21/11/2022 05:46 GMT+7

Người xóa bỏ 'ma men' ở làng 'nát rượu'

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Vào nhà gặp bàn rượu, ra ngõ gặp người say. Đó là ký ức của thôn Đắk Pao (xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi). Rượu là "barie" vô hình chặn đứng các chính sách xóa đói giảm nghèo Nhà nước triển khai đến thôn. Đói nghèo vì thế mà dai dẳng....

Người xóa bỏ ma men ở làng nát rượu - Ảnh 1.

Chị Đinh Thị Hằng, người tuyên chiến với vấn nạn rượu bia ở vùng cao Sơn Tây - Ảnh: TRẦN MAI

Rồi một người phụ nữ đã "tuyên chiến" với rượu, từng bước xóa bỏ vấn nạn say túy lúy ở Đắk Pao. Chị tên Đinh Thị Hằng - chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Màu, người kiên trì vận động người Ca Dong bỏ rượu.

Ký ức làng "nát rượu"

Con đường từ trung tâm xã Sơn Màu vào thôn Đắk Pao mùa này đẹp như bức tranh, miền sơn cước mùa này trời trở nên dịu mát. Phía xa xa nơi những quả đồi nối nhau đến hút tầm mắt, bóng dáng người dân thấp thoáng lao động ở những rẫy keo, rẫy mì. Chị Hằng kể rằng những năm trước đây, mỗi lần cán bộ vào thôn rất dễ bắt gặp chiếc xe máy ngã chỏng vó bên vệ đường, ngay cạnh là những người đàn ông say xỉn, ngủ quên trời đất.

"Người Ca Dong thường uống rượu, nhưng thôn Đắk Pao thì uống quá nhiều. Bà con uống đến khi nào say gục mới thôi. Uống như thế triền miên năm này qua tháng nọ sức khỏe đâu mà làm việc. Nói chung, đàn ông thôn này xỉn say nhiều hơn đi làm", chị Hằng nói.

Dĩ nhiên, đói nghèo cũng từ rượu mà đến. Những con số thống kê khô khan nhưng đủ để hiểu "nền kinh tế" của thôn này. Cả thôn có 50 hộ đồng bào Ca Dong sinh sống, quá nửa là hộ nghèo. 100% các nóc nhà đều có người say xỉn, nhiều gia đình cả vợ lẫn chồng cùng ghiền rượu. Con cái bỏ nheo nhóc, chính quyền địa phương và các thầy cô giáo phải gánh luôn trọng trách chăm lo cho bọn trẻ. "Một thời, bọn trẻ ở trường còn được ăn no, mặc ấm hơn ở với cha mẹ chúng. Cái làng có tên Đắk Pao mà chẳng mấy người gọi. Những danh xưng "làng thần men, làng ma men, làng nát rượu" trở nên thân thuộc bởi sự nghiện rượu của bà con", chị Hằng tâm tình.

Đắk Pao nằm lẩn khuất dưới tán rừng Trường Sơn Đông. Nơi rẻo cao này, từng có những nỗi đau khởi đầu từ rượu. Ám ảnh nhất là nạn bạo lực gia đình, những người đàn ông càng uống thân càng tàn dại, mất lý trí. Và rồi bi kịch xảy ra, những trận đòn ập xuống vợ con trong cơn say. Chồng uống được thì vợ cũng uống, rượu khiến họ mặc kệ đói nghèo bủa vây.

"Nhiều lần chính quyền xuống vận động nhưng cả chồng lẫn vợ đều đang trong trạng thái say mềm, thói quen lạm dụng rượu, bia đã ăn sâu vào những nếp nhà người dân nơi đây kéo theo vấn nạn bạo lực gia đình nhức nhối, khiến những cán bộ làm công tác vận động phải đau đầu. Thương nhất là lúc xuống vận động, cha mẹ thì say, còn bọn trẻ quá đói lục cơm trắng ăn ngon lành", chị Hằng nói.

Tuyên chiến với ma men

Huyện miền núi Sơn Tây vẫn là huyện nghèo nhất nước. Xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục vẫn là mục tiêu của những năm tiếp theo. Thế nhưng, qua thời gian, kinh tế của vùng đất có cái tên thơ mộng "Xứ ngàn cau" này ngày một khởi sắc, nhiều bản làng đã thay da đổi thịt. Riêng thôn Đắk Pao vẫn từng có thời gian chính quyền phải đau đầu tìm cách xóa rượu trước khi xóa đói giảm nghèo.

Tháng 6-2019 Đảng ủy và UBND xã Sơn Màu tổ chức một cuộc họp tìm cách phát triển kinh tế địa phương. Chị Hằng đề xuất với Đảng ủy xã phải xóa bỏ tập tục uống rượu trên toàn xã. Khi nào bà con giảm và bỏ uống rượu thì sẽ lo làm ăn. Đó là cách thoát nghèo bền vững nhất.

Dĩ nhiên, lãnh đạo xã Sơn Màu hoàn toàn đồng ý với phát biểu của chị Hằng. Bao nhiêu năm qua, cán bộ vẫn tỏa đi khắp các thôn vận động nhưng bà con vẫn "chọn rượu" hơn là chăm lo sản xuất. Thậm chí, có trường hợp sáng họp ậm ừ vỗ tay, chiều về cán bộ xã đã thấy họ say ngất, gục ngủ dưới sàn nhà.

Phải có phương pháp đột phá mới xóa bỏ được "con sâu rượu" gặm nhấm sức lực và ý chí của bà con. Chị Hằng đề xuất với Đảng ủy xã phát động mô hình "Phụ nữ nói không với rượu, bia", điểm đánh đầu tiên là thôn Đắk Pao. "Tôi nghĩ những người dễ tiếp cận nhất là phụ nữ, dẫu sao chị em cũng đã quá ngán ngẩm chuyện chồng, cha mình say ngày này qua tháng nọ rồi", chị Hằng nói.

Sau cuộc họp đó, chính quyền xã Sơn Màu giao cho Hội LHPN xã chủ trì vận động. Tuyên chiến với rượu, lại chọn Đắk Pao, chị Hằng biết sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng nếu không xóa bỏ thì nghèo đói vẫn tiếp diễn. Những ngày dài, chị Hằng xuống Đắk Pao vận động chị em, kết hợp với vận động những người có uy tín ký cam kết không lạm dụng rượu, bia. Đó là khởi đầu cho hành trình gian nan.

Để "xóa bỏ rượu" không dừng lại ở mô hình vận động, Hội LHPN xã Sơn Màu lập cả tổ giám sát để theo dõi. Khi phát hiện bà con tổ chức uống rượu lập tức có mặt vận động. Như những cơn mưa rừng rỉ rả tạo ra mạch ngầm ấm no, những "trái ngọt" đầu tiên đã đến khi hình ảnh say gục giảm dần và nương rẫy có người sản xuất nhiều hơn. "Dường như nghèo khó quá lâu, khi những bà con đầu tiên bỏ rượu, làm lụng có tiền đã trở thành hình mẫu ở Đắk Pao", chị Hằng chia sẻ.

Người xóa bỏ ma men ở làng nát rượu - Ảnh 2.

Chị Đinh Thị Hằng (phải) trò chuyện cùng chị Đinh Thị Vum, động viên chị Vum nhắc chồng mỗi ngày để không tái nghiện rượu - Ảnh: TRẦN MAI

Đắk Pao đã có con em đậu đại học

Dừng chân trước nhà anh Đinh Văn Tôn, chị Hằng gọi vọng và chị Đinh Thị Mười (vợ anh Tôn) bước ra chào hỏi. Nhìn khuôn mặt tươi tỉnh của chị Mười, khó để biết vợ chồng chị từng nghiện rượu rất nặng, đã phát bệnh tâm thần nhẹ. Hai đứa con nheo nhóc, đói ăn, gầy trơ xương.

Hai người say nhiều hơn tỉnh, vận động không xong, UBND xã Sơn Màu quyết định "mạnh tay để tổ giám sát rượu xuống tận nơi lập biên bản xử phạt vì cả hai đã cam kết. Khi tỉnh rượu, nhìn biên bản xử phạt, hai vợ chồng tá hỏa. Sau lần đó, cả hai dần bỏ rượu, thần trí ổn định hơn và chí thú làm ăn. "Nói là xử phạt chứ hồi đó vợ chồng anh Tôn đâu có tiền mà nộp phạt", chị Hằng nói.

Ngồi bên cạnh, chị Mười nở nụ cười hiền lành. Chị Mười đã bỏ rượu tuyệt đối, ngày ngày đi lột vỏ keo thuê trang trải cuộc sống. Anh Tôn cũng chỉ uống rượu khi làng có chuyện, hiện anh ở Tây Nguyên hái cà phê kiếm tiền gửi về lo cho con ăn học. "Từ ngày bỏ rượu tôi khỏe ra, ổng cũng bỏ rượu rồi. Hai vợ chồng giờ lo làm ăn thôi, sợ rượu rồi", chị Mười cười.

Cách nhà chị Mười không xa là ngôi nhà khang trang của Đinh Thị Vum. Nếu không có chị Hằng, gia đình Vum đã tan nát. Vum không chịu nổi cảnh chồng suốt ngày say xỉn. Đỉnh điểm vào một đêm khuya Vum bị chồng đánh, đã ôm con đi bộ hơn 20km đường rừng về nhà bố mẹ đẻ, vừa đi vừa khóc tủi hờn cho phận mình. Tổ tuyên chiến với rượu phải "chia quân" đi vận động Vum và cả người chồng. Nhận thấy sai, chồng Vum đến nhà cha mẹ vợ xin lỗi, hứa sẽ bỏ rượu. "Nhà em được vầy là cảm ơn chị Hằng nhiều, chồng em bỏ rượu lo làm, vừa rồi còn có tiền xây nhà mới, em mừng lắm", Vum nói.

Đắk Pao nằm ngang ngực núi, ngôi làng ma men chỉ còn trong ký ức. Con em trong thôn đã có người đậu đại học, cao đẳng. Hộ nghèo giờ chỉ còn 15 gia đình. Như chị Đinh Thị Nhiêu, một gia đình tiêu biểu ở Đắk Pao đã bỏ rượu, vợ chồng lo làm chăm sóc con. Đứng bên cạnh bức tường đầy giấy khen của các con, chị Nhiêu nói: "Mình bỏ rượu, các con vui vẻ học giỏi lên, mình mừng lắm".

Mở rộng cuộc chiến với rượu

Ba năm kiên trì, giờ chị Hằng có thể nở nụ cười mãn nguyện, Đắk Pao đã thật sự thay da đổi thịt. Mô hình tuyên chiến với rượu ở Đắk Pao đang tỏa đi. Người Ca Dong dĩ nhiên không thể bỏ hẳn rượu bia, nhưng những cuộc nhậu thừa sống thiếu chết đã vắng bóng.

"Kết quả ngoài mong đợi ở làng "nát rượu" Đắk Pao đã tác động đến ý thức người dân. Xã đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình này ra cả ba thôn còn lại của xã. Rất cảm ơn chị Hằng đã tiên phong trong cuộc đổi thay này", ông Đinh Văn Lia - chủ tịch UBND xã Sơn Màu - nói.

Khi quý cô Khi quý cô 'chơi tới bến'...

TTO - "Uống, uống, phải hết ly! Uống như dế thế thì làm sao đậu hộ khẩu trên bàn các soái tỉ này" - một "chị đại" quàng vai, đẩy ly rượu vào miệng tôi. Buổi tối giữa tháng giêng, bàn nhậu các "soái tỉ" cứ thế cho đến rạng sáng.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên