Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Văn Hồ (29 tuổi) có vay của anh Nguyễn Công Khanh 16,4 triệu đồng. Do không có tiền trả nên Hồ bỏ trốn lên Sài Gòn.
Ba tháng sau Hồ về nhà, xem điện thoại thấy có tin nhắn trao đổi giữa vợ và anh Khanh khiến Hồ ghen tức, gây gổ với vợ rồi vung dao chém chết vợ. Hồ bị TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử về tội "giết người".
Máu mê cờ bạc
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hồ bào chữa rằng mọi chuyện xảy ra là do ghen tức. Cộng thêm việc khi nảy sinh xung đột thì bị vợ thách thức, khiến cơn cuồng nộ dâng lên, không kiềm chế được.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, mẹ vợ bị cáo, cho biết Hồ vay tiền anh Khanh để đánh bạc rồi bỏ trốn lên Sài Gòn. Anh Khanh cứ đến nhà đòi nên vợ mới nhắn tin kêu anh Khanh đừng đòi nữa. Chỉ có thế thôi, giữa con gái bà và anh Khanh không có tin nhắn gì khác.
Chủ tọa công bố bút lục nêu rõ cơ quan điều tra kiểm tra thẻ nhớ không có bằng chứng nào chứng tỏ vợ bị cáo ngoại tình.
Kiểm sát viên thẩm vấn: "Tại sao bị cáo nợ anh Khanh tiền?". Hồ: "Bị cáo thua độ đá gà nên có vay anh Khanh 16 triệu đồng". Kiểm sát viên hỏi: "Bị cáo làm nghề gì? Mỗi tháng bị cáo đưa cho vợ bao nhiêu tiền? Trước đây bị cáo có bị phạt về hành vi cờ bạc không?".
Hồ: "Bị cáo làm thuê, mỗi tháng đưa cho vợ khoảng 1 triệu đồng. Trước đây bị cáo từng bị phạt do đánh bầu cua ăn tiền".
Kiểm sát viên nghiêm giọng: "Đúng ra từng bị phạt về hành vi cờ bạc, bị cáo phải ăn năn hối cải, đằng này lại tiếp tục mải mê chuyện đỏ đen, đến nỗi đi vay tiền, phải bỏ trốn, bỏ con cho vợ nuôi. Bị cáo thấy mình có làm tròn trách nhiệm là người đàn ông trụ cột của gia đình chưa? Đã vậy còn ghen tuông mù quáng, giết vợ dã man như giết con gà, con vịt".
Riêng chủ tọa thì thở dài nói: "Tôi xử rất nhiều năm, thấy nhiều người dính vô con đường cờ bạc chẳng những khiến gia đình lục đục, kinh tế khánh kiệt mà còn là nguồn cơn dẫn đến những hành vi phạm tội khác. Qua phiên xử này, tôi mong mọi người đừng vướng vào con đường cờ bạc...".
"Con ơi, cha có lỗi với con"
Trình bày với tòa, bà Nhung nói: "Dù con rể giết con gái ruột của tôi nhưng tôi vẫn xin tòa giảm án. Cháu ngoại mất mẹ rồi, tôi không muốn cháu mất thêm cha".
Tuy nhiên kiểm sát viên vẫn đề nghị mức án tử hình bởi hành vi của bị cáo quá dã man. Nghe vậy mặt Hồ xanh mét, khi được nói lời tự bào chữa, bị cáo run giọng: "Xin tòa giảm án để bị cáo sớm về lo nuôi con, bù đắp những thiệt thòi mà bị cáo gây ra cho con...".
Chủ tọa phân tích: "Mức án bị cáo là mức án tử hình, nếu giảm xuống còn chung thân hoặc 20 năm tù, khi đó con bị cáo cũng trên 20 tuổi rồi, đâu cần anh dạy dỗ nữa. Vả lại người nuôi dưỡng là người phải biết chăm sóc, giáo dục đứa trẻ, không thể giao cho người mang tính chất tội phạm nuôi".
Tòa nghị án, người thân bồng con của Hồ xin phép cảnh vệ đến gặp cha. Có lẽ do đông người, lại thấy cảnh vệ bao quanh cha, cộng thêm đôi tay cha bị còng nên đứa bé 2 tuổi sợ rúm lại, úp mặt vào lòng người thân, không chịu quay mặt nhìn cha.
Hồ phải giấu đôi tay bị còng vào hai chân, rồi cố ém giọng run run nói với con: "Lại đây hôn cha một cái đi".
Người thân bồng bé đến bên bị cáo, đứa trẻ ôm chặt lấy cha mà hôn. Bị cáo cũng cố dùng má áp sát vào mặt con như ghì chặt thương nhớ. Những dòng nước mắt lăn dài của người cha chảy chan vào mặt con.
Bị cáo nghẹn ngào nói với con mà giống như nói cho mình: "Con ráng ngoan nhe, sau này đừng giống cha cờ bạc, ráng sống tốt nhe con...". Những lời nói hối hận của bị cáo khiến ai cũng rơi nước mắt...
Tòa tuyên tử hình, tiếng khóc vỡ ra khắp phòng xử. Khi bị dẫn giải, bị cáo cố rướn người qua hàng rào cảnh vệ nhìn con. Bà ngoại liền bồng đứa bé lên để bị cáo thấy. Bị cáo chỉ kịp nói: "Con ơi! Cha có lỗi với con...".
Chiếc xe tù lăn bánh chạy ra cổng mang người cha dần xa đứa con...
Bỗng dưng mồ côi
Trong ngôi nhà nằm ở ngoại ô TP Cần Thơ, bà Nhung đang ru cháu ngủ, có lẽ chấn động trước án tử của con rể, nên bà ngồi đưa võng mà mắt cứ nhìn di ảnh con gái, nước mắt cứ tuôn thành dòng.
Bà tâm sự bằng giọng nghèn nghẹn, bà và con gái bán quán cơm, con rể cũng chịu khó làm mướn làm thuê, khổ nỗi anh này lại có máu đỏ đen, tiền làm ra bao nhiêu đều đem đi cá cược.
Mỗi lần con rể cờ bạc, bà và con gái đều có khuyên ngăn, con rể tỏ ra hối hận, hứa sẽ bỏ nhưng chứng nào vẫn tật đó. Được cái là con rể rất thương vợ con, từ ngày cưới nhau tới giờ chưa lần nào đánh vợ.
Hôm đó có lẽ do đang trốn nợ, tâm trạng quẫn bách, thêm chuyện bị vợ đòi ly dị nên con rể mất bình tĩnh, không kiểm soát được cơn giận.
Sau cái ngày oan khốc đó, bà đem cháu về nuôi nhưng bà sợ cho tương lai đứa trẻ bởi vợ chồng bà lớn tuổi, lại tổn thương tâm trạng từ cái chết đau đớn của con gái khiến sức khỏe xuống dốc đến rệu rã. Bà không biết có lo nổi việc học hành của cháu...
Mong tòa giảm án
Điều bà Nhung cầu mong là phiên phúc thẩm sắp tới tòa án sẽ chấp nhận đơn kháng cáo giảm án cho con rể, để con rể có cơ hội sống chuộc lại lỗi lầm.
"Tội nghiệp thằng bé, chỉ mới hơn 2 tuổi đầu, bỗng dưng mồ côi mẹ, giờ có thể mất luôn cha..." - giọng bà chùng xuống.
Bà nói với tôi: "Cháu ơi, cháu viết thế nào để người ta đừng cờ bạc, đừng để cơn giận lôi kéo vỡ ra án mạng khiến con cái bỗng dưng mồ côi, đau lòng lắm".
Tôi ra về, tiếng bà ru cháu tan vào buổi trưa vắng, nghe buồn da diết: "Mồ côi tội lắm ai ơi. Đói cơm khát nước biết người nào lo...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận