Thảm hoa tam giác mạch trắng muốt bên ngôi nhà trình tường đất vàng của người Mông ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang trong tranh của Ekachai
Trực họa về nguyên tắc không chỉ ghi nhận khung cảnh nhìn thấy trong chuyến đi, mà quan trọng là khám phá để hấp thu được năng lượng và sự sống trong thiên nhiên từ ánh sáng, màu sắc, nhiệt độ, gió, mưa..., rồi liên hệ với tâm hồn, cảm xúc. Đó là một cuộc đối thoại liên tục, lý thú.
Họa sĩ Ekachai Luadsoongnern Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Cầm cọ từ 35 năm nay, theo trường phái ấn tượng thời kỳ đầu, ngao du để vẽ khắp Thái Lan đến châu Mỹ, châu Âu rồi quay về châu Á. Vẽ Nhật Bản, Lào và nay chọn Việt Nam để kỷ niệm 35 năm theo nghề vẽ.
Đó là hành trình của họa sĩ Ekachai Luadsoongnern, người Thái Lan.
Đam mê vẽ cổ thụ Hà Nội
Ngày 28-6-2018, lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội lại đúng vào những ngày nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời 36-38 độ C. Thấy tôi cám cảnh cho anh, lạ thay, Ekachai cười hiền bảo nắng nóng như thế là một... may mắn.
Rồi anh nhờ tôi đưa đến những nơi có cổ thụ. Tôi liền đưa anh đến hồ Gươm, công viên Bách Thảo, đền Voi Phục, đền Quán Thánh, phố Phan Đình Phùng... Anh phấn khích, luôn miệng reo "Tuyệt vời!".
Mỗi khi thấy một cổ thụ, Ekachai mắt sáng rực, hoạt bát hẳn lên. Anh đi vòng quanh ngắm thân mốc thếch, xù xì, cành, lá sum sê, rậm rạp, có khi anh ngồi xếp bằng dưới gốc cây thiền định một lúc rồi mang họa cụ ra ngồi vẽ say sưa.
Lý giải việc đam mê vẽ cổ thụ, Ekachai tâm sự: "Những cổ thụ chính là sợi dây gắn kết nhiều thế hệ con người. Nó lưu giữ ký ức, là minh chứng cho tình yêu thiên nhiên của con người. Nhìn những cổ thụ, tôi vừa thấy chuyện thiên nhiên, môi trường vừa thấy chuyện nhân học, chuyện quy hoạch, chuyện chính trị...".
Chính vì thế mà anh bảo may mắn khi lần đầu tiên đến Hà Nội được đón bằng những ngày nắng nóng. Trời nắng để kiểm chứng cho cảm xúc của anh rằng Hà Nội nhiều mảng xanh, nhiều cổ thụ nên không khí dịu lại, đẹp hơn, nắng nóng chứ không nắng ngột ngạt như Bangkok nơi anh sống. Anh gọi đó là nắng trong bóng râm.
Kể từ đó, hơn tám tháng nay, đều đặn tháng nào anh cũng sang Việt Nam ở đến gần 30 ngày để đi khắp nơi vẽ phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Vẽ hết muỗm, đa, sấu, xà cừ, đại... cổ thụ ở Hà Nội, Ekachai ngồi ôtô, rong xe máy lên Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) khám phá văn hóa Dao, Mông, Hoa..., vẽ tam giác mạch, biển đá đen, nhà trình tường; đến huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, huyện Bá Thước, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) ở nhà người Thái, người Mông khám phá văn hóa và vẽ nếp nhà sàn lẩn khuất trong rừng đào, rừng mận, trôi trong sương, trong biển lúa...
Cảnh đẹp nào cũng chứa đựng thiên cảm và nhân cảm. Thế nên đi đến đâu có cảnh đẹp, anh cũng tìm nhà dân để cùng ăn, cùng ở, cùng làm nhằm trò chuyện, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của họ, kết bạn với họ.
Anh bảo nhờ cảm xúc của những tình thân với người bản địa, các bức tranh anh vẽ sẽ đẹp hơn, sâu hơn, hồn cốt hơn. Thế nên ở nhà anh Khà Ngọc Luyện, người Thái Đen ở bản Vạn Mai, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình một tuần, anh vẽ được cả chục bức tranh và thu nạp được bao nhiêu ký ức.
Từ năm tháng nay, nhà anh Phạm Huy Thông ở phố Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội không chỉ là không gian thoải mái cho Ekachai mỗi lần sang Việt Nam sáng tác, mà bố của Thông còn là người bạn tâm đầu ý hợp với Ekachai trong những bữa bia hơi, những cuộc cờ tướng.
Và anh mê quán bún chả ở đầu ngõ đến độ cứ hôm nào tôi thấy anh rủ "đến nhà Thông ăn trưa" là y như rằng sẽ ra quán bún chả!
Cảnh cây xà cừ rủ bóng bên hồ Gươm trong tranh của Ekachai
Vẽ tranh phong cảnh bằng tình yêu thuần khiết
Ekachai tốt nghiệp khoa vẽ, điêu khắc và đồ họa Đại học Silpakorn, Bangkok năm 1984. Sở trường của anh là vẽ tranh phong cảnh bằng chất liệu sơn dầu, màu nước trên nhiều khổ. Anh tâm sự: "Đam mê trọn đời của tôi là du ngoạn những nơi có phong cảnh đẹp và vẽ".
Xem tranh của anh, người ta thấy không gian sống động, mãnh liệt, chính xác, rất chi tiết. Điểm ấn tượng nữa là sự miêu tả cảm xúc, không gian và ánh sáng tự nhiên hòa trong cách vẽ. Thế nên chỉ hai năm sau khi ra trường, năm 1986 Ekachai đã có triển lãm cá nhân đầu tiên và rất thành công.
Sơn dầu là chất liệu chủ yếu của Ekachai vì bền và màu tự nhiên sắc nét, rực rỡ. Tất cả yếu tố đều góp phần vào chất lượng và vẻ đẹp của tác phẩm; vải lanh hấp thu được độ ẩm, chuyển nhiệt nhanh, linh hoạt, bền bỉ với khí hậu nên ăn màu hiệu quả và không bị vỡ vụn khi khô.
Triển lãm Việt Nam: Nắng trong bóng râm
Việt Nam: Nắng trong bóng râm của Ekachai Luadsoongnern là triển lãm đầu tiên của một họa sĩ Thái Lan vẽ Việt Nam, trưng bày hơn 40 bức tranh phong cảnh chọn lọc từ hàng trăm bức họa sĩ đã vẽ phong cảnh ngoạn mục, bát ngát, thơ thới ở Hà Nội và các vùng Đông Bắc, Tây Bắc của Việt Nam. Triển lãm diễn ra từ ngày 3 đến 9-3 tại 29 phố Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Ekachai vẽ đồi hoa tam giác mạch trải thảm ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang - Ảnh: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
Duyên lành đưa Ekachai đến Việt Nam được bắt đầu từ ông Tira Vanictheeranont là nhà sưu tầm nghệ thuật người Thái Lan, chủ phòng tranh 333 Thái - Việt ở Bangkok. Ngoài sáu cuộc triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trưng bày các tác phẩm sưu tầm được, ông Tira còn đam mê bắc nhịp cầu mỹ thuật Thái - Việt. Ông đã tổ chức gần 20 cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam, các họa sĩ Thái Lan vẽ về đất nước, con người Việt Nam.
Lần này, ông dẫn Ekachai Luadsoongnern, một trong những họa sĩ vẽ phong cảnh hàng đầu Thái Lan, sang vẽ Việt Nam. Và triển lãm Việt Nam: Nắng trong bóng râm giới thiệu kết quả ngọt ngào của hành động đẹp ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận