![]() |
Bà Hai Lượng: “Bữa nào đi chợ tui cũng vã mồ hôi với bài tính 12.000 đồng cho một phần ăn” -Ảnh: Tấn Đức |
Kỳ 1:Một ngày của bà Sáu PhượngKỳ 2:Trĩu thêm gánh nặng
Chỉ có một tiếng nghỉ trưa, hết tốp này đến tốp khác vào rồi ra, bà Hai Lượng luôn tay xới cơm, chia thức ăn cho từng đĩa, ân cần hỏi từng người “No chưa cưng, cơm thêm không?” rồi lo lắng gọi với xuống bếp bảo đặt thêm nồi cơm nữa... Vui vẻ, nhộn nhịp như một bữa ăn trong gia đình, và càng giống trong gia đình hơn khi để ý thấy các cậu công nhân ăn xong ra võng nằm nghỉ, xem tivi một lát rồi về. Không thấy ai đếm tiền trả.
“Giống má con quá...”
“Bí quyết kéo công nhân ở cả ba xưởng quanh đây đến quán tui là rẻ, ngon và cho thiếu nợ đó”, bà Hai Lượng cười, gương mặt phúc hậu tươi rỡ. Khi sang lại quán cơm công nhân của chủ cũ cách nay hơn ba năm, hai tháng đầu bà Hai lỗ vốn, buổi trưa chỉ bán được có mười mấy suất. Mấy người em nản lòng, bàn nghỉ, nhưng bà Hai cương quyết: “Quán có ế ẩm người ta mới sang cho mình. Mình phải quyết tâm bán cho được”.
Hỏi thăm công nhân, bà xót ruột biết chỉ 10.000 đồng/suất cơm trưa nhưng nhiều người cũng không còn tiền để trả vào tuần cuối tháng. Nhưng cuối tháng thì chúng cũng vẫn phải ăn, phải làm chứ, nghĩ như nghĩ đến con mình, bà Hai quyết định thông báo: bán chịu cơm trưa, sẽ lấy tiền sau ngày phát lương.
Người này rỉ tai người kia, công nhân kéo đến quán của bà Hai ào ạt. Số khách thường xuyên lên đến con số hơn 100. Những cuốn sổ nợ chi chít, dày đặc cũng xếp cao dần. Không chỉ ăn cơm trưa, cơm chiều, từng nhóm công nhân còn đến quán ăn hủ tiếu buổi sáng, mì tôm buổi tối, còn í ới gọi nước giải khát giờ giải lao.
Quán cơm của bà Hai dần dần trở thành một quán tạp hóa để đáp ứng nhu cầu công nhân. Xà bông giặt, tắm, dầu gội, dao cạo... những nhu cầu thiết yếu của công nhân bà Hai đều cung ứng đủ và cũng lại ghi sổ.
Hợi, một công nhân quê ở Phú Yên, cứ gãi đầu mãi khi chúng tôi hỏi về chuyện lương bổng. Cuối cùng Hợi cũng kể: cả tháng tăng ca lương được hơn 2 triệu đồng, trích ra 700.000đ gửi về nuôi đứa em đang học cao đẳng ở Tuy Hòa, thêm một khoản khác gửi về cho cha mẹ, mà “cũng may vì cha còn khỏe, tự lo được”.
Còn lại khoảng 1 triệu đồng là phần của Hợi xài suốt tháng. “Con trai khó mà nhín nhút giữ tiền cho được tới cuối tháng, lại còn tiền thuê nhà. May mà có quán của dì Hai cho thiếu nợ, đầu tháng lãnh lương mang trả dì hơn 700.000 đồng...”.
Nhìn những cuốn sổ ghi nợ của bà Hai, thấy rõ sự vất vả không chỉ ở chỗ 4 giờ sáng đi chợ mua rau cá thịt về lo cơm nước hai bữa cho cả trăm người đến tận chiều tối. Làm sao để nhớ mặt từng công nhân, ghi từng phần cơm, chai nước, điếu thuốc vào sổ giữa lúc chỉ có 30 phút để dọn cơm cho hàng trăm suất? Làm sao để tính toán được số công nợ của mỗi người nợ trong tháng để thanh toán? Làm sao để cân bằng khi rất nhiều người cứ trả từng phần nợ một, có người trả rồi mượn lại để “mua quà sinh nhật, Valentine, 8-3”?... Bà Hai chỉ có hai cuốn vở học trò ghi nguệch ngoạc những ký hiệu chỉ mình bà đọc được, một ghi hàng mua, một tính ra tiền.
Cứ đến trước ngày xưởng gỗ, xưởng giấy phát lương, bà Hai lại thức thâu đêm cộng sổ bằng tay, tỉ mỉ và cẩn thận. “Thức trắng mắt luôn đó. Tôi cũng chỉ cộng bằng tay thôi, nhưng không có lộn đâu à nha. Mấy đứa công nhân kiếm tiền khó lắm, làm lộn là tội tụi nó”, bà lại cười, cứ như việc cộng sổ ấy là việc tự nhiên phải làm.
Hiếu, một công nhân xưởng giấy, kể: “Một lần cộng sổ thấy tiền nợ tháng này trội hơn hẳn tháng trước, dì Hai bảo kiếm tiền cực khổ vậy mà không biết xót. Phải ráng ăn tiêu nhín nhút mà để dành chớ! Tối buồn kiếm đĩa mồi, gọi chai bia ngồi đánh bài, hễ quá hai tiếng là dì Hai đuổi về. Nhờ dì Hai mua giúp thứ gì đó hơi mắc chút là bị tra hỏi cặn kẽ và thường là không cho mua. Có lần tụi tôi đùa: Con xài nhiều thì tiền vô túi Hai nhiều chớ sao, bà la cho một trận và nói: “Tao lấy hết tiền của bay tao cũng xót ruột mà!”. Hiếu nói rồi trầm ngâm. Ở cái góc nghèo này tình nghĩa nhiều khi giản đơn vậy!
Quán vui
Lật những trang ghi tiền nợ chi chít, dày đặc, thấy xen giữa những hàng đã được gạch ngang (thanh toán xong) là những khoản nợ “vẫn còn y thinh” qua nhiều ngày, nhiều tháng. Hỏi, bà Hai Lượng thở dài: “Có đứa mất việc không trả được nợ, bỏ đi. Có đứa vẫn đây nhưng nhà cha mẹ đau yếu phải lo thang thuốc. Có đứa phải nuôi thêm em đi học nên thiếu hụt... Thôi thì đành vậy chớ sao. Nợ thì cứ để đó, khi nào có thì tụi nó trả”.
Trong hơn 20 cuốn tập dùng làm sổ của bà có tới mấy chục trường hợp nợ, trong đó đã nhiều người không bao giờ còn thấy xuất hiện ở quán cơm. Vậy nhưng bà Hai nói nhẹ tênh: “Chưa thấy đứa nào quay lại trả nợ, nhưng khi nào nó biết thương mình thì chắc nó sẽ về. Còn mấy đứa nợ lâu, có người xúi tôi không bán cho nữa, nhưng rồi nó tan ca ra đói bụng, chạy sang nói “Hai ơi, cho con ăn cơm” thì lòng nào mà lắc đầu cho được”.
Công nhân thì phải ăn no, mỗi suất cơm bà Hai nấu suýt soát một lon gạo. Hồi đầu năm nay giá rau cá thịt cứ tăng vùn vụt, bà Hai thức mấy đêm rồi mới lựa lời nói với công nhân: “Giá hàng tăng quá, mấy con cho Hai tăng thêm 2.000 đồng”. Một phần cơm giờ là 12.000 đồng, tính theo số nhiều thì bà cũng chỉ lời được hơn 1.000 đồng nhưng lại bị thiếu nợ. Người nhà khuyên nghỉ bán, bà Hai nhiều lúc mệt nhọc nằm thừ, mấy cậu công nhân thì thủ thỉ “Hai mà nghỉ tụi con không biết làm sao”.
Thế là bà Hai Lượng lại bật dậy, lại đi chợ, nấu ăn. Thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ bà cũng không nghỉ vì “chúng đâu có gia đình ở đây mà về”, tối khuya bà cũng dậy nấu mì khi có người gõ cửa “Hai ơi cho con ăn còn vào tăng ca”. Có những buổi sức mấy chục cậu con trai ăn hết bay bốn nồi cơm khổng lồ, dọn rửa xong bà nấu một tô mì gói ăn rồi lại chuẩn bị bữa tiếp. “Cái nghiệp nó vận vào thân rồi, bỏ không được. Tui coi tụi nó cũng như con mình, cực cũng phải ráng lo cho chúng thôi”.
Mắt bà sáng lên khi nhắc đến “tụi nó”. Chẳng nhắc đến cuốn sổ nợ mà tết vừa rồi khi thu còn “rớt” lại vài chục triệu đồng, bà kể sau bữa liên hoan chia tay bà đãi tại quán, về quê ăn tết rồi “tụi nhỏ mang quà đặc sản lên chất lủ khủ đầy nhà” và dì Hai lại tổ chức thêm buổi liên hoan nữa.
Vui, là cảm giác của bất kỳ ai ghé đến ăn bữa cơm 12.000 đồng ở quán này.
_____________________
Chợ thì mỗi ngày mỗi giá nhưng trái bắp vẫn chỉ ba bốn ngàn đồng, sao lên được! Xóm bắp luộc của những cư dân từ Hà Nội vào đang chọn cách “rút ngắn đêm và kéo giãn ngày” để qua lúc khó khăn...
Kỳ tới: Chuyện xóm bắp luộc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận