10/12/2009 02:53 GMT+7

Người lưu giữ vết tích làng nghề

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - Ông Trương Thanh Hùng - chủ tịch Hội Văn nghệ Kiên Giang - bảo tôi phải đi tìm ông Trần Phình Chu: “Ông nghiên cứu về làng nghề ở Hà Tiên, mê thơ Chiêu Anh Các. Thiếu ông thì tạp chí Chiêu Anh Các mất đi cả cái hồn”.

I6Vk3yse.jpgPhóng to
Ông Trần Phình Chu hiện vẫn trăn trở dịch thơ của Tao đàn Chiêu Anh Các trong những đêm thức trắng. Cơn tai biến đã làm ông không thể suy nghĩ và mất trí nhớ thất thường trong giao tiếp. Suốt nhiều năm làm thầy giáo, ông đã đi khắp xứ Hà Tiên, Phú Quốc tìm nguồn gốc và sưu tầm các tư liệu về nghề huyền, nghề đồi mồi truyền thống ở Hà Tiên

Kỳ 1: Nhà “Hà Tiên học”Kỳ 2: Lắng nghe hơi thở tiền nhânKỳ 3: Nhà nghiên cứu xứ cù lao

“Tự truyện” từ tình yêu làng nghề

Ông Trần Phình Chu kể: “Tôi sống cả đời với nghề làm đồi mồi. Các chú tôi, cậu tôi ai cũng làm nghề đồi mồi. Tôi thấy nghề này từ thuở bé”. Những cái lược, vòng tay đồi mồi nâu bóng nhiều hoa văn đã gắn bó với anh thầy giáo Trần Phình Chu từ những ngày rất trẻ.

Nghề đồi mồi là nghề bí truyền, người trong nghề không bao giờ hé chuyện với người ngoài về những kỹ thuật chế tác sản phẩm đồi mồi. Thế nên rất ít người viết sâu sắc về kỹ thuật làm sản phẩm đồi mồi mỹ nghệ và nét đặc sắc của cái nghề đã thành rất riêng của đất Hà Tiên. Những nghệ nhân lớn của Hà Tiên trong nghề đồi mồi như Tăng Hồng Bào, Tăng Văn Thâm... đều là cậu của ông.

Cả đời làm nghề giáo, mê văn chương, mê lịch sử, cũng chưa bao giờ ông Trần Phình Chu nghĩ mình sẽ viết về cái nghề rất đỗi bình thường ấy...

Cho đến ngày con đồi mồi bị đưa vào sách đỏ và bị cấm săn bắt thì nghề đồi mồi đói dần, kiệt quệ dần. Người Hà Tiên bỏ đồ nghề để làm nghề mới mưu sinh. Chứng kiến nghề của tổ họ cũng dần bị mai một, ông nghĩ mình phải làm điều gì đó để lưu giữ lại lịch sử của nghề này - như một mảng lịch sử rất thịnh vượng của quê hương Hà Tiên.

Ngày thường đi dạy văn, ngày nghỉ đi điền dã. Sớm soạn giáo án, khuya lại ngồi mày mò sách sử. Ông không muốn chỉ miêu tả cái nghề, bởi miêu tả nghề ông đã sẵn hằng ngày chứng kiến và phụ giúp. Ông muốn làm xa hơn nữa là tìm hiểu hành trình từ thuở ban đầu đến khi nghề đồi mồi đem đến miếng cơm manh áo cho khắp lượt người Hà Tiên.

Với giọng nói chậm rãi khó khăn, lúc nhớ lúc quên, ông kể say sưa về kỹ thuật ép nối vảy đồi mồi. Từ sử sách, nghề đồi mồi không tự có ở đất Hà Tiên, nghề chỉ chọn đất này làm đất hứa. Những nghệ nhân xứ Bắc mới là những người khai sinh kỹ thuật ép vảy đồi mồi để mảnh vảy dày thêm, chế tác sản phẩm dễ dàng hơn. Người Pháp biết nghề này sẽ phát triển ở Hà Tiên, vốn là vùng biển nhiều hòn đảo, vịnh nhỏ và đồi mồi cư trú nhiều. Họ tạo áp lực ép những chủ xưởng người Bắc phải dạy kỹ thuật lại cho người Hà Tiên. Đổi lại các chủ xưởng ở Hà Tiên trả cho họ một món tiền mặt lớn.

Ông Chu cười phá lên khi kể chuyện cũ: “Nhưng họ đâu có dạy hết, họ chỉ bảo phải làm nóng vảy, ép chặt nhưng làm nóng đến thế nào, ép chặt ra sao họ đâu có nói trong thư. Từ lúc biết tới lúc làm ra sản phẩm, những nghệ nhân Hà Tiên thử đi thử lại kỹ thuật đó đến mấy năm mới thành”. Những tấm ảnh ông chụp người thợ gia công kỹ thuật, những so sánh với kỹ thuật ngoài Phú Quốc và ở Hà Tiên, những đoạn tỉ mẩn tìm hiểu tung tích nghề... là những phần được ông viết rất say mê trong một thời gian dài.

Ông Chu bảo: “Tôi sợ nghề mất hẳn nên lúc đó phải viết lại, vậy thôi!”. Chỉ vì sự lo lắng ấy, ông dành rất nhiều thời gian trong thời gian dạy học, đi khắp đất Hà Tiên, trò chuyện với những nghệ nhân lớn tuổi nhất, đi ra vào Phú Quốc, Nam Vang hàng chục bận, truy tìm những sách vở liên quan đến lịch sử của Hà Tiên thời trước. Nghề đồi mồi giờ đã lặn sâu vào ký ức người Hà Tiên, nhưng công trình nghiên cứu của ông thầy giáo dạy văn giờ đã thành hình từ những đêm chong đèn thức trắng và những ngày cuối tuần đi về vội vã trong gánh nặng mưu sinh - nghiên cứu.

Sẵn lòng say mê, sau này chính ông cũng đã nghiên cứu và viết về nghề huyền, một nghề chế tác sản phẩm mỹ nghệ dùng chất liệu là loại than đá cứng, bóng, tạo ra những sản phẩm rất đẹp.

... Và ông giáo già dịch thơ Chiêu Anh Các

Trên tạp chí Chiêu Anh Các của Hội Văn nghệ tỉnh Kiên Giang giờ vẫn còn mục “Dịch thơ Chiêu Anh Các” do ông Chu phụ trách. Di sản văn hóa của Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên có số lượng tác phẩm đồ sộ vẫn chưa được khai thác. Từ ngày bị tai biến mạch máu não ông không đi lại nhiều, thường xuyên quên bất ngờ giữa cuộc trò chuyện. Ông kể: “Lúc mới bệnh xong, tôi nhìn chữ cũng không biết là chữ gì. Giờ dịch thơ nhiều lúc tôi đau đầu lắm”.

Nhưng chỉ vài năm sau ông nhận ra mình có thể thức giữa đêm khuya để làm việc. Sự yên tĩnh tuyệt đối có thể giúp ông tập trung và làm việc lại như cũ. Ông mê thơ Đường, dịch say mê, kỹ lưỡng từng bài thơ Chiêu Anh Các thời trước. Có khi ông phải mất nhiều tháng để nghĩ ra một từ cho các bài thơ “thuận - nghịch đọc”(đọc xuôi, ngược đều có nghĩa) rất khó dịch.

Giới văn nghệ Kiên Giang nhắc đến thơ Chiêu Anh Các là nhắc tới nhà nghiên cứu Trần Phình Chu đã có kỳ công dịch hơn 60 bài. Từ 0g đến 4-5 giờ sáng mỗi ngày ông chong đèn ngồi chỉnh sửa, kỹ lưỡng tra cứu, cố gắng hiểu biết rồi dịch từng từ cho bài thơ đã chọn. Những cơn đau đầu đến bất chợt, nhiều lúc sự quên nhớ làm ông lẫn lộn, nhưng ông vẫn thường lắc đầu: “Có bài tôi dịch xong, tháng sau lấy ra đọc lại bực với chính mình, không hài lòng chút nào, cứ thấy từ này từ kia mình dùng sai, không hợp ý tác giả”.

Cứ như thế, nhưng từ ngày đau bệnh chưa kỳ nào ông bỏ tạp chí Chiêu Anh Các vắng bóng mục dịch thơ cũng chỉ vì một tâm niệm: “Tôi giữ mục thơ, rồi tôi viết về nghề huyền, đồi mồi là để người nơi khác biết về Hà Tiên, yêu quý Hà Tiên. Rồi nếu tôi làm người ta thấy không hay thì họ sẽ làm cho nó hay hơn nữa”.

Nhà ông ở giữa phố Chi Lăng rất hiền hòa của Hà Tiên. Chiều chiều, thỉnh thoảng ông đi tập thể dục quanh xóm, đi thăm mấy nhà còn làm đồ huyền mỹ nghệ với mấy người quen đã bỏ nghề đồi mồi. Ông giáo già ấy đi qua những thăng trầm của đất Hà Tiên, giản dị ngồi bên hiên nhà nhìn những nghệ nhân đồi mồi miệt mài làm việc, ghi chép lại những “tự truyện” sống động của nghề. Cũng từ hiên nhà đó, ông lắng nghe tiếng thở của nghìn xưa vọng lại trong những bài thơ đêm đêm ông vẫn miệt mài dịch...

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên