08/10/2013 08:39 GMT+7

Người đứng sau những hiến kế cho giáo dục

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Là nhà khoa học nổi bật từ thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đương chức phó thủ tướng phụ trách mảng khoa học kỹ thuật, ấn tượng của GS Hoàng Tụy về Đại tướng là một con người “cao thượng, trung kiên mà khoáng đạt”. GS Hoàng Tụy chia sẻ:

FDMWY65c.jpgPhóng to
GS Hoàng Tụy - Ảnh: Việt Dũng

- Trước năm 2004, tôi cũng chỉ thi thoảng gặp Đại tướng, thường là trong buổi ông đến thăm cơ quan hay các buổi thảo luận về giáo dục - khoa học, và cũng đôi lần đến nhà riêng của Đại tướng. Cho nên tôi đã rất bất ngờ khi nhận được cú điện thoại từ Đại tướng vào một buổi chiều đầu năm 2004. Nghe chuông reo, tôi nhấc điện thoại: “Xin lỗi, ai gọi đấy?”. Phía đầu dây bên kia đáp lại: “Văn đây”. Vì bất ngờ, tôi cũng chưa định hình được “Văn” là ai, hoàn toàn không nghĩ đó là tướng Giáp. Tôi hỏi lại: “Văn nào ạ?”. “Võ Nguyên Giáp”.

Rồi ông bắt đầu nói tình hình giáo dục có nhiều vấn đề quá, xã hội bức xúc, năm nào người ta cũng phê phán giáo dục và phê phán rất đúng. Các anh cũng có nhiều ý kiến đóng góp, nhưng xem ra tình hình chưa lay chuyển được. Để tiếng nói có trọng lượng hơn, các anh phải tập hợp nhau lại, bàn thảo, nêu kiến nghị với trung ương.

Cảm giác trong tôi khi đó vừa mừng vừa vinh dự. Hội nghị trung ương 2 khóa VIII đã nêu giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tôi bắt tay ngay vào việc thực hiện lời khuyên của Đại tướng, nhanh chóng tập hợp được 24 người là trí thức trong nước và cả anh em Việt kiều.

Cuộc điện thoại của Đại tướng kéo dài chừng 10 phút, chủ yếu là thúc giục tôi đứng ra tập hợp nhân sĩ trí thức, nhưng sau đó tôi trực tiếp đến nhà ông để bàn thảo kỹ thêm. Tôi nhớ mãi lời Đại tướng nói, rất giản dị: “Tôi sẵn sàng tham gia nhóm với tư cách một thành viên...”.

* Kết quả của “phương án tác chiến đồng đội” có gì khác biệt so với trước đó, thưa GS?

- Vậy là thay cho những ý kiến, kiến nghị cá nhân, năm 2004 nhóm 24 người chúng tôi tổ chức năm buổi tọa đàm, mỗi buổi cách nhau chừng ba tuần, buổi nào cũng kéo dài liên tục từ 8g-12g. Hai buổi đầu chúng tôi thảo luận tại Viện Toán học, từ buổi thứ ba trở đi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - khi đó là ông Nguyễn Minh Hiển - mời chúng tôi làm tọa đàm tại Bộ GD-ĐT để lãnh đạo bộ ngồi nghe.

Toàn bộ ý kiến được đăng tải trên một website. Kết quả, chúng tôi đưa ra được bản kiến nghị với tiêu đề “Chấn hưng giáo dục - mệnh lệnh từ cuộc sống” và toàn văn bản kiến nghị đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ.

Phải nói tầm tư duy chiến lược của một vị tướng đã bày cho giới khoa học chúng tôi một cách làm mới, hiệu quả, thể hiện cái nhìn thao lược, uyên bác. Đại tướng tán thành ý kiến của chúng tôi, nhưng ông nhấn mạnh nếu chỉ là tiếng nói cá nhân thì chưa thể tạo ra sức mạnh chuyển biến cho lãnh đạo được.

* Nhưng bản kiến nghị đó cũng chưa đem lại hiệu quả như Đại tướng và nhóm các nhà khoa học mong muốn?

- Ròng rã mấy tháng trời tổ chức tọa đàm, Đại tướng luôn lặng lẽ đằng sau ủng hộ. Đúng là nhìn từ bên ngoài, xã hội có thể không thấy rõ ông đã đóng góp gì cho giáo dục. Nhưng với chúng tôi, sự khuyến khích, luôn được lắng nghe và đồng tình đã thúc đẩy cho ra đời những kiến nghị gây tiếng vang. Năm 2005, Đại tướng tặng tôi cuốn sách Điện Biên Phủ với bút tích: “Hi vọng các nhà giáo dục sẽ lập được chiến thắng Điện Biên Phủ trên mặt trận giáo dục”.

Điều đáng tiếc, dù được nhiều người hưởng ứng, đề cập những vấn đề quan trọng như Đại tướng nói là cuộc cách mạng thật sự, nhưng việc thực hiện kiến nghị chẳng đi đến đâu. Nhưng những ý tưởng đó vẫn ấp ủ, tiếp nối trong bản kiến nghị sau này, cũng như những đóng góp của chúng tôi cho đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang được trình trung ương...

* Như GS nói, Đại tướng sẵn sàng là một thành viên trong nhóm học giả hơn 20 người. Những tư tưởng nào về giáo dục của Đại tướng khiến GS tâm đắc nhất?

- Thuận lợi cho chúng tôi khi Đại tướng là một nhà giáo lịch sử, có vốn học thuật uyên thâm. Có lần, chính Đại tướng tâm sự nếu không làm cách mạng thì ông sẽ là một nhà giáo. Có ba điều ông luôn nhấn mạnh trong những buổi làm việc với nhóm. Thứ nhất, lâu nay ta vẫn nghe ông Lý Quang Diệu của Singapore nói có thắng trong giáo dục mới có thể thắng trong kinh tế. Thật ra, Đại tướng nhiều lần khẳng định: giáo dục cứ mãi thế này thì kinh tế không làm ra trò gì được. Thứ hai, phải hướng đến sự công bằng, dân chủ trong giáo dục một cách trọn vẹn, đầy đủ. Khi nói đến học phí, ông luôn nhắc làm sao giáo dục phải chú trọng người nghèo hơn nữa. Thứ ba, chính là triết lý giáo dục, là đào tạo con người như thế nào.

Đại tướng nói: Ai cũng nói giáo dục thời thực dân Pháp đào tạo con người để phục vụ thực dân, nhưng cuối cùng bao nhiêu kiến thức họ đào tạo ra, đến khi có cách mạng, trí thức đều đi theo cách mạng. Cho nên phải thay đổi triết lý giáo dục, xã hội sẽ tốt hơn...

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên