14/12/2004 00:02 GMT+7

Người lính anh hùng trong thời bình

  Ghi chép của VIỆT HOÀI
  Ghi chép của VIỆT HOÀI

TT - Đã có rất nhiều anh hùng sinh ra từ khói lửa chiến tranh. Nhưng trong hòa bình cũng có những người lính anh hùng. Họ không giáp mặt với kẻ thù nhưng lại đối diện với biết bao vấn đề ngổn ngang của cuộc sống.

W6VtpK3Z.jpgPhóng to
Anh hùng Trần Văn Loan, trưởng đoàn kinh tế quốc phòng 379, Quân khu 2 - Ảnh: Việt Hoài
TT - Đã có rất nhiều anh hùng sinh ra từ khói lửa chiến tranh. Nhưng trong hòa bình cũng có những người lính anh hùng. Họ không giáp mặt với kẻ thù nhưng lại đối diện với biết bao vấn đề ngổn ngang của cuộc sống.

Họ mặc quân phục, không nổ súng nhưng phẩm chất anh hùng vẫn lấp lánh. Đó là một trong những điểm đáng nhớ đọng lại trong cuộc gặp gỡ các thế hệ anh hùng được tổ chức tại Hà Nội vào các ngày 10, 11 và 12-12 vừa qua.

Chiến công thầm lặng

Đã là thời bình nên những bộ lễ phục mùa đông của lính - dẫu là lễ phục - vẫn có cái gì đó thô vụng, lóng ngóng giữa phố phường Hà Nội rực rỡ sắc màu. Rất nhiều huân huy chương trên những ngực áo lính cùng với vẻ mặt khắc khổ, hiền lành khiến họ càng hòa lẫn vào nhau.

Chỉ có thể biết được họ đã là anh hùng như thế nào qua những câu chuyện kể giản dị, và được người trong cuộc bổ sung một cách ngượng ngùng “lúc ấy là lính thì ai chả làm thế”.Những gương anh hùng như La Văn Cầu, Phùng Văn Khầu, Nguyễn Thị Chiên, Lê Mã Lương, Phạm Tuân... hầu như ai cũng đã biết qua sách giáo khoa, qua báo chí, truyền hình. Nhưng đó chỉ là những cái tên trong muôn vàn những anh hùng có tên và vô danh.

Ở cuộc gặp mặt của thời bình qui tụ đầy đủ các anh hùng quân đội của 60 năm, người ta thấy xuất hiện rất nhiều anh hùng với chiến công thầm lặng mà vẫn không bị lịch sử quên lãng.Tìm kiếm cất bốc 237 mộ ở rừng già chiến khu Đ, dọc tuyến Tây Nam 193 mộ, qui tập các liệt sĩ là con em tỉnh Đồng Nai về nghĩa trang tỉnh 457 mộ, qui tập 550 mộ liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ, tham gia qui tập hàng chục mộ liệt sĩ tập thể... đó là kết quả công việc mà trung tá Phạm Hạnh Phúc - anh hùng quân đội của thời bình -đã âm thầm thực hiện từ sau ngày chiến tranh kết thúc.

Chàng trai Hà Tĩnh vốn là cựu sinh viên kiến trúc này đã ra khỏi chiến tranh mà không hề bị một vết đạn, trong khi bạn bè anh hầu hết nằm lại ở chiến trường miền Đông. Cấp trên cho anh về Hà Nội học tiếp đại học nhưng anh từ chối, vì thấy mình bỏ đi là có tội với hương hồn đồng đội.

Vậy là 29 năm nay anh balô trên vai đi làm công việc mà anh gọi là “bắc cầu thời gian” - nối quá khứ với tương lai bằng cách đi khắp các cánh rừng miền Đông, quần nát từng gốc cây ngọn cỏ ở biên giới Tây Nam để tìm ra dù chỉ là một mảnh di hài hay một chiếc biđông, một con dao... dấu vết cuối cùng của những đồng đội vô danh. Trung tá Phạm Hạnh Phúc nói: “Năm nay tôi 58 tuổi, hai năm nữa sẽ về hưu, nhưng tôi chỉ hưu chức vụ quân đội thôi chứ không hưu đi tìm đồng đội tôi. Còn sống ngày nào tôi còn tìm kiếm họ.

Làm sao tôi có thể sống mà không nhớ đến những người đã ngã xuống, không đi tìm họ. Nghĩa vụ của tôi, của những người như tôi là phải làm thế nào để sự hi sinh của những người đã nằm xuống không trở thành vô nghĩa, không bị rơi vào quên lãng”.Những người anh hùng của thời đổi mới luôn được gắn với hình ảnh những trí thức trẻ giàu sáng tạo hay những doanh nhân năng động. Nhưng những người lính anh hùng của thời bình không có được hào quang ấy.

Họ làm việc âm thầm ở những nơi rất xa, rất hẻo lánh, những nơi mà người dân chưa biết tiêu tiền và bộ đội đồng nghĩa với thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư khuyến nông, bác sĩ thú y, người làm thuê (không công)...

Oj8udv4r.jpgPhóng to
Anh hùng và các bà mẹ VN anh hùng - Ảnh: V.Dũng
Đánh giặc... đói nghèo

Người vợ tần tảo của trung tá Trần Văn Loan - trưởng đoàn kinh tế quốc phòng 379, Quân khu 2 - đã phải bật ra câu hỏi với người chồng của mình: “Em làm vợ anh có gì không phải mà tự nhiên anh lại xung phong lên tận miền núi biên giới Lai Châu?”.

Trung tá Loan không biết trả lời vợ thế nào vì anh đi biền biệt, con anh đã học đến năm thứ nhất Học viện Lục quân cũng là do một tay chị nuôi dạy. Hơn 20 năm là vợ chồng, họ chỉ ở với nhau tổng cộng ba năm. Và bây giờ anh lại đi.

Nhưng không thể không đi vì anh thấy “đến tận bây giờ mà đồng bào miền núi vẫn nghèo, vẫn lạc hậu quá. Rừng Lai Châu mùa khô sáng rực cả đêm, khói bụi bay mù mịt vì lửa cháy rừng. Càng đói càng đốt rừng, phá rừng. Và càng đốt phá rừng thì càng nghèo đói. Cái vòng luẩn quẩn ấy không thể thoát ra được nếu không có người đến tận nơi, vào tận bản, bốn cùng năm có với bà con”.

Bốn cùng mà trung tá Loan đặt ra cho những chiến sĩ của mình là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; còn năm có là “có nhiệt tình, có trách nhiệm, có tâm huyết, có kinh nghiệm, có sức khỏe” để thực hiện nhiệm vụ khó khăn gian khổ. Bà con người Mông ở Mường Nhé, Lai Châu không bao giờ có thể quên được những người lính vác balô đi bộ qua đèo “Mẹ ơi” (từ chân đèo đến đỉnh đèo người khỏe đi một mạch cũng mất đúng nửa ngày, và lên đến đỉnh thì ai cũng mệt đứt hơi mà kêu mẹ ơi!), vào từng nhà vận động bà con nuôi lợn, trồng lúa nước.

Những người lính cũng đã từ chỗ chỉ biết chỉ huy bảo gì làm nấy đến chỗ biết pha thuốc cho trẻ con bị ốm bằng bát (sách dạy pha bằng cốc nhưng cả bản chả có cái cốc nào), biết bẻ nanh lợn sữa để lợn mẹ khỏi đau mà cho con bú.

Trung tá Loan từ bé chỉ đi học rồi vào bộ đội, chưa một lần biết đi cấy, đi cày, vậy mà rồi cũng phải tự tay lội ruộng cấy mạ làm mẫu cho bà con. Ở nơi xa xôi hẻo lánh này, những sự dạy dỗ cao siêu chẳng có chút giá trị nào, bà con chỉ nhìn vào những gì các anh làm. Và muốn được bà con tin theo thì người lính phải làm được tất cả.Cũng như thế, những chiến sĩ biên phòng ở bản Rào Tre, Hương Khê, Hà Tĩnh còn phải vào rừng tìm kiếm từng người dân tộc Chứt - một dân tộc nếu không được bảo tồn sẽ có nguy cơ diệt vong - để vận động bà con định cư.

44 năm trước, đồng đội của họ là anh hùng Võ Hữu Tuyên đã tìm ra người Chứt, tộc người thiểu số ở tây Trường Sơn còn đang sinh sống bằng săn bắn và hái lượm, do họ ở trong hang, trải lá vàng làm chiếu nên ông Tuyên gọi họ là người Lá Vàng - các nhà nhân chủng học sau cũng gọi theo.

Hôm nay các đồng đội của ông Tuyên lại tiếp tục vận động bà con làm nhà, nằm màn, trồng cây, nuôi gà nuôi lợn để sống một cuộc sống ổn định. Đại tá anh hùng Võ Trọng Việt của đồn biên phòng 575 kể lại: “Chúng tôi đã phải mở “chiến dịch xà phòng” để vận động bà con. Lúc đầu chúng tôi vào bản hỏi không ai trả lời, nói không ai nghe, không biết là họ không hiểu hay không muốn trả lời nữa.

Rồi chúng tôi phải gây sự chú ý bằng cách mang xà phòng ra suối tắm, bọt xà phòng trắng xóa làm trẻ con tò mò ra xem, hôm sau nữa thì các em đồng ý để chúng tôi tắm cho, sau nữa thì cha mẹ chúng ra xin xà phòng về tắm... thế là làm quen được”.

Khám bệnh cũng thế, trồng cây cũng thế, tất cả đều phải là bộ đội làm trước, thử trước, bà con có tin mới làm theo. Bộ đội còn phải vận động bà con ăn uống cho điều độ. Không ai có thể hình dung được là đến giờ này mà một gia đình người Chứt vẫn còn có thể ăn hết 1 tấn lúa trong... ba ngày.

Có lúa là họ mang đi đổi rượu uống bằng hết mới thôi. Khái niệm “để dành cho ngày mai” không tồn tại đối với đồng bào...Những câu chuyện của người lính - dù là thời bình - không có những con số to tát và choáng ngợp, chỉ là: “Chúng tôi cố gắng vận động mỗi hộ chỉ ăn hết mỗi tháng 1 tạ gạo thôi, không đem đi đổi rượu nữa”, “Đồn chúng tôi góp mỗi người 50.000 đồng tiền lương mua cho bà con một cái máy bơm nước”, “Mường Nhé bây giờ đã có hơn chục hộ giàu nhờ chăn nuôi”, nghe mà trào nước mắt vì thương mến và cảm phục.

  Ghi chép của VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên