23/07/2017 06:00 GMT+7

Nguy cơ trắng tay vì thủy điện xả lũ

LÂM HOÀI - CHÍ TUỆ
LÂM HOÀI - CHÍ TUỆ

TTO - Hàng trăm nghìn tấn cá lồng của các hộ dân thuộc hai tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ đã chết do thủy điện Hòa Bình xả lũ, khiến nhiều hộ dân có nguy cơ trắng tay.

Cá chết được vớt từng bao tải, sau đó chở lên bờ bán cho thương lái với giá rẻ mạt - ẢNH: Lâm Hoài
Cá chết ở Kỳ Sơn, Hòa Bình được vớt từng bao tải, sau đó chở lên bờ bán cho thương lái với giá rẻ mạt - Ảnh: Lâm Hoài

Ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, cho thấy trong ngày 22-7 hiện tượng cá chết vẫn tiếp tục diễn ra, nhiều hộ phải bán chạy cả chục tấn cá trắm, lăng, diêu hồng… để gỡ tiền giống.

Anh Dương Tiến Dũng, khu 5, xã Xuân Lộc, cho biết gia đình anh nuôi 15 lồng cá thì đợt này gần như mất trắng cả 15 lồng.

“Chúng tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày hôm nay vì cá, chưa bao giờ cá chết đột ngột mà nhiều như vậy. Từ đêm 19-7, cá bắt đầu có hiện tượng nổi đầu sau đó chết, đầu tiên chết cá giống nhỏ, sau đó cá to dần dần, đến hôm nay vẫn tiếp tục chết” - anh Dũng nói.

Mặc dù đã làm đủ các biện pháp như sục khí, chắn lưới… nhưng cá vẫn chết, anh Dũng đành phải bán vội để gỡ gạc được phần nào.

Cá lăng trước đây bán cho thương lái 80.000-100.000 đồng/kg, hiện tại 30.000 đồng còn không ai mua, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.

Cá trong các lồng của anh Dương Tiến Dũng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, vẫn chết trong chiều ngày 22-7 - ẢNH: Chí Tuệ
Cá trong các lồng của anh Dương Tiến Dũng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, vẫn chết trong chiều 22-7 - Ảnh: Chí Tuệ

 

Tại khu 3, xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, có 7 hộ nuôi cá lồng trên sông Đà, thì cả 7 hộ đều bị ảnh hưởng.

Nhà anh Hoàng Văn Cường nuôi khoảng 30 lồng cá bao gồm cá lăng, ngạnh, diêu hồng, cá trắm, rô phi…, nhiều lồng đang chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch thì bỗng dưng chết hàng loạt.

Đến thời điểm sáng 22-7, nhà anh Cường đã có 9 lồng cá bị chết, hiện tượng cá chết tại các lồng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng.

Anh Cường cho hay giá trị nhất là cá lăng, tầm 2-4kg, bình thường giá 80.000-100.000 đồng/kg, nhưng mấy hôm nay nhà nào nuôi cá cũng mang bán, lúc đầu 20.000-30.000 đồng/kg còn có người mua, xong cũng chẳng ai mua.

Anh Cường cho biết ước tính gia đình anh mất khoảng 400-500 triệu đồng.

Nhà anh Hoàng Văn Cường, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, nuôi khoảng 30 lồng cá, hiện tại đã có 9 lồng cá bị chết, ảnh hưởng - ẢNH: CHÍ TUỆ
Nhà anh Hoàng Văn Cường, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, nuôi khoảng 30 lồng cá, hiện tại đã có 9 lồng cá bị chết, ảnh hưởng - Ảnh: Chí Tuệ

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Sơn, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết sở đã đi kiểm tra thực tế tại các xã nuôi cá lồng bị chết và đã lấy mẫu nước để gửi đi xét nghiệm tìm ra nguyên nhân.

“Chúng tôi cũng chỉ đạo Chi cục Thủy sản thống kê tổng hợp các hộ bị thiệt hại để đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ” - ông Sơn nói.

Tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu được xác định là do Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy lũ khiến lượng bùn tăng lên làm cá bị ngạt khí.

Trên toàn tuyến sông Đà có 444 lồng cá của các hộ dân thuộc hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy. Đến ngày 22-7 đã có khoảng 200 lồng cá bị chết, thiệt hại khoảng 350 tấn.

Trong khi đó, tại Hòa Bình, gần 70 tấn cá đang vào vụ thu hoạch đã chết trắng tại các lồng bè nuôi khiến người dân xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn khóc ròng.

Cá chết số lượng nhiều dồn dập trong ba ngày khiến người dân xử lý không kịp.

Số lượng cá chết rất lớn ở các lồng bè của hộ dân ở Kỳ Sơn, Hòa Bình - ẢNH: Lâm Hoài
Số lượng cá chết rất lớn ở các lồng bè của hộ dân ở Kỳ Sơn, Hòa Bình - Ảnh: Lâm Hoài

 

Theo các hộ dân, số cá này một ít được bán cho thương lái với giá chỉ bằng 1/10 so với giá trị thực, còn lại hầu hết cá chết bị thối bán cho các hộ thu gom về bón cây với giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg.

Nguyên nhân, theo người dân được xác định là do thủy điện Hòa Bình xả lũ mấy ngày qua khiến cá bị sặc nước do lưu lượng dòng chảy lớn và bị ngạt khí do độc tố từ bùn đáy tác động dẫn tới chết hàng loạt.

Các chủ bè cho hay do việc xả lũ chỉ được thông báo trước hai ngày khiến họ xoay xở không kịp để di dời bè cá.

Hiện tại chỉ mới có đại diện cơ quan chức năng xã, huyện tới ghi nhận, thăm hỏi người dân bị thiệt hại. Chưa có mức hỗ trợ nào được đưa ra cho người dân nuôi cá.

LÂM HOÀI - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên