28/12/2017 14:38 GMT+7

Người tháo gỡ tàn dư chiến tranh

THANH BA
THANH BA

TTO - Những cuộc rà phá, tháo dỡ tàn dư chiến tranh giữa thời bình cứ tiếp diễn, và các chiến sĩ vẫn mải miết trên các nẻo đường của đất nước.

Với người lính công binh, cuộc chiến mang tên bom mìn chưa đến hồi kết.

Người tháo gỡ tàn dư chiến tranh - Ảnh 1.

Các chiến sĩ công binh di dời bom đưa đi tiêu hủy - Ảnh: T.Ba

Đối mặt tử thần

Chúng tôi có cơ hội theo chân Đội dò tìm xử lý bom mìn số 2 (thuộc Xí nghiệp miền Trung, Đoàn kinh tế - quốc phòng 206 Quân khu 5). 

Hôm ấy, con lũ dữ sau nhiều ngày nhấn chìm bãi bờ ven hạ nguồn sông Thu Bồn đã rút cạn nước. Nhận tin báo của hai chiến sĩ phụ trách xác định tín hiệu ở khu vực dưới chân cầu Cửa Đại (thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), các thành viên còn lại của đội tức tốc có mặt.

Tại hiện trường, máy rà soát liên tục báo hiệu dưới lòng đất tồn tại vật liệu nổ. Biệt đội tháo dỡ bom mìn xắn tay áo vào cuộc dưới sự chỉ huy của đại úy Huỳnh Văn Khẩn (đội trưởng Đội dò tìm xử lý bom mìn số 2).

Sau khi khoanh vùng, chiếc hố sâu hoắm với đường kính tầm 6m đã được đội công binh dùng xẻng đào xới liên tục trong vòng hai giờ. Lúc này, một khối sắt hình trụ dần lộ thiên. 

Hình ảnh vật này dường như rất đỗi thân quen nên thoạt nhìn, tất cả chiến sĩ đều khẳng định chắc nịch đó là loại bom MK 82 MOD, từ thời kháng chiến chống Mỹ.

Hai chiến sĩ bình tĩnh đảm nhiệm khâu xử lý ngòi nổ. Chẳng mấy chốc biến quả bom vốn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy trở nên vô hại. Vừa góp sức nhấc bổng quả bom hơn 240kg lên khỏi mặt đất, đại úy Khẩn cho hay: "Đây chưa phải quả bom lớn. Ba năm trước, đội từng tháo dỡ quả bom với khối lượng lên tới 1,2 tấn. 

Quy trình tháo dỡ bom mìn có vẻ đơn giản, nhưng lại cực kỳ phức tạp. Nếu không nắm vững kỹ thuật, tử thần gọi tên lúc nào không hay. Bởi vậy, nhóm đảm trách xác định tín hiệu, nhận biết độ sâu và nhóm xử lý phải phối hợp với nhau ăn ý".

Là thành viên trẻ nhất, thiếu úy Ngô Minh Hà (24 tuổi) tỏ ra phấn khích trước "chiến tích" lần đầu tiên đảm nhiệm khâu tối quan trọng của đội. Sau quãng thời gian xách máy "mòn vai" dò tín hiệu, Hà đã được đồng đội đặt niềm tin ở vai trò xử lý ngòi nổ.

"Trở thành lính công binh là ước mơ từ thuở bé của tôi. Tốt nghiệp lớp 12, tôi đăng ký tham gia lớp huấn luyện hai năm và được nhận về đội công tác. Bốn năm qua, hôm nay tôi mới trải qua cảm giác đối diện với thần chết như thế nào. Thực sự ban đầu có chút hồi hộp, nhưng khi bắt tay thực hiện, dưới sự hỗ trợ của một người anh dày dạn kinh nghiệm, tôi đã tự tin phá hủy kíp nổ thành công" - Hà nói.

Những chiến sĩ "di trú"

Hoàn thành nhiệm vụ "giải phóng" quả bom, 25 chiến sĩ của đội tập trung tại một nhà dân ở thôn Thuận An. Theo đại úy Khẩn, ngôi nhà này là nơi đơn vị đóng quân gần hai tháng qua. Tất cả anh em trong đội "cùng ăn, cùng ở" với hộ bà Đinh Thị Quảng, tới khi nào công cuộc rà phá bom mìn ở địa phương hoàn tất.

Nhắc đến đây, vị chỉ huy trưởng của đội nói vui rằng số lượng gia đình mà đơn vị "cập bến" có lẽ đã lên tới xấp xỉ hàng trăm. Bộ đội công binh chẳng khác nào chiến sĩ "di trú". Bởi lẽ, cấp trên giao nhiệm vụ rà phá bom mìn đến đâu, những chàng lính công binh sẽ di cư đến đó.

"Khi đặt chân đến vùng đất nào, cán bộ địa phương sẽ tạo điều kiện bố trí cho đơn vị nơi ăn, chốn ở trong quá trình công tác. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng tôi cũng có chỗ tránh nắng, che mưa thuận lợi. Nhiều vùng núi xa xôi, hẻo lánh tận Hà Giang, Cao Bằng..., các tỉnh Tây Nguyên hay các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bắt buộc chúng tôi phải tập thích nghi khi không được tá túc nhà dân" - đại úy Khẩn cho biết.

THANH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên