Đó là chăm lo cho đời sống tinh thần, chăm lo cho ý thức của học sinh.
Có lần thầy dùng cả 2-3 tiết để kể chuyện, để dạy học sinh những bài học “trường đời”. Thầy gọi từng đứa lên trả bài mà thực chất là tâm sự hỏi thăm ước mơ và định hướng cho các học sinh. Đứa nào thầy cũng quan tâm như nhau và dành sự chú ý đến cả những học sinh cá biệt.
Tôi rất biết ơn thầy, mà biết ơn nhất vẫn là việc thầy bắt cả lớp tôi chép phạt, riêng tôi phải đến hàng nghìn lần. Chuyện là, mỗi khi bước vào lớp mà chẳng may thầy phát hiện có rác, thì ai trong lớp cũng phải chép phạt 400 lần câu “Em hứa sẽ giữ gìn vệ sinh lớp tốt hơn”, cho dù bọn tôi không hề xả rác.
Ban đầu chuyện chép phạt có vẻ miễn cưỡng. Bố mẹ tôi, những bạn bè học trường khác, thầy cô khác của tôi nhìn thầy tôi bằng ánh mắt ám chỉ, kiểu “ông thầy này bị gàn dở rồi”. Nhiều học sinh ý kiến, nhiều thầy cô cho rằng “chép phạt công thức còn có lợi hơn”.
Bố mẹ tôi tỏ vẻ không hài lòng, cho rằng việc này vô cùng phí thời gian. Bọn tôi không có cơ hội để ăn gian, dối trá vì thầy kiểm tra từng câu từng dấu chấm trong bài chép phạt. Mà lúc đó tôi đang học lớp 12, bài vở nhiều không xuể nhưng không bao giờ dám bỏ chép phạt, chép phạt thiếu.
Thầy có lý do chính đáng. Thầy nói đấy là hễ cứ một người làm thì cả lớp phải chịu, do lớp chúng mình là một xã hội thu nhỏ. Thầy sẽ không cần biết có phải do gió thổi hay do bị lớp khác làm, đứa nào cũng sẽ phải chép như thế.
Cứ có rác là phải chép. Chúng tôi không được quyền đùn đẩy trách nhiệm cho ai. Sống tập thể sẽ phải chịu tất cả mọi thứ “rác”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nếu không loại trừ nó, lờ nó, tất cả bọn tôi đều bị ảnh hưởng và hậu quả là chúng tôi sẽ phải bị chép phạt. Thầy tôi đã nói dõng dạc, nói bằng cả tấm lòng của mình, như thế đấy.
Khi một người Việt Nam ra nước ngoài ăn cắp, người ta nhìn vào sẽ đánh giá không chỉ người ấy ăn cắp mà là “người Việt Nam hay ăn cắp vặt lắm”. Nếu ai cũng ý thức, và tự kiểm điểm được mình, tự biết mình làm không chỉ gây hại cho mình mà còn nhiều người phải chịu nữa, thì người Việt đã không phải mang ô danh là “ăn cắp vặt” ở Nhật Bản như thế.
Khi một công ty xây dựng “ăn bớt” tiền xây dựng thì hậu quả không chỉ những người trong công ty ấy phải chịu mà còn hàng nghìn thậm chí hàng triệu người bị vạ lây. Vậy nếu người đứng ra chịu trách nhiệm cho dự án đấy nghĩ suy thêm chút nữa, bớt đi tí ham muốn của mình mà ngay thẳng, trách nhiệm hơn thì có phải tốt hơn cho tất cả?
Tôi không ngại phải chép phạt nhiều lần, tôi chỉ ngại nếu tôi đã may mắn được học thầy, được thầy chỉ bảo nhiều như thế mà không được áp dụng, không tiếp thu và lan truyền bài học đó thì quả là đáng tội và hoài phí công lao dạy dỗ của người thầy đáng kính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận