Chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM dạy học cho trẻ nghèo tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - Ảnh: Giang Phạm |
Người Việt nhân ái trong nghĩa cử thương yêu trao tặng, hiếu học, thông minh, sáng tạo...
Đây là điểm gặp nhau của nhiều bạn đọc trong chia sẻ kỳ này.
Hiếu học - truyền thống lâu đời của người Việt
Phẩm chất hiếu học của người Việt, theo tôi, là điều không cần bàn cãi. Không khó để tìm thấy thông tin về những du học sinh người Việt có thành tích xuất sắc và được vinh danh ở xứ người.
Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng trao bằng khen Học sinh trung học xuất sắc nhất tiểu bang Michigan cho bạn Nguyễn Cao Hoàng, trao giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc cho bạn Thạch “Tak” Nguyễn...
Hay Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng từng khen ngợi du học sinh Lê Hà Thanh Mai như là một điển hình học tập vượt trội ở Singapore...
Người Việt chúng ta cũng luôn vào tốp đầu ở những kỳ thi khoa học quốc tế. Trong đợt tổng kết 40 năm tham dự Olympic toán quốc tế (IMO), chúng ta có quyền tự hào về việc nhiều năm liền vào top 3 thế giới.
Trong lịch sử của dân tộc, chúng ta cũng có vô vàn tấm gương hiếu học mà tôi khó lòng liệt kê hết tại đây.
Gần đây, nhiều người bày tỏ sự chán nản khi đọc được nhiều thông tin cán bộ nọ dùng bằng giả, tiến sĩ kia sao chép luận văn, nhiều học viên chung góp tiền tỉ để đậu cao học... và rồi phán người Việt “hiếu danh” (hay “háo danh”) hơn “hiếu học”.
Còn tôi lại nghĩ xã hội nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực cần giải quyết như lời anh Đinh Tiến Dũng (bài “Người Việt thông minh, dễ thích nghi” - Tuổi Trẻ ngày 13-9).
Cá nhân tôi mong chúng ta hãy cùng chung tay gìn giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc hơn là chỉ biết chê bai, chỉ trích.
Người Việt thông minh, thích nghi nhanh
“Người Việt Nam rất thông minh, dễ thích nghi...”, đây là câu nói tôi nghe qua rất nhiều lần khi có dịp làm việc ở một số công ty nước ngoài.
Những câu nói đó đến từ các vị tổng giám đốc, cán bộ cấp cao người nước ngoài... Họ nói rất chân tình và thẳng thắn, bởi tôi tin họ chẳng việc gì phải nói lời đãi bôi với cấp dưới người Việt.
Xin nêu một vài ví dụ thực tế tôi từng chứng kiến về phẩm chất thích nghi nhanh.
Bạn từng nghĩ người Việt quen “giờ dây thun”, làm việc cẩu thả? Điều này là sai hoàn toàn ở các công ty nước ngoài.
Từng làm việc ở nhiều công ty quốc tế, tôi thường nghe các chủ doanh nghiệp người nước ngoài không tiếc lời khen: “Người Việt chăm chỉ, nhanh nhẹn và đúng giờ quá!”.
Phải nói thêm là chúng tôi từng chứng kiến nhiều công nhân, kỹ thuật viên người Việt luôn tới sớm hơn giờ làm ít nhất 10 phút dù đó là ngày nắng ấm áp hay mưa gió bão bùng...
Có thể ở công ty Việt sẽ khó bắt gặp hình ảnh này, nhưng tôi tin nếu được đưa vào “guồng”, vào một môi trường có kỷ luật chặt chẽ thì người Việt sẽ tiến rất nhanh.
Nhiều lúc công ty vào mùa cao điểm, giờ cơm trưa đến mà nhà ăn vắng teo vì anh chị em cố hết sức làm cho xong việc của mình.
Lời yêu cầu mà tôi nhận được nhiều nhất từ nhân viên vào các thời điểm hợp đồng tới tấp thường là: “Anh dặn bếp làm món gì gọn gọn để tụi tui ăn lẹ còn xuống làm”, “Cho tụi tui khỏi nghỉ trưa cũng được anh ơi”...
Đương nhiên tôi biết họ làm vậy có phần vì yếu tố lương thưởng, nhưng chắc chắn cũng có nhiều người làm vì tấm lòng, vì dòng máu Việt, như một chị công nhân từng chia sẻ: “Phải cho người nước ngoài biết người Việt mình làm việc chẳng thua bất kỳ ai chứ anh”.
Người Việt cũng rất được nể trọng về sự thông minh, sáng tạo. Trong sản xuất thì rất nhiều công đoạn, quy trình... được các chuyên gia, nhân viên Việt Nam cải tiến đem lại lợi ích vượt trội. Những đóng góp đó đôi khi cực kỳ thầm lặng nên có thể nhiều người không biết đến.
Nhưng người nước ngoài rất tinh ý, họ nhận ra hết và vì thế nhiều đồng nghiệp nước ngoài của tôi thường không tiếc lời khen: “Người Việt rất thông minh”.
Chung tay xoa dịu nỗi đau đồng loại
Mới nhất trong những ngày đầu tháng 9-2014 là chuyện bé Kim Ngân (4 tuổi) bị cha dượng và mẹ ruột đánh đến biến dạng mặt mày.
Khi những hình ảnh thương tâm của bé được đăng báo thì nhiều bạn đọc đã không cầm được nước mắt, chung tay ủng hộ hàng trăm triệu đồng, có người nghĩa hiệp còn đứng ra tình nguyện nhận chăm sóc Ngân cho đến khi trưởng thành...
Không chỉ giúp đồng bào mà trong tương quan xóm giềng, đồng loại, người Việt cũng chung tay chia sẻ yêu thương một cách hết mình.
Còn nhớ sau cơn bão dữ Haiyan quét qua Tacloban (Philippines) năm ngoái, trong tình cảnh tang thương của những người dân nước bạn, người Việt cũng “nhường cơm sẻ áo” dù hoàn cảnh nước mình cũng bão lũ dập dồn mỗi năm.
Đó là lòng nhân ái, biết người khổ hơn mình, đau hơn mình nên xắn bớt phần mình để chung tay xoa dịu nỗi đau đồng loại mà không cần suy tính.
Mùa Tết, Trung thu hay bất cứ dịp nào, lễ lộc gì, ở đâu chúng ta cũng thấy có chương trình thiện nguyện. Những phong trào giúp nhau thoát nghèo, vượt khó hay những hoạt động cộng đồng ý nghĩa... ngày một phổ biến, lan tỏa khắp thành thị, nông thôn.
Chung tay lan tỏa giá trị Việt Diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” do báo Tuổi Trẻ và Samsung Việt Nam tổ chức - thuộc chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam” - nhằm để bạn đọc chia sẻ những trải nghiệm, những câu chuyện tôn vinh phẩm chất, đức tính và các giá trị văn hóa của người Việt. Đây cũng là cơ hội gạn đục khơi trong nhằm xây dựng giá trị Việt mang đậm bản sắc dân tộc, là niềm tự hào của người Việt Nam. Thư từ, bài viết tham gia diễn đàn “Tự hào cùng Việt Nam” xin gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc qua email: tuhaovietnam@tuoitre.com.vn. Bạn đọc cũng có thể đóng góp ý kiến, theo dõi các ý kiến, tranh luận và làm khảo sát xoay quanh chủ đề trên ở trang: tuhaovietnam.tuoitre.vn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận