04/04/2011 07:08 GMT+7

Người nghèo vượt khó - Kỳ 2: Trĩu thêm gánh nặng

Kết quả đánh giá nghèo đô thị ở TP.HCM 2010 - Nguồn: UNDP
Kết quả đánh giá nghèo đô thị ở TP.HCM 2010 - Nguồn: UNDP

TT - Nhà nghèo quá, chẳng có gì cho con, chỉ có thể cố gắng cho con sự học. Học mới thoát được nghèo!” - chị Nguyễn Thị Hồng, ấp 6, xã Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM, nói như một chân lý về câu chuyện của mình.

Không chỉ chị Hồng, đa số những người mà chúng tôi gặp những ngày qua đều có chung ý như vậy. Thậm chí sự quyết liệt đương đầu còn thấy rõ ở anh Trần Ngọc Hòa ở Tân Quý Tây, Bình Chánh: “Nhà tôi có hai đứa đang chuẩn bị thi đại học, nếu đậu sẽ vay ngân hàng cho chúng học”.

Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1: Một ngày của bà Sáu Phượng

5WqZ2h0L.jpgPhóng to
Bao ve chai này là một phần quan trọng trong cuộc mưu sinh của nhà chị Hồng - Ảnh: Tấn Đức

Nụ cười buổi tối

Đánh giá về tình trạng nghèo đô thị ở TP.HCM năm 2010 cho thấy tỉ lệ cho trẻ đi học đúng tuổi giữa dân thường trú và dân di cư chênh lệch không nhiều (97% và 92,3%), giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo cũng không có cách biệt (cùng đạt 98%). Điều này được nhận xét là vì người nghèo và dân di cư đã nhận thấy tác dụng của giáo dục với việc làm và thu nhập nên quan tâm và cho con đi học đúng tuổi. Sự khác biệt là ở chi phí: dân thường trú chi phí cho học tập lớn gấp 3,5 lần dân di cư, nhóm hộ giàu chi cho học tập gấp tám lần nhóm hộ nghèo.

Một ngày của chị Hồng chừng như chẳng có tiếng cười, tiếng nói. Sáng 5g30, chị lọc cọc đạp chiếc xe đạp cũ chở con gái út ra bến xe buýt ở ngã tư Đông Quang để đến trường. Con lên xe, chị cột bao tải mang theo sẵn vào yên sau, lặng lẽ đạp qua mấy con đường từ Hiệp Thành, Q.12 lên Đông Thạnh, Hóc Môn nhặt vỏ chai nước suối, mảnh nhựa vỡ, thùng cactông, báo cũ.

Khu này là khu lao động nghèo nên những vật thải ra mà còn có thể sinh ra tiền rất hiếm. Suốt cả tuần nhặt lượm chị mới có đủ một mớ hàng mang ra vựa. Chai nhựa 10.000 đồng/kg, bìa cactông 3.500 đồng/kg, báo 2.000 đồng/kg, sách 3.000 đồng/kg...

Mỗi lần mang bán, chị Hồng kiếm được khoảng 50.000 đồng. Khi nắng đã như kim châm vào da thì chị về, sang nhà một người quen lau dọn, nấu cơm. Một buổi làm việc chị được trả 40.000 đồng. “Nhưng mình chỉ mới nhận được một mối, tuần hai buổi. Khu này ít người khá giả nên tìm việc rất khó khăn”, chị buồn buồn kể. Thỉnh thoảng, bên Công ty Sạch và Xanh thiếu người, chị Hồng đem theo cặp lồng cơm, đi theo người chủ qua ba bốn quán bida, phòng khám, tiệm điện thoại để lau dọn. Một ngày như thế chị được trả 80.000 đồng, “nhưng từ tết tới giờ họ cũng chỉ gọi có ba lần”.

Về nhà nghỉ một lát, xế chiều chị lại dắt xe đạp vòng qua mấy khu chợ, trường học, hàng ăn tìm nhặt ve chai đến tối, đến khi nhận được cú nháy điện thoại của con gái.

Đạp xe ra bến xe buýt đón Thúy Hằng, cô con gái út 18 tuổi đang theo học ngành kỹ thuật may ở Trường cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trọng, là lúc chị Hồng thấy thanh thản nhất. Đón con về, hai mẹ con làm một bữa ăn đơn giản, chủ yếu là rau, cá rồi chờ Huy, cậu con trai lớn vừa trở thành giáo viên Trường THPT Gò Vấp được vài tháng. Bữa cơm của họ bên chiếc tivi luôn có tiếng ríu rít của con gái, chuyện dạy học của con trai và niềm hạnh phúc âm thầm của mẹ.

Những người quen với chị Hồng kể rằng chị rất ít khi cười “vì khổ quá”. Thời trẻ, hai vợ chồng cùng là bộ đội, theo đơn vị đi từ Bắc vào Nam, rồi từ Nam sang Campuchia, từ Campuchia về TP.HCM và giải ngũ. Không nghề nghiệp, chị bôn ba không từ nan một việc gì để nuôi con. Đan ghế mây trong xưởng mây tre lá, làm công nhân trong xưởng giấy, làm tạp vụ trong xưởng may, đặt tủ thuốc lá ở lề đường, dựng “cây xăng cục gạch”, làm bảo mẫu giữ trẻ, làm bảo vệ trông nhà...

Rồi chồng chị mang bệnh, căn nhà nhỏ bán đi lo thang thuốc, đến khi anh mất thì gia đình đã dọn từ Phú Nhuận qua Gò Vấp rồi ra tận Đông Thạnh, Hóc Môn. Khó khăn chồng chất nhưng chị Hồng bảo chưa bao giờ có ý định để con nghỉ học, và “may mà chúng cũng biết nhận thức, biết chung lo cùng mẹ”.

Chung lo bằng cách cả hai anh em đều chọn những trường, những ngành phải đóng học phí ít nhất và cơ hội có việc làm khả thi nhất. Quả nhiên, vừa ra trường Lương Đức Huy đã được phân công về Trường THPT Gò Vấp. Suốt bảy năm từ khi vào cấp III đến khi tốt nghiệp đại học, Huy đi học một buổi, buổi còn lại phụ giữ xe ở Trường Lý Tự Trọng, tự lo việc học cho mình. Thúy Hằng, cô con gái út, vừa vào trường hôm trước, hôm sau đã mạnh dạn vào xin phụ bán căngtin ở trường. “Thế là vừa có lương đủ đóng tiền học, mẹ lại khỏi phải lo bữa ăn trưa” - Hằng khoe vậy.

Đẩy gác chắn đếm ước mơ

Ai đến quán nước mía của anh Hòa, chị Được ngay trên quốc lộ 1A (Bình Chánh) vào buổi sáng hay buổi trưa cũng phải ngạc nhiên: hết cô nữ sinh này đến cậu học trò kia ôm cặp ra chào ba mẹ đi học. “Cả thảy là bảy đứa, với hai anh lớn của chúng đã đi làm!”, anh Hòa cười hà hà rồi giải thích: “Thật ra con mình chỉ có sáu, thêm ba đứa cháu mồ côi con cậu em nữa là chín, thêm bà nội. Tất cả dựa vào quán nước nhỏ này của bà ấy và đồng lương gác chắn xe lửa của tôi. Hai đứa lớn mới đi làm, thỉnh thoảng phụ mẹ được vài trăm...”.

Lương công nhân gác chắn của anh Hòa chỉ xấp xỉ 2,5 triệu đồng/tháng, quán nước mía của chị Được thu lãi chừng 50.000-70.000 đồng/ngày. Nhà mười mấy người, tiền chợ, tiền xe buýt, tiền gửi xe đạp cho con đi học... tính ra mỗi ngày phải chi xấp xỉ 200.000 đồng, chưa kể điện nước gas hằng tháng. Tính cách nào cũng không đủ. Cứ đầu năm học thì cả nhà tái mặt vì tiền học, tiền sách vở, áo quần của bảy cô cậu học sinh từ lớp 4 đến lớp 12.

Tính cách nào? Một ca làm việc của anh Hòa kéo dài 12 giờ. 12 giờ căng mắt căng tai đón hàng chục chuyến tàu đến, tàu đi để kịp thời đẩy thanh gác chắn ngang đường cho tàu vào ra an toàn. Sau 12 giờ căng thẳng, anh được nghỉ 24 giờ rồi lại vào ca tiếp. Để có thêm thu nhập, anh Hòa đã tận dụng thời gian nghỉ ngơi hành nghề chạy xe ôm.

Sau một giấc ngủ, anh lại mang cái máy bơm ra để ở lề đường làm thêm “nghề” thứ ba: sửa xe gắn máy. Đó là nghề anh học được từ những ngày làm công nhân đường sắt. Chị Được bán thêm tại quán nhỏ của mình cà phê, thuốc lá, bánh kẹo và cả xăng lẻ cho khách lỡ đường. “Làm được gì lo cho mấy đứa nhỏ là tôi làm ngay. Nhà mười mấy miệng ăn, nên đầu tháng có lương là phải đi mua gạo.

Gạo thì không thể thiếu, còn tiền chợ thì gia giảm theo số tiền trong túi, theo giá cả lên xuống mỗi ngày. Trước cầm 100.000 đồng đi chợ còn có được một món mặn cho cả nhà, nay có khi tôi đứng ngoài chợ cả nửa giờ mà không biết mua gì, lại quay ra trứng vịt, đậu hũ, có khi chén mắm cũng xong bữa. Chỉ thương tụi nhỏ, không dám đòi hỏi gì...” - chị Được bứt rứt kể.

Trước mắt họ là một cuộc mưu sinh đầy thách thức nhưng các con còn đến trường, còn cười toe khoe danh hiệu học sinh giỏi... là họ còn hi vọng!

---------------------------------------------------

Mọi người khuyên bà nên nghỉ bán nhưng công nhân theo năn nỉ: “Hai mà nghỉ là tụi con đói!”. Câu chuyện từ một quán cơm công nhân.

Kỳ tới: Sổ cơm và quán vui

Kết quả đánh giá nghèo đô thị ở TP.HCM 2010 - Nguồn: UNDP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên