![]() |
Nhà văn Trang Thế Hy - Ảnh: N.Hồ |
Không gian của anh là không gian nghèo hèn của những xóm lao động ngoại ô, trong ngôi nhà của những người đàn bà chuyên sống bằng nghề “nuôi em út”, nơi giữa đêm giao thừa vẫn nghe được “tiếng thùng khua và tiếng nước đổ vào lu ở tầng dưới nhà bên cạnh”, và nơi ấy có một cô gái “chơi bời”, một cô gái giang hồ biết nói với anh rằng “em biết thân em lắm”.
Cô gái ấy đột ngột trở lại vào một ngày cuối năm sau thời gian dài biệt tăm “đi làm ăn” và bỗng có cái khát khao sang trọng bất ngờ, bỗng thấy “thèm thơ”, bỗng đòi anh làm cho cô một bài thơ... Và anh chàng thi sĩ đã lâu lắm không còn làm thơ, không còn chút cảm hứng thơ nào, bỗng “nghe trong lòng một niềm vui mong manh đang thức dậy” và bỗng thấy “thèm làm thơ một cách đáng gọi là làm thơ”...
Vậy đó, Trang Thế Hy nói rằng không phải một cô gái trong trắng mà là một cô gái điếm ê chề, hoặc đúng hơn, cái chất ngọc vẫn còn trong veo trong cô gái bán hoa đã nhàu nát lắm ấy, là nguồn cảm hứng thơ chân chính của anh. Tôi nghĩ có thể coi cái truyện ngắn tuyệt diệu này, Thèm thơ, là tuyên ngôn nghệ thuật nghiêm túc của Trang Thế Hy.
Trang Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên, hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất của nghèo khốn. Và tôi muốn nói điều này: thấy được và ngợi ca những vẻ đẹp hùng tráng, tất nhiên cũng cần lắm nhưng dễ hơn nhiều. Tìm ra được cái đẹp nhỏ nhoi, không tên kia mới khó, cần rất nhạy, rất tinh, và có lẽ còn quan trọng hơn nữa, cần một tấm lòng nhân ái sâu xa lắm, một chất nhân văn không ồn ào, cường điệu mà đậm đà lắm.
![]() |
Sách do NXB Văn Hóa SàiGòn phát hành, vừa kịp ngày nhà văn 82 tuổi (2910) - Ảnh: M.Đ |
Còn một điều này khiến họ gần gũi với nhau nữa: cả hai đều là những người cầm bút vừa có Nho học vừa có Tây học uyên thâm. Chỉ cần hơi tinh một chút để nhận ra chất trí thức Tây học ở Trang Thế Hy. Và có điều rất thú vị: chính sự thâm thúy văn hóa phương Tây đó khiến cho những người cầm bút thấm nhuần được nó lại tha thiết, mặn nồng quay về nâng niu những giá trị dân tộc và địa phương. Dường như chính vì họ có hiểu biết sâu rộng về văn hóa nhân loại nên họ càng nhìn ra rõ hơn giá trị của văn hóa bản địa, và muốn nâng nó lên thành một phần nữa của những giá trị ấy mà nó không hề thua kém chút nào...
Làm được như vậy chính là vì đằng sau người cầm bút đó có một cái nền rất rộng, rất sâu, rất vững chắc. Đọc Trang Thế Hy, chính vì vậy, mà thú thật, tôi vừa vui vừa cảm thấy một chút... lo và buồn: những người cầm bút có được sau lưng mình một cái nền như vậy ngày nay có còn không? Có một cái nền rộng, lớn, sâu như vậy để mà suốt đời viết rất ít, khiêm nhường, cái khiêm nhường của người biết rất nhiều, chỉ người biết thật rất nhiều mới có được.
Một cái nền rất sâu, rất rộng, để mà viết về những cái rất nhỏ, rất âm thầm, rất địa phương, rất bản địa. Có lẽ chỉ có như vậy thì mỗi nhà văn mới làm được cái việc mà người ta gọi là “đóng góp” vào gia tài chung của văn hóa, văn học dân tộc và thế giới.
Ngày nay hình như người ta viết mạnh mẽ hơn, bạo dạn hơn, xông xáo, ồn ào hơn, liều lĩnh hơn..., đều rất quí. Nhưng một cái nền cho tất cả những cái đó, mong sao cũng có được như thế hệ Trang Thế Hy từng có. Và để có được cái nền đó, vậy mà là cả một công cuộc lớn, và có thể cả lâu dài lắm, tôi nghĩ vậy.
Trang Thế Hy, do vậy không chỉ để lại cho chúng ta một sự nghiệp sáng tác rất quí, anh còn để lại một bài học lớn. Tôi muốn được gọi anh là một “người hiền” của văn học Nam bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận