07/07/2012 07:30 GMT+7

Nguy cơ giải tán đảng cầm quyền Thái

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Đảng cầm quyền của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang đối mặt nguy cơ bị giải tán chỉ vỏn vẹn một năm sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội.

IWronBv3.jpgPhóng to
Thủ tướng Yingluck Shinawatra tại một buổi lễ tiêu hủy ma túy trái phép ở tỉnh Ayutthaya hồi tháng 6-2012 - Ảnh: AFP

Theo báo Bangkok Post, Tòa án hiến pháp ngày 6-7 tiếp tục lắng nghe các lập luận trước khi quyết định xem các quá trình yêu cầu sửa hiến pháp mà Đảng Puea Thai (Vì người Thái) của thủ tướng đề xuất có phạm luật hay không. Đảng Puea Thai đang tìm cách sửa hiến pháp cũ do quân đội hậu thuẫn sau cuộc đảo chính lật đổ anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, năm 2006.

Tòa án cũng lắng nghe Đảng Dân chủ đối lập buộc tội chính phủ có ý đồ chấm dứt vai trò của quốc vương Thái Lan và xóa bỏ nền quân chủ lập hiến. Các quan chức chính quyền Thủ tướng Yingluck đã bác bỏ cáo buộc này.

Nguy cơ bất ổn

Báo Bangkok Post cho biết Tòa án hiến pháp đã nghe ý kiến của 15 nhân chứng (cả ủng hộ lẫn phản đối dự luật). Nếu phán quyết dự luật sửa đổi hiến pháp được chính phủ bảo trợ là vi hiến và là âm mưu lật đổ quyền lực lãnh đạo của nhà vua, tòa sẽ có quyền ra lệnh giải tán Đảng Puea Thai.

Giới quan sát nhận định việc chính phủ đòi sửa đổi hiến pháp làm nhiều nhóm chống đối tức giận, nhưng lệnh giải tán đảng cũng có thể khiến hàng chục ngàn người Thái kéo nhau xuống đường biểu tình. Khi đó, đất nước Thái Lan sẽ tiếp tục ngập chìm trong bất ổn. Hiện chưa rõ khi nào tòa sẽ công bố phán quyết.

Kể từ năm 2006 đến nay, Tòa án hiến pháp đã hai lần giải tán chính phủ thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Giáo sư khoa học chính trị Somchai Phagaphasvivat tại ĐH Thammasat nhận định ở thời điểm này chưa có giải pháp nào để giải quyết chia rẽ và bế tắc chính trị. Căng thẳng nhất hiện nằm ở số phận của cựu thủ tướng Thaksin, người được lòng đa số dân nghèo ở nông thôn nhưng lại bị tầng lớp trung lưu thành thị căm ghét.

Ông Thaksin hiện ở Dubai để trốn án tù vì bị cáo buộc tham nhũng vào năm 2008. Phe đối lập cáo buộc ông Thaksin mới chính là thủ tướng thực tế của Thái Lan, còn em gái ông chỉ làm những gì ông sai khiến. Chính phủ của bà Yingluck bị cáo buộc đang tìm cách đưa ông Thaksin trở về Thái Lan bằng cách thông qua luật ân xá để miễn tội cho những người có liên quan tới bất ổn chính trị tại Thái Lan từ năm 2005, trong đó có ông Thaksin. Các nhân vật cao cấp, tướng lĩnh quân đội và tầng lớp trung lưu ở Thái Lan đang phản đối “kịch bản” này của chính phủ.

Bà Yingluck sẽ không từ chức

Theo báo The Nation, Phó thủ tướng Chalerm Yubamrung nhận định ít có khả năng tòa án sẽ giải tán Đảng Puea Thai cầm quyền để làm chậm trễ tiến trình sửa đổi hiến pháp. Đảng cầm quyền có thể bị giải tán, nhưng đương kim Thủ tướng Yingluck không nhất thiết phải từ chức.

Cựu bộ trưởng tài chính và thành viên Đảng Dân chủ đối lập Korn Chatikavanij cáo buộc bà Yingluck chỉ là con rối của ông Thaksin. “Bà Yingluck không trả lời những câu hỏi mà báo chí đưa ra, không biết nhiều về các vấn đề mà đáng lý một thủ tướng phải rất thấu hiểu - Reuters dẫn lời ông Korn chỉ trích. Nhiệm vụ của bà Yingluck chỉ là “trông xinh đẹp và mỉm cười, càng ăn ảnh càng tốt. Mà việc đó bà ấy làm rất đạt” - ông Korn mỉa mai.

Tòa án hiến pháp trong tháng 6-2012 đã ra lệnh cho quốc hội ngưng xem xét việc sửa đổi hiến pháp trước khi có kết luận tiến trình này là hợp pháp.

Tại Thái Lan, Tòa án hiến pháp có vai trò quan trọng trong các quyết định chính trị kể từ năm 2006, sau khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej yêu cầu thẩm phán giải quyết cuộc khủng hoảng hiến pháp. Điển hình là việc tòa án đã bác kết quả thắng cử của ông Thaksin, tuyên bố 200 chính trị gia liên quan tới ông Thaksin là không đủ tư cách, bắt giữ ông Thaksin và tịch thu 46 tỉ baht tài sản.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên