22/12/2014 17:59 GMT+7

​Người “giữ lửa” xóm rẫy Cụ Hồ

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Ở trung tâm TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) có một căn cứ cách mạng lộ thiên được hình thành từ năm 1946, khi Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đó là xóm rẫy Cụ Hồ.

Ông Bé “rẫy” (phải) và ông Võ Hưng Thông kể chuyện lực lượng vũ trang tập luyện trước chùa Ông chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và toàn quốc kháng chiến - Ảnh: V.Tr.
Ông Bé “rẫy” (phải) và ông Võ Hưng Thông kể chuyện lực lượng vũ trang tập luyện trước chùa Ông chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và toàn quốc kháng chiến - Ảnh: V.Tr.

Năm 2002 nơi này được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh nhờ công sức của người cựu chiến binh Võ Hưng Thông.

Năm nay đã 80 tuổi, ông Thông và người bạn Trần Văn Bé (77 tuổi, còn gọi là Bé “rẫy”) vẫn miệt mài đi tìm tư liệu để làm dày thêm trang sử hào hùng của xóm rẫy Cụ Hồ ngày xưa. Họ còn tình nguyện làm “hướng dẫn viên” kể chuyện về di tích này cho các đoàn viên, sinh viên, học sinh nghe mỗi khi các bạn về nguồn.  

* Hai ông già “gân”

Ông Trần Quang Tòng, phó chủ tịch UBND P.2, TP Sa Đéc, cho biết xóm rẫy Cụ Hồ bây giờ thuộc khóm 2, có trên 400 hộ dân sinh sống.

Người cố cựu tại xóm rẫy xưa như ông Bé “rẫy” giờ rất hiếm. Mặc dù nơi này đã được công nhận là di tích, chùa Ông cũng được đầu tư tôn tạo nhưng chỉ là chắp vá, bên trong vẫn chưa đụng đến, giờ nhiều thứ đã mục nát vì đã tồn tại trên 200 năm.

Ông Thông và ông Bé “rẫy” đưa chúng tôi đến chùa Ông nằm cạnh sông Ngã Bát. Đây là dấu tích hiếm hoi còn lại của xóm rẫy Cụ Hồ ngày xưa, được chọn đặt tấm bia đá ghi tóm tắt chiến công của dân và quân xóm rẫy.

Ông Bé “rẫy” kể nơi này từng là thao trường huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám 1945 và toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.

Còn chùa Ông là nơi trú ngụ của rất nhiều cán bộ cách mạng khi đi công tác ngang qua Sa Đéc. Chỉ tính riêng 10 năm kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang của xóm rẫy đã tiêu diệt 143 tên địch, trong đó có 26 lính Pháp.

Ông Thông tham gia bộ đội từ năm 16 tuổi, công tác ở ban mật vụ của huyện Châu Thành, sau đó về Tỉnh đội Đồng Tháp.

Ông kể: “Hồi những năm 1990 ở đây ít người biết về xóm rẫy Cụ Hồ. Ngay cả người viết sử của phường cũng không nắm bao nhiêu. Tôi đã đi tìm những người lớn tuổi để hỏi nhưng cũng chẳng còn mấy người.

May là khi gặp được ông Lê Công Thành, nguyên trung đội phó trung đội Đề Thám thuộc chi đội 18 ở xóm rẫy Cụ Hồ ngày xưa, nên mới biết được thông tin về những ngày đầu ở đây thế nào.

Sau khi tìm được nhiều thông tin, tôi đề xuất với địa phương đề nghị tỉnh công nhận di tích lịch sử. Năm 2002 UBND tỉnh quyết định công nhận, ngày đó tôi vui lắm”.

Còn ông Bé “rẫy” chào đời năm 1937 ngay tại xóm rẫy này. Ông nhớ rõ đó là vùng trồng rau cải rộng chừng 4ha bên sông Ngã Bát với khoảng 25 hộ dân.

Năm lên 9 tuổi, ông nhìn thấy cảnh lính Pháp và tay sai vác súng hùng hổ đi vào xóm đốt nhà, bắt gà, bắt heo. Lớn lên, ông tham gia cách mạng rồi khi nghỉ hưu lại sống ngay trên mảnh đất này nên được xem là nhân chứng sống hiếm hoi ở xóm rẫy Cụ Hồ.

Ông bảo nơi này là một căn cứ cách mạng rất đặc biệt vì không có hầm hay công sự, không có cây cối um tùm che chắn. Từ xa địch có thể quan sát rõ hoạt động bên trong xóm rẫy này.

Nhưng suốt từ năm 1946-1954 đã có hàng ngàn lượt cán bộ cách mạng, bộ đội đóng quân hoặc lưu lại tại đây mà địch không làm gì được, thậm chí còn sợ cóng chân khi nhắc tới.

Ông Bé “rẫy” (phải) và ông Võ Hưng Thông kể chuyện lực lượng vũ trang tập luyện trước chùa Ông chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và toàn quốc kháng chiến - Ảnh: V.Tr.
Ông Bé “rẫy” (phải) và ông Võ Hưng Thông kể chuyện lực lượng vũ trang tập luyện trước chùa Ông chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và toàn quốc kháng chiến - Ảnh: V.Tr.

* Miệt mài đi tìm… quá khứ

Lần giở những tờ giấy ghi chép đã ố vàng được cất giữ cẩn thận từ nhiều năm nay, ông Thông kể tiếp: Ngày 20-1-1946 Pháp quay trở lại đánh chiếm Vĩnh Long rồi Cái Tàu Hạ, Nha Mân.

Ủy ban kháng chiến Sa Đéc chọn chùa Ông trong xóm rẫy làm căn cứ bí mật để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Mấy ngày sau Pháp chiếm thành Sa Đéc.

“Tên gọi xóm rẫy Cụ Hồ cũng xuất hiện từ thời điểm đó. Thấy hình ảnh bộ đội Cụ Hồ gan dạ và hết lòng yêu thương, chăm lo bảo vệ dân, người dân xóm rẫy cũng sẵn sàng hi sinh để bảo vệ cán bộ cách mạng và bộ đội nên đặt tên cho xóm của mình là rẫy Cụ Hồ", ông Thông nói.

Những thông tin ông Thông tìm được liên quan đến xóm rẫy Cụ Hồ đều rất quý nên ông viết lại cho riêng mình, cho đảng ủy phường và gửi tạp chí Đồng Tháp xưa và nay đăng tải.

Còn theo trí nhớ của ông Bé “rẫy”, ban ngày nông dân ở xóm rẫy Cụ Hồ vẫn chăm sóc, thu hoạch rau màu bình thường. Trong số đó có cả những cán bộ cách mạng cải trang thành nông dân để qua mắt địch.

Trong kháng chiến chống Pháp, xóm rẫy Cụ Hồ luôn là một điểm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo hoặc các đơn vị quân đội khi hành quân ngang qua Sa Đéc.

Ông Bé “rẫy” kể: “Ở đầu xóm rẫy có nhà ông Tư Đồng làm trạm giao liên bí mật cho cách mạng.

Những cán bộ đã từng liên hệ và lưu lại xóm rẫy Cụ Hồ có ông Phạm Văn Bạch (chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ), Nguyễn Văn Nguyễn (giám đốc Sở Thông tin Nam bộ), trung tướng Nguyễn Bình…

Năm 1950, Tiểu đoàn 307 khi hành quân về miền Tây đã trú quân an toàn tại chùa Ông, ngay bên cạnh đồn bót địch”.

Nhắc đến Tiểu đoàn 307, ông Thông bồi hồi: “Vì tiểu đoàn rút đi vội nên để quên một số quân trang. Ông Hai Dư thấy vậy đã đem về nhà cất giấu. Bọn tay sai lục soát chùa Ông không phát hiện gì thì túa ra lục soát tất cả nhà dân.

Khi phát hiện số quân trang này tại nhà ông Hai Dư thì chúng bắt ông đem ra cầu Rạch Rắn bắn rồi thả trôi sông. Trong xóm có anh giao liên tên Tòng cũng bị địch bắt rồi xử bắn tại chỗ để cảnh cáo người dân”.

Ông Bé “rẫy” (phải) và ông Võ Hưng Thông kể chuyện lực lượng vũ trang tập luyện trước chùa Ông chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và toàn quốc kháng chiến - Ảnh: V.Tr.
Ông Bé “rẫy” (phải) và ông Võ Hưng Thông kể chuyện lực lượng vũ trang tập luyện trước chùa Ông chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và toàn quốc kháng chiến - Ảnh: V.Tr.

Gần đây ông Thông còn đi tìm thông tin, tài liệu về xóm rẫy Cụ Hồ trong kháng chiến chống Mỹ và phát hiện thêm nhiều câu chuyện sống động tại nhà ông Nguyễn Hữu Phước ở số 359 Nguyễn Sinh Sắc, P.2, TP Sa Đéc.

Ông Thông kể: ông Phước là một cán bộ cách mạng Khu 8, có bí danh T8. Nhà ông có xe tải chở hàng hóa, nông sản. Chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Khu 8 giao ông Phước vận chuyển vũ khí từ Lấp Vò đến Sa Đéc cho một đơn vị bộ đội.

Ông nghĩ ra cách mua mấy chai rượu whisky rồi rủ tên tay sai có “số má” là Mười Miêng đi bắc Cao Lãnh nhậu chơi. Khi ông này say quắc cần câu thì ông đưa lên xe chạy về Lấp Vò nhận cả trăm cây súng chở về Sa Đéc.

Bên ngoài được ngụy trang bằng các loại nông sản. Khi qua các chốt của địch, bọn lính thấy Mười Miêng ngồi trên xe thì không dám chặn lại.

Cứ thế, xe chở vũ khí về tới nhà an toàn mà không cần đem giấu. Tối đến, ông cho xe chạy tới điểm đã hẹn giao vũ khí cho một đơn vị bộ đội của quân khu.

Hai ông già “gân” Võ Hưng Thông và Trần Văn Bé giờ tuổi đã cao nhưng luôn sẵn sàng đến chùa Ông kể chuyện xóm rẫy Cụ Hồ cho bọn trẻ nghe khi nhận được thông báo. Ông Thông bảo mong ước cuối đời của ông là xóm rẫy Cụ Hồ được là di tích cấp quốc gia.

“Muốn vậy thì tỉnh cần phải sớm tổ chức thu thập tư liệu, hồ sơ thật nhiều. Làm trễ quá thì những nhân chứng qua đời thì sẽ khó”, ông Thông lo lắng.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên