13/07/2016 15:10 GMT+7

Người mẫu Việt xuất ngoại - Kỳ 2: ​Tha hương có sung sướng?

MINH TRANG - Ảnh tư liệu
MINH TRANG - Ảnh tư liệu

TTO - Nhiều người mẫu Việt đi Đông, đi Tây, chụp ảnh quảng cáo cho nước ngoài, diễn tại các Tuần lễ thời trang khét tiếng như New York, Milan... Đằng sau sự hào nhoáng đó là gì?

 

Trang Khiếu xuất hiện trong một ấn phẩm thời trang Ý
Trang Khiếu xuất hiện trong một ấn phẩm thời trang Ý

Đoạn trường ai có qua cầu...

Không nói ra nhưng chắc hẳn giới làm mẫu Việt đều hiểu rõ người mẫu châu Á nói chung ở thị trường nước ngoài đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm nghề. Một trong những lí do đó là vấn đề phân biệt đối xử. 

Vào thời điểm năm 2013, năm mà các người mẫu Việt có những bước chuyển mình “ra biển lớn”, thống kê tại sự kiện New York Fashion Week có đến gần 80% người mẫu da trắng xuất hiện trên sàn catwalk, trong khi tỷ lệ người mẫu da đen và gốc Á chỉ chiếm khoảng 8 - 8,5 %.

Dù khá ít ỏi nhưng đây cũng được xem là tỷ lệ đáng mừng của việc cởi mở hơn khi sử dụng người mẫu đa sắc tộc trên các sàn diễn thời trang.

Người mẫu Việt Nam Huyền Trang phải dự đến 50 buổi casting để có được 5 show diễn trong Tuần lễ Thời trang New York 2012. Người mẫu Tuyết Lan phải tự trang trải toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại trong thời gian ở New York để tham dự những hoạt động biểu diễn bên lề sự kiện đình đám này.

Người mẫu VN Lê Thuý (giữa) tại Milan Fashion Week 2016
Người mẫu VN Lê Thuý (giữa) tại Milan Fashion Week 2016

Hoàng Thuỳ kể, chuyện nhận được một sô diễn nhỏ, làm tóc trang điểm đến 3 tiếng đồng hồ rồi cuối cùng chụp chỉ lấy duy nhất một tấm hình là chuyện thường ngày của cô ở Anh.

Chân dài tâm sự: “Nơi đất khách quê người, không người thân, bạn bè ít, đi nước ngoài nhiều, rồi ở Anh cộng tất cả thời gian cũng là hơn một năm mà tôi thấy mình giống từ trên núi xuống chẳng biết gì, từ A đến Z phải tự lo. Từ cái thẻ ngân hàng, mã số thuế... Làm cả nửa năm mới lấy được.

Rồi bị ốm tự uống thuốc, tự nấu cháo ăn. Rồi tự lết đi bệnh viện với bao nhiêu khê yêu cầu đi chỗ này chỗ kia, giấy này giấy kia… Cảnh đi tha hương cầu thực ai cũng tưởng sung sướng nhưng không có sung sướng chút nào. Thi thoảng lại muốn từ bỏ”.

Hoàng Thuỳ còn kể chuyện bị “chơi xấu” từ các bạn đồng nghiệp người Anh khi họ biết rõ Thuỳ đến từ Châu Á, khả năng ngôn ngữ ít nhiều còn hạn chế nhưng khi nói chuyện đều cố tình nói thật nhanh hoặc dùng tiếng Anh lóng để “làm khó” Thuỳ.

Kha Mỹ Vân (đội vòng hoa) là người mẫu châu Á duy nhất trong một chiến dịch quảng cáo thời trang tại Ý
Kha Mỹ Vân (đội vòng hoa) là người mẫu châu Á duy nhất trong một chiến dịch quảng cáo thời trang tại Ý

Được nhiều hơn mất

Nói về việc đưa người mẫu Việt xuất ngoại ra thị trường quốc tế, bà Quỳnh Trang - Tổng Giám đốc công ty Multimedia và Chủ tịch Hội đồng Quản trị BeU Models, người rất tâm huyết và dày dạn kinh nghiệm trong việc này nhiều năm qua - chia sẻ:

“Nếu nói về cái được và cái mất khi mẫu Việt xuất ngoại ra ngoài, cá nhân tôi cho rằng họ được nhiều hơn mất, tất nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Đây có thể coi là bước chuyển mình của làng thời trang Việt Nam, làm thay đổi diện mạo của thời trang trong nước, và những tấm gương người mẫu đi trước tạo thành một tiền đề tốt để những người mẫu trẻ nhìn vào và nỗ lực hơn mỗi ngày.

Phải thừa nhận là người mẫu Việt Nam của chúng ta có rất nhiều tiềm năng, nhưng vì hạn chế về ngôn ngữ nên chưa nắm bắt được cơ hội. Tôi còn nhớ là trong những lần đưa mẫu đi những năm đầu tiên tôi y như... bảo mẫu. Tôi phải theo vào hậu trường làm phiên dịch, bảo đảm là các bạn hiểu người ta đang yêu cầu mình làm cái gì?

Rất mừng là hiện nay lớp người mẫu sau này đều ý thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ nên họ đầu tư cho việc này sớm hơn. Cái được lớn nhất khi xuất ngoại là được làm việc trong một môi trường cực kì chuyên nghiệp.

Còn cái khó là vì chuyên nghiệp nên cũng rất khốc liệt. Để có được một suất diễn tại một trong những kinh đô thời trang lớn, một người mẫu tạm coi là ưu tú của Việt Nam phải tham gia casting và đánh bại hàng trăm người mẫu khác đến từ các quốc gia trên thế giới - những người cũng rất ưu tú ở đất nước họ.

Người trong giới thường gọi những buổi casting đó là Olympic Model là vậy - cũng giống như một cuộc tranh tài ở thế vận hội! Thậm chí chụp một tấm ảnh thời trang cho một tạp chí nào đó cũng phải tham gia casting, rất công bằng và sòng phẳng.

Người mẫu Lê Thuý trên bìa Harper's Bazaar Style Ý
Người mẫu Lê Thuý lên tạp chí Harper's Bazaar ấn bản Ý

Bởi vậy, Vietnam’s Next top Model qua các năm cứ bị hỏi khó là sao đưa vào những thử thách "kinh khủng" quá vậy? Thực chất đó là thực tế làm nghề khi các bạn bước ra thế giới bên ngoài.

Thêm nữa là chi phí cuộc sống ở nước ngoài vốn đắt đỏ, bạn phải tham gia casting liên tục để có những sô diễn đủ để trang trải cho sinh hoạt.

Nhưng bù lại, phần thưởng cho những người mẫu chăm chỉ và làm tốt, thể hiện tốt là bạn hoàn toàn có thể sống được với nghề, và được học những điều mà ở thị trường trong nước không thể có”.

Không có con đường nào là trải mật và hoa, đặc biệt là một nghề có tuổi thọ rất ngắn ngủi như người mẫu. Biết mình muốn gì, nỗ lực cho giấc mơ của bản thân, dẫu chưa phải là những tên tuổi xuất sắc được báo chí thế giới khen ngợi hay có thể tự tin vỗ ngực “làm nên chuyện” ở những kinh đô thời trang, nhưng sự dấn thân và dũng cảm của những cô gái Việt xứng đáng nhận một lời khen tặng.

Ít nhất họ đã dám bước đi, dám làm khó mình và dám theo đuổi những ước mơ lớn.

Hoa khôi Lan Khuê: "Các bạn hiện thực hóa được ước mơ của mình"

"Bất cứ một người mẫu nào có đam mê thật sự với sàn diễn thời trang đều ấp ủ ước mơ được sãi bước ở các kinh đô thời trang thế giới. Nhiều năm trước đó chỉ là ước mơ còn bây giờ có rất nhiều các bạn mẫu đang điểm danh tại các tuần lễ thời trang.

Cái được ở đây chính là các bạn hiện thực hóa được ước mơ của mình, đựơc làm quen, khám phá, trải nghiệm với môi trường thời trang chuyên nghiệp.

Hà Anh và Lan Khuê - Ảnh: FBNV
Hà Anh và Lan Khuê - Ảnh: FBNV

Tuy nhiên, cơ hội để người mẫu Việt Nam tạo được dấu ấn, tên tuổi tại thị trường quốc tế là khá khó khăn khi hàng ngày họ phải cạnh tranh với hàng ngàn cô gái khác từ khắp nơi trên thế giới trong một môi trường mang tính đào thải khắc nghiệt.

Mà ngành công nghiệp quốc tế cũng chịu nhiều sự tác động, ảnh hưởng của kinh tế và các vấn đề nhạy cảm về màu da, sắc tộc..."

MINH TRANG - Ảnh tư liệu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên