm được như vậy.

Đam mê khác bạn bè cùng lứa

Bảng vàng thành tích

Nguyễn Dương Kim Hảo sở hữu bộ sưu tập giải thưởng đáng mơ ước của nhiều người. Ngoài huy chương vàng sáng tạo trẻ của Malaysia, Indonesia, giải thưởng đặc biệt Viện Sáng tạo hàn lâm Hàn Quốc, Hảo còn có vô số giải thưởng về sáng tạo, tin học từ cấp tỉnh thành đến toàn quốc liên tục từ năm 2011 đến nay. Kim Hảo cũng là một trong bảy “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” và là một trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2013.

* Nghe nói từ hồi bé xíu Hảo đã biết “quậy” chiếc máy tính rồi?

- Nếu gọi là biết đến máy tính thì từ hồi mẫu giáo em đã làm quen rồi nhưng lúc đó chỉ là tắt, mở, nghịch những cái có sẵn mỗi lúc ba làm việc trên máy thôi. Chỉ đến khi học lớp 3, mỗi lần thấy ba ngồi cặm cụi nhập điểm cho học sinh (ba Hảo dạy toán, lý ở một trường THCS tại Tiền Giang - PV), em mới bắt đầu nghĩ đến dùng máy tính làm cái gì đó giúp ba đỡ vất vả hơn.

* Vậy chính xác từ lúc nào bạn mới thật sự gắn bó với tin học?

- Đó là năm lớp 4, em dự thi một phần mềm đã viết trước đó và đoạt giải cao nhất hội thi tin học trẻ tỉnh Tiền Giang. Thật ra cả nhà không ai nghĩ em có thể đi thi vì còn nhỏ quá, nhưng chỉ vì em rất muốn được dự thi nên ba mẹ đành chiều lòng con. Kết quả ấy cũng tạo ra chút bất ngờ cho cả nhà. Trước đó em đã hoàn thành một phần mềm giúp ba đỡ vất vả hơn khi làm điểm cho học trò cuối kỳ nhưng chỉ là mới thôi, chạy cũng còn đơn giản lắm.

* Lẽ thường trẻ em sẽ dành thời gian chơi là chính sau giờ học, không ai lại tối ngày ôm máy tính như thế...

- Thì em vẫn chơi bắn bi, trốn tìm với đám bạn trong xóm đó chứ. Nhưng chắc là đam mê của em hơi khác các bạn cùng lứa tuổi chút xíu. Nếu các bạn chơi game, các trò chơi khác thì em lại chọn tin học, điện tử như một trò giải trí của mình. Cứ mỗi lần ba lôi mấy đồ điện tử trong nhà ra sửa thì em như bị cuốn vào đó, ngồi nhìn ba làm rồi hỏi tại sao thế này tại sao thế kia. Mà ba cũng kiên nhẫn ngồi giải thích cho em từng chút một.

Em bắt đầu đọc những cuốn sách nói về điện tử, mạch điện của ba và thấy mê dù lúc ấy chẳng hiểu gì. Em còn lấy bút vẽ lên tường sơ đồ mạch điện mà chỉ có ba nhìn vô mới hiểu. Rồi em bắt đầu tập làm thử. Khi làm theo hướng dẫn, ra đời được mạch điện thì em đã hiểu những điều trước đó đọc trong sách mà mình chẳng hình dung ra.

Học tập vẫn là yêu cầu quan trọng nhất

* Lý do nào Hảo đã làm ra bảng điều khiển thông minh, sản phẩm đã mang về cho bạn nhiều giải thưởng, trong đó có những huy chương vàng của nước ngoài?

- Ban đầu em nghĩ làm bảng điều khiển thông minh dành tặng mẹ vì nhiều lúc vội quá ra khỏi nhà mẹ thường quên tắt các thiết bị điện. Mất cả năm em mới hoàn thành vì sau khi làm mạch điện tử xong, lập trình trên máy tính cũng xong nhưng khi kết nối thì giao tiếp giữa máy tính và mạch điều khiển lại không chạy, hoặc có chạy thì lúc được lúc không. Em lên mạng tìm hiểu thêm và nhận ra do kiến thức về điện tử và công nghệ thông tin của mình còn hạn chế nên đã sử dụng những thông số chưa thật tương thích giữa mạch với chương trình chạy trên máy tính. Dĩ nhiên sau đó em đã khắc phục được điều này, trong gần hai tuần.

* Bạn hãy giúp mọi người hình dung ngắn gọn nhất về sản phẩm này?

- Bảng điều khiển được kết nối với các thiết bị điện trong nhà và có một phần mềm điều khiển trên mạng. Chỉ cần có kết nối Internet là mọi người có thể vào kiểm tra được các thiết bị điện trong nhà đã được tắt hết chưa. Cũng có thể dùng điện thoại di động truy cập mạng để làm việc này vì bây giờ 3G phổ biến rồi. Như vậy, dù không ở nhà vẫn có thể tắt hết các thiết bị điện nếu lỡ quên tắt trước khi rời khỏi nhà.

* Bạn còn mới trình làng chiếc máy tính hóa học nghe nói cũng “nội công thâm hậu” lắm đúng không?

- Đây là sản phẩm em ưng ý nhất cho đến lúc này, cũng vì muốn giúp người chị họ tra cứu, học tốt hơn môn hóa học. Nếu sản xuất đại trà sẽ nhỏ gọn như chiếc máy tính bỏ túi thôi. Chiếc máy tính sẽ giúp tìm, cân bằng một phương trình hóa học nào đó người dùng chỉ cần nhập thông tin liên quan về chất ấy, với các thao tác đơn giản. Ngoài việc tự động cân bằng các phương trình hóa học, em còn bổ sung một số yếu tố liên quan của phản ứng hóa học đó trong thực tế nữa.

Với dung lượng máy em đang dùng thì có thể chứa được dữ liệu của khoảng 4.000 phương trình hóa học khác nhau, nhưng hiện tại em mới chỉ nhập được trên 1.000 phương trình. Do em chưa học môn hóa (lớp 8 mới bắt đầu học, Hảo đang học lớp 7 - PV) nên em nhờ chị giảng thêm và nhập dữ liệu về hóa học trong các sách, có đối chiếu với sách giáo khoa chính thức, các sách tham khảo về môn hóa.

* Sẽ là một Nguyễn Dương Kim Hảo thế nào trong tương lai nhỉ?

- Thật ra với em bây giờ hoàn thành nhiệm vụ học tập vẫn là yêu cầu quan trọng nhất. Còn việc sáng tạo, tin học hay điện tử sẽ vẫn là những đam mê không thể thiếu được nhưng sẽ chỉ đụng đến khi nào thấy thoải mái nhất, như một cách để giải trí, thư giãn cho bớt căng thẳng. Còn tương lai thì cho đến lúc này em vẫn nghĩ mình sẽ trở thành một người viết phần mềm, làm sao để viết được càng nhiều phần mềm phục vụ cuộc sống của chính mình và nhiều người sẽ càng tốt.

Rời quê vì tương lai của con

Trong suốt cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng bà Dương Trần Thanh Thảo (mẹ Hảo) lại nhắc đến công “mấy anh bên Thành đoàn TP.HCM vì đã khuyến khích Hảo lên TP học”. Đó là năm 2012 khi Hảo đại diện Tiền Giang lên TP.HCM dự hội thi tin học trẻ toàn quốc. “Trước đó, dì ruột (cũng là mẹ nuôi của Hảo) khuyên cho Hảo lên Sài Gòn học nhưng gia đình neo đơn quá nên cứ lần lữa mãi. Cho đến khi mấy anh bên Thành đoàn động viên, gia đình quyết định đưa Hảo lên và đó là quyết định rất chính xác” - mẹ Hảo nói.

Kim Hảo hiện sống tại căn hộ chung cư của người dì ruột ở Q.Tân Bình. Mẹ Hảo phụ người chị buôn bán quần áo ở chợ Tân Bình và lo cho cậu con trai. Cuối tuần hay sắp xếp được thời gian, ba Hảo lại chạy từ Chợ Gạo (Tiền Giang) lên thăm hai mẹ con. Nhờ suất học bổng và hai lần hỗ trợ kinh phí (40 triệu đồng) từ Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ của Thành đoàn TP.HCM mà Hảo sắp hoàn thành khóa đào tạo hai năm của FPT-Aptech. Khóa học mà ngày mẹ dẫn Hảo đến đăng ký, nhiều người trong trường còn tưởng sinh viên nào đó dẫn em vào trường chơi vì ở đó chưa từng có ai mới học lớp 6 mà làm... sinh viên như Nguyễn Dương Kim Hảo.

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên