08/07/2019 13:19 GMT+7

Người thầy 11 năm dạy chữ trên thảo nguyên heo hút

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Đã sống đời lặng lẽ qua bao dãy núi, góc rừng, thầy Phạm Văn Triệu dừng lại ở thảo nguyên Bùi Hui (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) heo hút dạy chữ ròng rã 11 năm.

Người thầy 11 năm dạy chữ trên thảo nguyên heo hút - Ảnh 1.

Từng con chữ của bọn trẻ ở thảo nguyên Bùi Hui là nhiệt huyết của một người thầy - Ảnh: T.MAI

Bất chấp những khó khăn, thiếu thốn điện và cách trở về địa lý, thầy Phạm Văn Triệu (55 tuổi, xã Ba Cung, huyện Ba Tơ) vẫn ở đó, lấy tấm lòng khuất phục khó khăn chỉ để những đứa trẻ H’Rê có những con chữ đầu đời.

11 năm cắm bản

"Con gà cục tác lá chanh. Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Con chó khóc đứng khóc ngồi. Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng", tiếng thầy Triệu vang lên. Những đứa trẻ bắt đầu ê a đọc theo. Lớp chỉ vỏn vẹn tám đứa trẻ đen nhẻm, tóc bù xù, quần áo xộc xệch, nằm trên thảo nguyên Bùi Hui rộng lớn. Tất cả đều là người đồng bào H’Rê. Dãy bên này là ba đứa trẻ lớp 1, dãy bên kia là năm đứa trẻ lớp 2.

Hôm chúng tôi đến cũng là lúc thầy Triệu bước vào buổi dạy học cuối cùng trước khi kết thúc năm học. Sau một năm uốn nắn, bọn trẻ đã đọc và viết khá ổn. Thế nhưng với người thầy này, kiến thức cho bọn trẻ chưa bao giờ là đủ. Ông vẫn giảng bên dãy này, cầm tay nắn nót hướng dẫn bọn trẻ viết từng chữ bên dãy nọ. "Lớp học chia đôi nên mình cũng chia đôi để dạy bọn trẻ, cái bảng cũng phải chia đôi luôn" - thầy Triệu tâm tình.

Cái lớp học đơn sơ, tựa vào thảo nguyên bao la ấy dù thiếu thốn vật chất trăm bề nhưng tình cảm thì luôn đủ đầy. Người thầy còn lớn hơn cả tuổi cha mẹ bọn trẻ ấy gieo vào đầu chúng chữ nghĩa sẽ giúp bọn trẻ rời khỏi núi rừng, tìm cho mình một chân trời mới, hoặc ít nhất cũng mang kiến thức trở về thay đổi bản làng.

Giọng nói thầy Triệu có vẻ yếu hơn lúc giảng, đôi tay run run kèm với đó là những cơn ho nhẹ khi trời bất ngờ trở lạnh. Khi những đứa trẻ kết thúc buổi học, bắt đầu rời trường trở về nhà, thầy Triệu về căn phòng của mình ngay bên cạnh lớp học, đơn độc và lặng lẽ. 

Thầy đã sống ở đây 11 năm, lấy tình cảm và quyết tâm vì bọn trẻ để vượt qua nỗi cô đơn sau mỗi giờ lên lớp. Nỗi buồn của buổi chiều miền núi thấm vào giọng nói của thầy Triệu. "Tôi bị tai biến nhẹ nên yếu đi nhiều, từng có dự định xin nghỉ dạy nhưng thấy bọn trẻ thương quá nên ráng dạy thêm một vài năm nữa rồi về sau" - thầy Triệu tâm sự.

Nhóm lửa, ánh sáng lập lòe phả theo luồng khói đen ngòm tạo thành vệt dài giữa không gian tĩnh mịch, thứ ánh sáng yếu ớt ấy giúp thầy vượt qua đêm tối 11 năm cắm bản ở đây. Quanh thảo nguyên Bùi Hui, người dân sử dụng điện từ những "thủy điện" họ tự làm ra nhờ tận dụng sức nước ở những con suối. Còn thầy Triệu và lớp học vẫn thui thủi với đèn dầu mỗi đêm.

Thầy Triệu luôn nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ, gắn bó lâu dài với điểm trường này. Có những nhà giáo như thế rất đáng trân quý, là tấm gương sáng vì sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu vùng xa.

Thầy Nguyễn Minh Hải (hiệu trưởng Trường DTBT TH&THCS Ba Trang)

Cả đời đến những vùng gian khó nhất

21 tuổi ra trường, chỉ hai năm thầy dạy ở quê nhà Ba Cung, còn lại là những tháng ngày leo núi cắm bản làng dạy học. Thầy Triệu kể năm 1985 tốt nghiệp hệ 9+1, người thầy giáo trẻ mang tất cả nhiệt huyết tuổi thanh xuân ăn núi ngủ rừng dạy học ở huyện vùng cao Sơn Hà. 

Tất cả những nơi thầy Triệu cống hiến năm tháng tuổi trẻ vào thời điểm ấy đều rất xa xôi. Con chữ là điều xa vời với tất cả. 

 "Thời đó, nhiều lần cắm bản mà trời mưa dài ngày không thể về nhà, thế là ăn rau rừng sống qua ngày để dạy học. Rồi tấm lòng của bà con cho mình thêm chén cơm đầy khoai củ" - thầy Triệu hồi tưởng.

Sơn Ba, Sơn Cao, Sơn Liên, Sơn Thượng, Sơn Thủy..., thầy Triệu ngồi nhớ lại những bản làng mà đôi chân mình đã đi qua. Nếu ai biết về những xã vùng cao này sẽ hiểu hết độ gian khó. Đến thời điểm hiện tại, đường sá thông thoáng nhưng vào trung tâm các xã này chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vậy mà chừng 30 năm trước, thầy Triệu đã đi đến những bản làng xa xôi ở các xã.

Người thầy 11 năm dạy chữ trên thảo nguyên heo hút - Ảnh 3.

Thầy Triệu xuống bếp - căn chòi phụ huynh dựng giúp - đun ấm nước sôi pha trà - Ảnh: T.MAI

"Tôi yêu bọn trẻ. Thời đó không có đường đâu. Để đến các bản làng phải leo rừng, lội suối cả ngày mới đến. Đến nơi thì cắm bản cả tháng, có khi hai ba tháng. Khi nào hết lương thực mang theo mới về. Lúc đó mình còn trẻ, chân còn khỏe, chớ bây giờ thì thua, đi không nổi đâu" - thầy Triệu kể.

Nồi nước sôi ùng ục, thầy Triệu vội pha tô mì. Tối nay người thầy cắm bản ăn vậy thôi. Tuổi già, cộng với sức khỏe yếu đi nhiều, thầy Triệu cũng ít nấu ăn hơn. Thường nhật với thầy là thùng mì gói. Vừa ăn mì, thầy Triệu chỉ tay về phía chiếc xe máy của mình như thể nhìn chiếc xe có thể thấy hết gian khó của đời người thầy giáo này.

Chiếc xe máy được thầy Triệu tháo hết bửng cho xe nhẹ, tháo bọc sên để khỏi vướng bùn đất, độ lại thắng xe bằng thanh sắt bẻ cong thật cao để khỏi va vào đá... Mùa mưa ở vùng cao là thách thức khủng khiếp cho việc lưu thông. 

Không chỉ điểm trường Bùi Hui mà những nơi thầy Triệu từng cắm bản dạy học có điều đặc thù gần như giống nhau: đường rất xấu, mưa xuống là lầy lội, những con dốc trôi hết đất, đá nhô lên lởm chởm, nhanh tay ga, chậm chân thắng là... đi luôn xuống vực lúc nào không hay. 

Khi nào thầy Triệu không đủ sức khỏe để bám lớp dạy chữ, chiếc xe ấy cũng sẽ kết thúc sứ mệnh của mình. "Số cái xe khổ, trúng tôi mua là tàn đời luôn" - thầy Triệu nói giọng hài hước.

Thấm thoát đã 34 năm trôi qua, thời khởi đầu đi dạy là chàng trai 21 tuổi chưa vợ, giờ con cháu đủ cả. Nỗi buồn đôi khi tràn về bởi nỗi nhớ gia đình. Nhưng mệnh lệnh nơi trái tim thầy là ở lại với bọn trẻ bản làng.

Ấm trà làm bầu bạn

Bữa ăn gọn ghẽ xong nhanh chóng, cũng là lúc núi rừng phủ lớp sương mỏng, cái lạnh tràn về cùng với đó là đêm tối tìm đến. Thầy Triệu vội kê lại bốn chiếc bàn cũ kỹ tạo thành chiếc giường nằm. Ông xuống bếp - căn chòi phụ huynh thương thầy giáo dựng giúp, đun ấm nước sôi pha trà.

Thầy Triệu bảo rằng lớp học không điện, không tivi, sóng điện thoại chập chờn khi có khi không nên ông chỉ có ấm trà này làm bầu bạn. Lúc buồn quá thì cắt rừng vào làng trò chuyện với mọi người. "Đi thì dễ nhưng lúc về trời tối nguy hiểm lắm nên tôi cũng ít đi" - thầy Triệu lý giải.

Heo hút, cách trở

Có thể kể về nỗi cách trở của điểm trường Bùi Hui (thuộc Trường dân tộc bán trú tiểu học và THCS Ba Trang) bằng hành trình của chúng tôi. Từ TP Quảng Ngãi vượt 50km đến trung tâm huyện, đi tiếp đoạn đường rừng 11km trên con đường đèo cứu hộ heo hút, thăm thẳm mới đến được xã Ba Trang.

Rồi từ đây, chiếc xe máy rập rình như mũi tàu trước bão leo lên từng con dốc ngược đất đá lởm chởm. 8km như thế sẽ vượt qua được con dốc có cái tên biết nói "Cổng Trời" - điểm cao nhất của thảo nguyên Bùi Hui (cao 628m so với mực nước biển). Lúc này sẽ nhìn thấy điểm trường Bùi Hui. Xa xa sau trường là những mái nhà dân lẩn khuất dưới bạt ngàn sim tím và rừng già.

"11 năm ở đây, tôi quen dần và thấy mình sướng chớ không khổ vì được hít thở không khí trong lành" - thầy Triệu nói như thể tự trấn an mình sau chừng ấy năm gieo chữ ở vùng gian khó bậc nhất huyện Ba Tơ.

Cắm bản nơi thâm sơn cùng cốc Cắm bản nơi thâm sơn cùng cốc

TTO - Đứng lớp dạy chữ ở bản làng giữa chốn thâm sơn cùng cốc, cách biệt với thế giới bên ngoài, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của những giáo viên gặp muôn vàn khó khăn.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên