26/10/2020 10:43 GMT+7

Người trẻ rời phố thị lên cao nguyên để tìm chính mình

MI LY
MI LY

TTO - Người trẻ sẵn sàng rời phố thị "về nơi đồi thông heo hút gió" để được sống thật hơn, cân bằng hơn và có thời gian tìm lại chính mình.

Người trẻ rời phố thị lên cao nguyên để tìm chính mình - Ảnh 1.

Đà Lạt đang mất dần, gượng không nổi, nhưng Sài Gòn còn là Sài Gòn, dù có mất chút đỉnh...

Tác giả Vũ Thế Thành

Tác giả Vũ Thế Thành (chuyên gia về hóa học và quản trị chất lượng) sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn. Thời trẻ ông hay lên Đà Lạt, mê khung cảnh và nhịp sống chậm rãi, rồi chọn nơi đây làm nơi "dưỡng già non".

"Ở Sài Gòn tôi nhớ Đà Lạt, nhưng ở Đà Lạt tôi lại nhớ Sài Gòn. Hai cái nhớ khác nhau. Nhớ Đà Lạt vì lỡ thương. Còn nhớ Sài Gòn vì duyên vì nợ" - ông viết trong cuốn tùy bút Sài Gòn: Một góc ký ức và bây giờ.

Giấc mơ "rời phố thị để lên cao nguyên" giờ đây không còn là của riêng người lớn tuổi nữa. Người ta không còn nghĩ rằng chỉ khi "dưỡng già" họ mới rời được đô thị. Vẫn là thiểu số nhưng đã có những người trẻ rời Sài Gòn lên Đà Lạt hay những vùng cao khác để lập nghiệp.

Không khó để tìm thấy những bài báo về chàng trai, cô gái tuổi 20, 30 rời Sài Gòn lên Đà Lạt mua đất, xây nhà, xây homestay "đẹp mê ly" và có cuộc sống nhiều người trẻ ao ước. Và đó mới là một phần của thực tế, chỉ nói về những người thành công.

Và nhạc của Đen Vâu kêu gọi người trẻ "Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau". Nhiều người cười cợt ca từ đó vì "nói nghe sao mà dễ thế", nhưng cũng nhiều người ao ước làm được như vậy.

Tác giả Vũ Thế Thành nói với Tuổi Trẻ: "Người trẻ ở Sài Gòn gặp áp lực rất lớn về công việc, đặc biệt ở các nghề tiếp thị, quảng cáo, bán hàng hay quản lý doanh nghiệp. Những công việc đó kiếm ra tiền nhưng họ không có thời gian dành cho bản thân hay gia đình.

Vì thế, người trẻ sẵn sàng về nơi đồi thông heo hút gió, thuê một căn phòng với mức giá cao để có thiên nhiên, thậm chí không cần Internet để tạm "cách ly" khỏi môi trường stress đó. Ở đó, họ sống thật hơn, cân bằng hơn, có thời gian tìm lại chính mình".

Ông coi lựa chọn rời đô thị của giới trẻ là hành trình đi tìm chính mình. Nó rất riêng tư, không phải sự trốn chạy theo xu hướng. Người trẻ ở Sài Gòn sống dưới nhiều áp lực vô hình. Trong nhiều cuốn sách, các tác giả trẻ nói lên sự bất an, chênh vênh ở Sài Gòn.

Dưới áp lực thành công đo đếm bằng tiền và thành tích hữu hình, nhiều khi người trẻ dễ dàng kết luận mình "thất bại". Tác giả Vũ Thế Thành cho rằng giải pháp là giới trẻ nên nghĩ khác về hai chữ "thất bại".

"Thất bại thì hãy làm lại. Hãy đi tìm nơi nào đó nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần, bớt máu ăn thua đi, vì trước khi thất bại mình đã nhào vô một cuộc chơi ăn thua. Sau khi nghỉ ngơi, mình trở lại cuộc chơi".

Vũ Thế Thành nói ra điều này vì trải nghiệm của chính ông. Ở Sài Gòn, ông không viết về Sài Gòn được.

"Khi bạn đang ở Sài Gòn, ít khi bạn nhận thấy Sài Gòn đáng yêu lắm. Nơi này quen thuộc với tôi đến mức tôi không nhận ra giá trị của Sài Gòn đối với mình. Chỉ khi tôi xa Sài Gòn lên Đà Lạt, chẳng xa xôi gì mà chỉ 300 cây số, tôi nhớ Sài Gòn lạ lùng" - Vũ Thế Thành hoài niệm.

Và chỉ khi lên Đà Lạt, sống trong yên tĩnh, ông mới viết nên cuốn Sài Gòn: Một góc ký ức và bây giờ. Ông gọi đó là "câu chuyện bàn rượu, cụng ly với ký ức của mình". Dù ở tuổi nào, người ta cũng cần bình tâm.

Ra mắt bộ sách Lục tỉnh cầm ca Ra mắt bộ sách Lục tỉnh cầm ca

TTO - Bộ sách gồm 4 quyển: Đường vào hát bội, Đường vào diễn xướng dân gian Nam Bộ, Đường vào đờn ca tài tử và Đường vào cải lương.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên