12/03/2006 06:45 GMT+7

Người giữ hồn Chăm

VŨ HƯƠNG GIANG
VŨ HƯƠNG GIANG

TTCN - Là một trong những nhà nghiên cứu đóng góp rõ nét nhất cho văn hóa dân tộc Chăm, ở tuổi 71 nhưng chưa bao giờ nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng cho phép mình nghỉ ngơi.

K4oMhEe5.jpgPhóng to
NSND Đặng Hùng
TTCN - Là một trong những nhà nghiên cứu đóng góp rõ nét nhất cho văn hóa dân tộc Chăm, ở tuổi 71 nhưng chưa bao giờ nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng cho phép mình nghỉ ngơi.

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên đường Bạch Đằng (P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đầy ắp tiếng cười nói bi bô của hai đứa cháu từ “bên bển” vừa về thăm ông bà ngoại. Ông ngoại vẫn giọng sang sảng, vẫn dáng dấp “bùi bụi”, hoạt bát. Và vẫn cái tính đã quyết làm việc gì thì phải làm cho “ra ngô, ra khoai”.

Ở tuổi thất thập nhưng đã thành nếp, 4g sáng ông dậy vận động thân thể. Rồi đi làm bằng xe máy, thỉnh thoảng còn “bay” xuống tỉnh dàn dựng chương trình. Dù đã về hưu nhưng ông vẫn giữ cương vị phó chủ tịch đồng thời là chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM. Công việc đánh giá, thẩm định bất kỳ tiết mục nào cũng không thể thiếu ông.

Những năm tháng không quên

Sinh quán tại Bồng Sơn, Bình Định, năm 1954 ông theo Đoàn văn công Liên khu 5 tập kết ra Bắc. Dù mơ ước trở thành diễn viên múa nhưng ông chỉ được cử đi học lớp... phóng thanh. Rồi ra trường chuyển sang làm hậu đài. Nhưng định mệnh và cơ may đã không từ chối ông: năm 1958, lớp múa đầu tiên - tiền thân của Trường Múa VN - hình thành do chuyên gia người Triều Tiên Chu Huệ Đức trực tiếp giảng dạy.

Dù “không tới lượt mình” nhưng vì lòng đam mê, ông tìm cách gia nhập bằng được lớp học này. Vậy là ông đã có cơ hội tiếp cận với môn “nghệ thuật tuyệt diệu như đã ăn vào máu thịt tôi từ khi còn nhỏ”. Là học viên múa, ông hơn hẳn bạn bè nhờ năng khiếu bẩm sinh cùng tính kiên trì khổ luyện.

Khi xem ông múa có người từng nhận xét: “Y như đang lên đồng”. Bao nhiêu biểu cảm ông đều bộc lộ ra động tác. Sang học thêm múa dân gian bên Triều Tiên (1962), rồi Trung Quốc (1964), đến năm 1981 ông sang Bulgaria để được bổ sung về múa hiện đại.

Năm 1968, Đoàn văn công Quân giải phóng của ông được cử đi thăm và biểu diễn ở sáu nước bạn trong thời gian dài. Có thể nói những năm 1969-1973 là giai đoạn gian truân nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông khi ông được cử làm chuyên gia sang xây dựng Đoàn văn công Lào trong bối cảnh “ở trên đầu luôn là hàng tấn bom B52 rình rập”.

Trong khoảng thời gian đó ông miệt mài tìm tòi và nghiên cứu cái mới, cái lạ của người để chắt lọc thành cái mới, cái riêng của mình. Với ông, khái niệm giữa đương đại và hiện đại rất rạch ròi: hiện đại thì thiên về kỹ thuật, còn đương đại chỉ về thời gian: “Có người coi đáp số của múa hiện đại là phép cộng của múa VN với các loại hình múa tiên tiến trên thế giới.

Tôi thì phản đối. Múa hiện đại phải từ chính bản thân dân tộc đó toát ra”. Ông đúc kết: “Để một động tác có thể tồn tại, phải có quá trình vận động, rồi gạn lọc qua rất nhiều thời kỳ khi được hòa quyện cùng hơi thở của thời đại. Chính vì vậy mà tôi luôn căn dặn học trò của mình phải biết trân trọng từng động tác một dù nó rất đơn giản”.

Sau khi đất nước thống nhất, ông được Bộ Văn hóa phân công về xây dựng lại Đoàn văn công Chăm Thuận Hải. Thêm một lần nữa ông đưa cả gia đình về “cắm chốt” tại mảnh đất nghèo thiếu mưa thừa nắng ở cực Nam Trung bộ, lại trong giai đoạn khó khăn nhất dù lúc đó vợ ông đang là giảng viên âm nhạc tại TP.HCM.

Là trưởng Đoàn ca múa nhạc Thuận Hải (nay là Đoàn ca múa nhạc Biển Xanh), suốt 17 năm gắn bó với Bình Thuận, ông đã để lại một “gia tài” đáng nể: làm nổi đình đám một đoàn nghệ thuật mà trước đó chẳng mấy ai nhắc đến nhờ biết đánh thức một kho tàng văn hóa dân gian thể hiện qua những điệu múa Chăm. Ông là người có công hệ thống hóa các thế cơ bản về tay, chân, vai... trong các động tác múa Chăm, kể cả Chăm dân gian lẫn Chăm cổ điển.

Các điệu múa do ông biên đạo và dàn dựng như Khát vọng, Tiếng trống Paranưng, Đoa Pụ (đội nước), Dòng nước mát, Quà tặng em, Ước mơ, Vũ nữ Shiva... đã “ẵm” không biết bao nhiêu huy chương vàng của các cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Nhưng Khát vọng vẫn là tiết mục mà ông tâm đắc nhất vì thể hiện ước mơ vươn cao, bay xa tới tương lai tốt đẹp hơn của dân tộc Chăm.

Và giờ này, khi lật lại tập ảnh đã nhòe vì thời gian với hơn chục gương mặt diễn viên quen thuộc của Đoàn ca múa nhạc Thuận Hải như Thu Vân, Tuyết Anh, Lệ Anh, Mai Anh... ông vẫn nhớ như in “cái nết” của từng người. Trong số đó nghệ sĩ ưu tú Thu Vân để lại trong ông nhiều ấn tượng nhất. “Cô ấy bướng nhưng rất thông minh, với nghệ thuật thì hết mình và múa như bản năng vậy. Khát vọng là cái mốc mang đến vinh quang cho Vân vì cô ấy sinh ra để múa Chăm” - ông tự hào nói về cô học trò của mình.

Biển Xanh là “số 1”

qoJDMgmp.jpgPhóng to
Học trò của ông, NSƯT Thu Vân - người múa Chăm thành công nhất
Rời xa Bình Thuận hơn mười năm nhưng hầu như năm nào ông cũng được mời về tập huấn cho Đoàn ca múa nhạc Biển Xanh - đứa con tinh thần của ông. Về với đoàn, ông có cảm giác như về nhà mình. Sàn tập bây giờ rộng rãi, đúng chuẩn, không còn là “mảnh sân gỗ ọp ẹp, tí tẹo” nhưng thấm đẫm biết bao kỷ niệm với ông và anh em diễn viên trong đoàn như những năm xưa.

Chỉ cách đây chưa lâu, lại một lần nữa ông là người mang vinh quang đến cho Bình Thuận: Đoàn Biển Xanh gặt hái những thành công trong Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2005 tổ chức tại TP.HCM. Nhiều tiết mục do ông dàn dựng đoạt huy chương vàng, sánh ngang với các đoàn nghệ thuật cấp quốc gia như Ca múa nhạc nhẹ trung ương, Ca múa nhạc Thăng Long...

Không chỉ là các tiết mục múa Chăm sôi động, đầy chất lạc quan yêu đời trong nền nhạc của nhạc sĩ Vy Nhật Tảo mà ông còn thổi vào đấy hơi thở của thời đại: cuộc đấu tranh chống tham nhũng được ông khéo léo lồng vào tiết mục Đi tìm thần Shiva - đi tìm chân lý. Shiva là thần hủy diệt: hủy diệt, bài trừ cái xấu để xây dựng cái mới, cái tốt đẹp.

Thần Shiva xuất hiện trong biểu tượng linga. Và đây cũng là lần đầu tiên biểu tượng về sự sinh tồn của người Chăm (cùng với yoni) được đưa lên sân khấu. Kết thúc tiết mục là sự xuất hiện của bốn cô vũ nữ bê tượng thần Shiva với ý nghĩa đề cao chân lý.

Ngần ấy năm gắn bó với Bình Thuận, ông luôn canh cánh một điều: “Nơi ấy từng là máu thịt của tôi...”, và suốt quá trình làm nghề, đến nay ông đã sáng tác, dàn dựng múa cho gần 60 đoàn nghệ thuật trên toàn quốc; nhưng với ông chỉ có Đoàn ca múa nhạc Biển Xanh của Bình Thuận là “số 1”, bởi như ông lý giải: “Chúng tôi đã quá hiểu nhau!”.

VŨ HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên