26/01/2014 15:51 GMT+7

"Người rừng" ăn tết, "không muốn ở rừng nữa"

        VÕ MINH
        VÕ MINH

TTO - Sau 5 tháng rời khỏi rừng sâu trở về với buôn làng, tết này, hai cha con “người rừng” cũng đón tết giống như phong tục đón tết cổ truyền của những cư dân bản địa...

4hpCb5Zx.jpgPhóng to
Cha con “người rừng” đang bắt đầu cuộc sống mới, từ bỏ rừng sâu kể từ mùa xuân này

Cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang, xã Trà Phong, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) đã thay đổi hẳn về cách sống, hòa nhập khá nhanh với người dân trong làng và đang bắt đầu một cuộc sống mới.

Đón tết trong nhà mới

Một buổi sáng cuối đông, trong cái se lạnh của những ngày giao mùa, chúng tôi vượt núi đến với huyện miền núi Tây Trà (vùng đất xa nhất so với Trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi). Trên khắp các bản làng ở nơi núi cao này, nhà nhà đều đang tất bật chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc. Người dân ở xã Trà Phong - nơi cha con “người rừng” sinh sống - cũng chộn rộn với tết. Nằm cách con đường chính dẫn vào thôn Trà Nga, xã Trà Phong chừng 20m, là ngôi nhà nơi cha con “người rừng” ở.

Ngôi nhà gạch ngói rất khang trang được những nhà hảo tâm hỗ trợ chứ không phải là căn lều lá như trong rừng sâu mà cha con “người rừng” từng gọi là nhà trong suốt gần 40 năm sống trong rừng.

Bên trong nhà, cả gia đình của cha con ông Thanh đang quây quần bên nhau, loay hoay gói bánh tét (đồng bào dân tộc Cor Tây Trà gọi là bánh Top). “Người rừng” Hồ Văn Lang (con ông Thanh) tỏ vẻ thích thú khi lần đầu tiên được người em ruột của mình là Hồ Văn Tri chỉ dạy cho cách gói bánh tét. Lang cứ cười mãi, khuôn mặt rạng ngời niềm vui. Đã 43 tuổi đời nhưng đây là lần đầu tiên Lang mới biết thế nào là tết, biết thế nào là hương vị ngày tết. Lang tiếp thu rất nhanh khi học gói bánh. Anh biết quấn lá ra làm sao, bỏ nếp gói và gói thành đòn bánh tét là như thế nào.

Còn “người rừng Thanh” cũng hăng hái cùng với con cháu của mình gói bánh tét. Đôi bàn tay nhăn nheo, thô ráp của ông Thanh vẫn có thể gói bánh thoăn thoắt.

Khi nồi bánh tét vừa nấu chín, cha con “người rừng” còn biết cắt bánh tét thành từng lát mỏng chỉ bằng một sợi chỉ. Bà con lối xóm cũng đến nhà cha con “người rừng” phụ cha con họ nấu bánh, chuẩn bị đón xuân.

Có thích tết không? - chúng tôi hỏi. Lang đáp lại bằng tiếng Cor gỏn lọn: “Trot xa tet” (rất thích tết). Lang kể thêm là ở trong rừng sâu, cha con Lang không có đón tết như thế này. Cha con Lang chỉ ăn một cái tết theo tục người Cor là tết ngã rạ.

Nói rồi Lang nhìn chúng tôi cười. Như “cao hứng” Lang hát vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” bằng tiếng Kinh. Bài hát Lang thuộc được là nhờ lũ trẻ trong làng dạy cho Lang. Dù chưa tròn vành rõ tiếng nhưng giọng hát của Lang cuốn hút mọi người. Ai cũng mừng cho Lang, mừng cho “người rừng” Thanh khi cha con ông đã bỏ rừng về lại làng sống.

kFNaATko.jpg
Ảnh 1: “Người rừng” Hồ Văn Lang dọn nhà đón tết
j5eMqnpC.jpg
“Người rừng” Hồ Văn Thanh gói bánh tét

“Không thích ở rừng nữa”

Dù đã về làng được một thời gian nhưng đến nay, “người rừng" Thanh vẫn không nói chuyện. Nhưng mọi sinh hoạt hàng ngày thì ông cũng đã hòa nhập bình thường. Lang tiếp thu rất nhanh. Ai đó chỉ bày chuyện gì vài lần là Lang đã hiểu và làm theo y hệt. Ngày thường, cứ mỗi sáng ra Lang lại lo lên rẫy trồng keo, chăm cây mì, cây lúa rẫy. Trưa Lang lại trở về lại nhà lo cỏ cho con trâu của mình vừa được nhóm phóng viên Đài PT-TH Quảng Ngãi tặng khi bộ phim tài liệu “Lang về nhà mới” nói về cha con “người rừng” đạt huy chương vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc. Rồi có lúc Lang lại phụ em trai và em dâu mình nấu cơm, rửa chén.

Anh Hồ Văn Tri, con út của “người rừng” Thanh vui mừng khi thấy cha mình, anh trai mình đã “chịu ở” cùng gia đình. “Tết này thật là vui vì cha tôi và anh trai tôi đã ở đây, không còn sống trong rừng sâu nữa. Chỉ mong sao tết này rồi những cái tết sau này sẽ cứ mãi được đón tết cùng cha, cùng anh” - anh Tri nói.

Chúng tôi hỏi Lang rằng có muốn trở lại rừng không? Lang lắc đầu nói: “Pe trôt man mơq gôk” (không thích ở rừng nữa). Rồi Lang dẫn chúng tôi cùng cha Lang đi ra trước nhà cười khà rồi đưa tay chỉ lên ngôi nhà mới của mình nói tiếp: “Hnhư đơuh quơ gô” (ngôi nhà mới của tôi). Lang lại kéo chúng tôi đến chỗ con trâu của cha con anh đang cột ở phía sau nhà: “O kpieu gô” (con trâu của tôi). Lang quả quyết: “Trot Plây gô” (thích làng của tôi).

Lũ trẻ con trong làng thấy anh Lang liền chạy đến nắm tay dẫn cả hai cha con “người rừng” đi “du xuân” ở làng. Chúng tôi nắm tay Lang nói bằng tiếng Cor: “Oh ay tuq hlơ xa tet” (chúc mừng năm mới). Nghe vậy, ông Thanh ngước nhìn chúng tôi cười, còn Lang thì có vẻ lớ ngớ vì chưa hiểu lắm câu nói của chúng tôi. Những chắc Lang rồi sẽ hiểu trọn vẹn thế nào là câu nói “Oh ay tuq hlơ xa tet” khi đón cái tết năm sau ở làng mình.

        VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên