27/04/2021 19:59 GMT+7

Bàng hoàng nghe lời khinh miệt: ‘Ơ, con trứng kia điếc sao mà gọi không nghe’

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Hơn 60 tuổi, có hơn 20 năm bán hàng rong mưu sinh ở Hà Nội, thỉnh thoảng bà Trần Thị An vẫn bàng hoàng khi nghe người Hà Nội buông lời khinh miệt: ‘Ơ, con trứng kia điếc sao mà gọi không nghe’.

Bàng hoàng nghe lời khinh miệt: ‘Ơ, con trứng kia điếc sao mà gọi không nghe’ - Ảnh 1.

Bà Trần Thị An cùng những người lao động di cư khác chia sẻ những cảm nhận về Hà Nội của mình - Ảnh: T.ĐIỂU

Câu chuyện của bà An tại buổi tọa đàm Hà Nội trong mắt người lao động di cư, do Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 27-4 ở Hà Nội khiến nhiều người tức giận thay cho bà, nhưng rõ ràng điều ấy chẳng lạ với những người dự tọa đàm, những người từng sống ở Hà Nội.

Hà Nội bảo thế là thường

Ngoài "đặc sản" bún mắng, cháo chửi đã trở thành "thương hiệu", đâu đó nơi phố phường, góc chợ của thủ đô, rất nhiều khi có thể bắt gặp những câu nói khó nghe được "văng" vào mặt những bà, những cô, những chị bán hàng rong.

Bà An nói những lúc nhận được câu nói "chạnh lòng" ấy, bà lại buồn lòng nghĩ "sao người thành phố khiếp quá?". Trong ý nghĩ của người đàn bà nhà quê lam lũ thì người thành phố ăn mặc đẹp thế, lịch sự thế, được học hành đầy đủ cả, mà lại ăn nói như thế ư?

Tất nhiên, đó không bao giờ là tất cả khuôn mặt của Hà Nội.

Hơn 20 năm mưu sinh bằng xe hàng rong ở Hà Nội, bà An cũng có nhiều người bạn, nhiều khách quen hiểu và tôn trọng bà cùng công việc của bà, đối đãi với bà bình đẳng, thân thiện.

Trương Văn Sô (người Chăm ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận), có hơn 6 tháng sống và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội, đã may mắn hơn bà An khi chưa phải nếm những trải nghiệm đắng như vậy về thành phố vẫn được tự hào "dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Ngược lại, anh Sô còn rất thích thú với mảnh đất cổ kính này, với những con người tốt bụng, dễ mến.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh Sô nói chị chủ nhà là một người Hà Nội rất tốt, thay vì cho anh thuê nhà thì đã cho ở nhờ miễn phí. Nhiều bạn bè Hà Nội khác cũng giúp đỡ anh Sô rất nhiều để anh làm quen với thành phố này.

Lúc đầu anh Sô cũng sốc vì cách nói tưởng như "hơi to", hơi nạt nộ của một số người trong những tình huống vốn chẳng có gì phải to tiếng với nhau, nhưng rồi anh Sô hiểu rằng đó chỉ là sự khác biệt văn hóa giữa các vùng miền thôi, rằng cách nói đó thì "Hà Nội bảo thế là thường".

Tuy thế, anh Sô cũng mong rằng người Hà Nội có thể cởi mở hơn với người lao động di cư, nhìn người di cư ở nhiều khía cạnh hơn để thấu hiểu về họ. "Tôi mong mọi người đều chậm lại để hiểu nhau hơn", anh nói.

Và một Hà Nội phía sau lớp mặt phố hào nhoáng

Ông Lê Quang Bình - điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống - từng tới Hà Nội như một người nhập cư nên giai đoạn đầu với ông, Hà Nội là mặt phố, chỉ thấy những hàng quán hào nhoáng bên ngoài mặt tiền.

Nhưng rồi, cũng giống như anh Sô, những người bạn Hà Nội của ông Bình dần dần cho ông thấy được lớp đời sống với rất nhiều yêu thương và đầy thú vị của Hà Nội phía sau mặt tiền ấy.

Ông cũng thừa nhận cách mà nhiều người đang sống ở Hà Nội ứng xử với người lao động di cư chưa thật thân thiện, chưa đủ tử tế do định kiến gây ra.

"Miền Bắc, những định kiến người nhà quê, người thành phố, người Hà Nội gốc với người nhập cư khá nặng nề, có thể ảnh hưởng rất lớn đến cách mọi người đối xử với nhau, trong cuộc sống hằng ngày và trong cả chính sách về hộ khẩu, an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công", ông Bình nói với Tuổi Trẻ Online.

Theo ông, những người lao động di cư mặc dù có đóng góp rất nhiều cho kinh tế địa phương, cho sự phát triển của thành phố nhưng chưa được đáp lại xứng đáng với những đóng góp của họ.

Ông cho rằng người Hà Nội cần phải mở hơn, bớt định kiến với lao động di cư thì mảnh đất này sẽ thu nạp được nhiều hơn những tài năng, trí tuệ từ khắp mọi nơi để làm giàu có hơn cho mình cả về kinh tế và văn hóa.

Còn Nhà nước cũng sẽ nhìn thấy đóng góp của lao động di cư để thấy trách nhiệm của mình với bộ phận những người lao động di cư này, để họ được tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn như họ xứng đáng được hưởng.

Dòng di cư từ nông thôn đổ về, đô thị lớn gánh áp lực quá tải Dòng di cư từ nông thôn đổ về, đô thị lớn gánh áp lực quá tải

TTO - Các đô thị lớn, sôi động vốn được xem là "miền đất hứa" cho người dân ở các vùng quê nghèo muốn "thoát ly" lập nghiệp, đổi đời. Tuy nhiên, dòng di cư này đang ngày càng khiến các đô thị trở nên quá tải và gánh nhiều áp lực.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên