![]() |
Kỳ 1: Thắp lửa cho bếp ăn nghèo Kỳ 2: Trái tim người lính Kỳ 3: Người gõ cửa âm thầm
40 năm một đàn con
Về làng Ghè, xã Iazớk, huyện Đức Cơ (Gia Lai) hỏi nhà già làng Kpui Hyom ở đâu thì từ đứa trẻ chăn trâu đến bà già trên rẫy đều nhắc đến ông một cách trân trọng. Ông được nhiều người biết đến không chỉ vì là già làng nhân hậu và đáng kính. 40 năm qua, vợ chồng ông đã cưu mang hàng chục số phận trẻ thơ trong sự nghèo khó. Và cũng ngần ấy năm nhà ông lúc nào cũng rộn tiếng trẻ con, người dân ở đây vẫn gọi nơi ấy là “nhà trẻ của già làng Kpui Hyom”.
Khi có người dùng từ “con nuôi” để nói về những đứa trẻ mà ông đã cưu mang, ông giận thật sự: “Tụi nó là con của tao, chẳng có đứa nào là con nuôi cả! Tao bế chúng từ lúc còn đỏ hỏn, mớm cho chúng từng miếng cơm. Tao xem chúng như máu thịt của tao, sao lại gọi là con nuôi được?”. Với già làng Kpui Hyom, tất cả những đứa trẻ ông nuôi dù mang dòng máu Kinh hay Gia Rai, Ba Na... đều là con ông. Đứa trẻ đầu tiên được ông nuôi nấng nay cũng đã gần 50 tuổi, đó là anh Rahlan Theng. Già làng Kpui Hyom nhớ lại: “Năm 1966, mình tình cờ đi qua làng của Theng sau một cuộc giao chiến dữ dội. Cha Theng bị chết vì trúng đạn, cả làng bỏ chạy, chỉ còn Theng run rẩy trong làn khói đạn bom”. Năm ấy già Kpui Hyom mới 30 tuổi.
![]() |
Ông Kpui Hyom đang nựng đứa cháu sau một ngày đi rẫy về - Ảnh: Thế Anh |
Ông nói chính Theng đã thay đổi cuộc đời ông. Bởi sau lần gặp và đưa Theng về nuôi, trong ông có linh cảm cuộc đời mình sẽ gắn chặt với những sinh linh bé nhỏ bị vứt bỏ bên cuộc đời. Ông nhớ lại những ngày tháng lên Pleiku mưu sinh để có tiền mang về quê nuôi vợ con, khó khăn lắm nhưng ông cũng không thể ngoảnh mặt bỏ đi khi thấy đâu đó bóng dáng các em nhỏ bị bỏ rơi.
Một đêm lạnh ở phố núi, ông bị đánh thức bởi tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Ông kể: “Lúc đầu mình tưởng là tiếng mèo kêu, nhưng nghe kỹ thì rõ ràng là tiếng trẻ con. Mình đi tìm thì thấy một bé trai còn dính máu nằm khóc trong cái thùng phuy đựng rác trên hè phố. Mình cởi áo lau khô rồi ôm nó vào lòng sưởi ấm”. Ông đặt tên đứa bé là Yon, lấy họ Rmah theo vợ ông - bà Rmah Boi.
Đã nghèo, không đủ cái ăn, ông nỗ lực làm cả ban đêm để kiếm thêm tiền mua sữa, mua gạo cho thằng Yon, thằng Theng. Vợ ông cũng chỉ ăn củ mì cầm hơi, còn cơm nhường cho Theng, gạo để dành nấu cháo cho Yon. Vậy mà khi hay tin vợ chồng người hàng xóm đột ngột qua đời do dịch bệnh, để lại hai đứa con côi cút, ông lại đưa thằng Yang, con Bin về nuôi. Buôn làng quanh vùng đồn thổi: “Kpui Hyom giàu lắm, ai bỏ con, muốn cho con mang đến nó nuôi hết”. Vậy là một phụ nữ lỡ lầm bế con đến gửi ông, những đứa trẻ không cha không mẹ được bà con mang đến chỗ ông như là một địa chỉ tiếp nhận.
Ông bỏ cả việc ngoài Pleiku để về giúp vợ nuôi con người dưng. Về giúp vợ một, nhưng với đàn con ngày càng đông nên nhà ông khổ mười. Lúc thằng Yon, con Tình bị bệnh nặng, vợ chồng ông lại phải bán nốt con trâu là tài sản quí giá nhất để lo chữa trị cho chúng. Cứ thế, hằng ngày ông ăn củ mì để lên rẫy, bà ở nhà thì rau rừng lọt bụng để nhường hạt cơm cho đàn con đông dần lên và dài theo năm tháng.
“Không nhận nuôi những đứa trẻ này là có tội với Giàng, có tội với bà con” - ông nghĩ vậy mỗi khi có ai bế con đến nhờ ông nuôi. Rồi các con ông cũng lớn khôn, hết khó vì cái ăn lại lo lắng chuyện dựng vợ gả chồng. Năm nay ông đã 71 tuổi, không nhận con nữa ông tiếp tục nhận cháu. Hiện giờ, ngoài những đứa cháu do đàn con ông sinh ra, ông còn có thêm bốn đứa cháu nuôi nữa. Chúng là những đứa trẻ mồ côi, là con của những gia đình nghèo khó quanh vùng. Ông vẫn thường tự hào mình có đông con đông cháu nhất vùng.
![]() |
Các em đã gần 10 tuổi nhưng chị Lan vẫn phải bón từng muỗng cháo - Ảnh: T.A. |
Lúc chưa biết chuyện, mọi người ở tổ 3, phường Trà Bá, thành phố Pleiku (Gia Lai) vẫn gọi hai chị là “hai người đàn bà hâm”, bởi họ thấy hai người phụ nữ không chồng không con cứ suốt ngày sống với những đứa trẻ bị bại não, não úng thủy sống đời sống thực vật trong căn nhà đầy hoa trái. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Tuyết Lan và chị Trần Thị Hiền, mẹ của đàn con tật nguyền.
Chuyện bắt đầu từ năm 1999, khi hai chị rời Lâm Đồng đến Pleiku lập nghiệp. Chị Lan kể: “Chúng tôi chẳng còn chút vốn liếng nào cả sau khi đã dốc hết túi mua miếng đất 6.000m2 nằm sâu trong hẻm ở rìa thành phố. Hồi đó đất ở đây sỏi đá và cằn cỗi lắm, cả hai chị em đánh vật cả năm trời mới cải tạo để trồng cây được”. Chỉ tay về phía đứa bé đã 10 tuổi nhưng ngô nghê như mới vài tháng, chị Lan nói: “Mọi chuyện bắt đầu từ con bé A Liu người Xê Đăng này đấy.
Cách đây năm năm, khi A Liu đã lên 5 tuổi nhưng vẫn nằm bất động, chẳng khóc mà cũng chẳng nói được tiếng nào, nghĩ con mình bị Giàng phạt nên bố A Liu đã bỏ rơi con bé. Chị em tôi nghe chuyện mà cả đêm không thể chợp mắt, hình ảnh con bé tàn tật cô độc cứ ám ảnh mãi, sáng ra hai chị em quyết định lên bản đưa A Liu về nuôi”.
Sau A Liu, cứ mỗi năm hai chị lại nhận thêm một, hai cháu có hoàn cảnh tương tự. Đến nay, trong căn nhà của họ đã có bảy cháu với bảy căn bệnh khác nhau: đứa bị bại não, đứa mù bẩm sinh, đứa não úng thủy... Đứa thì la hét suốt ngày, đứa thì nằm đưa đôi mắt vô hồn ra vườn, đứa lại thích quậy phá. Bằng tình thương của người mẹ, các chị cũng dần thuộc tâm tính của từng cháu để biết cách nuôi dưỡng. “Đã sáu năm nay không đêm nào chúng tôi được ngủ yên giấc. Phần lớn các cháu không làm chủ được bản thân nên đêm nào cũng phải dậy vài ba lần để thay tã, nhiều lúc mệt quá ngủ thiếp đi sáng ra đã thấy trên đầu mình đầy chất thải của các cháu” - chị Lan kể.
Đêm là thế, ngày họ cũng chẳng còn thời gian để nghỉ ngơi. Hằng ngày hai chị phải dậy thật sớm để lo bữa sáng cho các cháu, rồi chị Lan mang rau quả ra chợ bán, chị Hiền lo việc vệ sinh và ăn uống. Lo xong bữa sáng cũng vừa đến bữa trưa, tranh thủ các cháu ngủ trưa hai chị ra vườn tưới cây. Chiều đến, chị Hiền trông đám nhỏ, chị Lan lo việc chăm cây và chuẩn bị rau quả cho buổi chợ hôm sau. Cứ thế, hai chị quay như con thoi ngày này qua ngày khác, không một phút nghỉ ngơi. Chị Lan nói: “Túi bụi vậy chứ chúng tôi không hề thấy mình vất vả vì những đứa trẻ này, mà chỉ lo không có điều kiện để nhận thêm những cháu có hoàn cảnh tương tự. Mỗi lần từ chối các cháu là chúng tôi đau lòng lắm, mất ăn mất ngủ cả tháng trời!”.
Cả hai chị đều có ước mơ chung: “Có đủ tiền sắm được một phòng tập vật lý trị liệu cho các cháu. Chúng tôi làm được bao nhiêu là lo hết cho các cháu, chẳng để dành được thứ gì cả ngoài những hạt giống ở vườn cây trái này”. Các chị không chỉ để lại cho các cháu những hạt giống ở vườn cây đã góp phần nuôi gia đình qua năm tháng, mà còn để lại những hạt giống tâm hồn cao cả để ngày mai sẽ đâm chồi nảy lộc như tình thương của các chị.
Có hai mẹ con đã cưu mang hàng chục đứa trẻ bất hạnh và sống trên núi ở An Giang. Người mẹ gọi chúng là bầy cháu ruột, người con trai gọi chúng là con. “Nội ơi nội”, “Cha ơi cha”..., tiếng những đứa trẻ làm hạnh phúc cả vùng.
Kỳ tới: Hai mẹ con trên chóp núi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận