29/05/2024 08:00 GMT+7

Nguy cơ di chứng nếu không tiêm vắc xin đầu đời

Theo các chuyên gia, bệnh truyền nhiễm có thể để lại nhiều di chứng nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng sống và tương lai của trẻ.

Các bệnh truyền nhiễm có thể để lại các di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ - Ảnh minh họa: Shutterstock

Các bệnh truyền nhiễm có thể để lại các di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ - Ảnh minh họa: Shutterstock

Vì thế, cần bảo vệ trẻ nhỏ bằng vắc xin ngay từ những tháng đầu đời.

Theo đó, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện đi kèm với việc kháng thể từ mẹ giảm dần sau khi sinh ra khiến trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm. Không chỉ tốn kém chi phí điều trị, các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm còn để lại những di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. 

Trong khi đó, ngay từ 2 tháng tuổi, trẻ đã có thể phòng ngừa các bệnh nguy hiểm hàng đầu như bại liệt, uốn ván, viêm gan B, ho gà, bệnh do vi khuẩn Hib chỉ bằng vắc xin.

Dưới đây là các di chứng do 6 bệnh nguy hiểm kể trên gây ra và cách phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin được các chuyên gia y tế khuyến cáo.

Tàn tật do bại liệt

Vi rút bại liệt lây qua đường tiêu hóa, xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não khiến người bệnh bị liệt chi không hồi phục hoặc liệt nửa người. Trường hợp nặng, bại liệt có thể gây liệt tủy sống, liệt hành tủy gây suy hô hấp và tử vong.

Tại Việt Nam, trước khi có vắc xin, những năm 1957 - 1959, bại liệt từng gây dịch lớn ở các tỉnh phía Bắc với khoảng 17.000 bệnh nhi, trong đó hơn 500 ca tử vong mỗi năm.

Uốn ván gây cản trở sự phát triển của trẻ

Nha bào uốn ván lây nhiễm vào cơ thể thông qua các vết thương, trầy xước. Người bệnh tử vong do suy hô hấp, ngừng tim đột ngột, nhiễm trùng toàn thân, xuất huyết. Ở trẻ nhỏ, uốn ván gây tử vong với tỉ lệ 25-90%.

Ở trẻ sơ sinh, tỉ lệ này có thể lên đến 95%. Bệnh còn gây ra các biến chứng cản trở sự phát triển vận động của trẻ như suy hô hấp do cơn co thắt kéo dài, suy dinh dưỡng, cứng khớp, gãy xương.

Viêm màng não do Hib có thể để lại di chứng mù cho trẻ - Ảnh minh họa: Shutterstock

Viêm màng não do Hib có thể để lại di chứng mù cho trẻ - Ảnh minh họa: Shutterstock

Liệt, suy giảm trí tuệ do mắc ho gà, Hib

Ho gà lây qua đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. 90% ca mắc và tử vong do ho gà là trẻ dưới 1 tuổi. Ho gà có thể gây biến chứng thần kinh viêm não, chảy máu nội sọ, bệnh não cấp. Tuy ít gặp nhưng biến chứng viêm não do ho gà có tỉ lệ tử vong cao, di chứng nặng cho trẻ như suy giảm khả năng học tập, mất trí nhớ, mất khả năng kiểm soát vận động cơ, động kinh, thay đổi nhân cách, bại não…

Dù qua khỏi, các cơn ho vẫn có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng khiến trẻ ăn uống kém, suy dinh dưỡng dẫn đến trẻ thấp còi, kém hoạt bát như bạn đồng trang lứa.

Vi khuẩn Hib lây qua đường hô hấp, tiếp xúc gần. Bệnh viêm màng não do Hib dễ gây tử vong cho trẻ nếu không được điều trị sớm. Ngay cả khi được xử trí kịp thời, vẫn có 3 - 20% số trẻ tử vong. Nếu qua khỏi, trẻ vẫn có thể gặp nhiều di chứng nặng nề như liệt, điếc, câm, mù lòa, suy giảm trí nhớ, thiểu năng trí tuệ,... với tỉ lệ lên đến 30%.

Viêm cơ tim, liệt cơ hoành do bạch hầu

Bạch hầu lây qua đường hô hấp và qua các vật trung gian chứa chất tiết của người bệnh. Bệnh có thể gây tắc đường thở tử vong và các biến chứng khác như viêm cơ tim, liệt màng khẩu cái (màng hầu), liệt dây thần kinh vận nhãn, liệt cơ chi và cơ hoành. Trong đó, liệt cơ hoành có thể dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp. 

Viêm cơ tim gây rối loạn chức năng cơ tim và nhịp tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỉ lệ tử vong thường rất cao.

Nghiên cứu công bố năm 2020 của các nhà khoa học Ấn Độ dựa trên báo cáo ca bệnh từ nhiều nước cho thấy 19-68% trường hợp mắc bệnh bạch hầu phát triển viêm cơ tim khoảng một tuần sau bệnh. 

Tại Việt Nam, trước khi có vắc xin, dịch bạch hầu xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. 

Nhờ có vắc xin, số ca mắc đã giảm đáng kể, tuy nhiên mầm bệnh vẫn còn trong cộng đồng và thỉnh thoảng gây ra các ca tử vong. Trong năm 2023, cả nước ghi nhận hàng chục ca mắc và 3 ca tử vong. Từ đầu năm đến ngày 10-4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thống kê đã có 3 ca mắc bạch hầu.

Ung thư do viêm gan B

Việt Nam là 1 trong 9 nước tại Tây Thái Bình Dương được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách những nước có tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao đáng báo động, với hơn 8% dân số mắc bệnh. 

Trẻ tiêm vắc xin đầu đời phòng bệnh - Ảnh minh họa: Shutterstock

Trẻ tiêm vắc xin đầu đời phòng bệnh - Ảnh minh họa: Shutterstock

Vi rút viêm gan B là tác nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Có khoảng 80-90% trẻ sinh ra bị nhiễm vi rút trong thời gian 1 năm đầu đời và 30-50% trẻ bị nhiễm vi rút trước 6 tuổi sẽ mắc viêm gan mạn tính. 100% ung thư gan ở trẻ là do viêm gan B.

Để phòng các di chứng kể trên, các chuyên gia lưu ý phụ huynh giữ vệ sinh sạch sẽ cơ thể, không gian sống, đồ chơi và tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch cho trẻ. Hiện Việt Nam đã có vắc xin phòng ngừa các bệnh kể trên như vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1. 

Trong đó, vắc xin 6 trong 1 là loại vắc xin phòng được nhiều bệnh nhất gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib trong một mũi tiêm, giúp giảm số lần tiêm chủng, tiết kiệm thời gian cho ba mẹ. Vắc xin có thành phần ho gà vô bào, hạn chế phản ứng sốt, đau sau tiêm cho trẻ.

Vắc xin có lịch tiêm gồm 4 mũi: 3 mũi đầu vào tháng tuổi thứ 2-3-4 và tiêm nhắc mũi 4 khi trẻ 16-18 tháng tuổi. Trẻ cần hoàn thành 4 mũi tiêm trước 2 tuổi.

Hiện vắc xin 6 trong 1 có 2 loại: Loại của Pháp ở dạng pha sẵn, loại của Bỉ sẽ qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm. Hai loại vắc xin đều có lịch tiêm, hiệu quả và độ an toàn như nhau.

Ngoài ra, có nhiều loại vắc xin phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trẻ cần chủng ngừa trong năm đầu đời. Phụ huynh cần rà soát, tư vấn để tiêm đầy đủ và đúng lịch để trẻ được bảo vệ tối ưu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên