03/01/2019 09:12 GMT+7

Người 'dưng' cưu mang một cụ bà, chờ tìm thấy gia đình cụ

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Là người ở chung dãy trọ với một cụ già nhiều năm trước, một ngày anh Cao Quốc Trị (38 tuổi, ngụ Bình Tân) bỗng nhận được điện thoại của bệnh viện báo đến đón cụ về.

Người dưng cưu mang một cụ bà, chờ tìm thấy gia đình cụ - Ảnh 1.

Cụ bà Trần Thị Thu (78 tuổi, quê Quảng Ngãi) đang được gia đình anh Cao Quốc Trị (ngụ Bình Tân) cưu mang, chăm sóc và tìm người thân cho cụ - Ảnh: VŨ THỦY

Quen biết sơ giao nhưng không bỏ nhau lúc khốn khó

Không phải thân thích, nhưng mối sơ giao ngày xưa vẫn khiến anh đến đón cụ bà mới qua cơn tai biến còn chưa tự đi lại được về nhà, chăm sóc trong thời gian tìm người thân cho cụ.

"Cụ tên là Trần Thị Thu, quê ở Quảng Ngãi. Tôi nghe mọi người kể lại là cụ đang bán vé số thì bỗng ngất, rồi những người xung quanh đưa vào bệnh viện. Tiền viện phí đã được những người quen biết cụ gom góp một phần để chi trả.

Cụ bị tai biến, không đi lại cũng không kiểm soát tiêu tiểu được. Số tiền ấy cũng dùng vào việc thuê một cô y tá bệnh viện làm giúp", anh Trị kể.

Đến khi cụ ra viện thì vẫn không có người thân nào đến tìm. Bệnh viện hỏi liên lạc được với ai thì cụ đọc số điện thoại anh cho cụ hồi xưa.

"Lúc còn là sinh viên, tôi ở chung dãy trọ với cụ sau quán cháo vịt mà cụ làm công ở Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Cụ đã giới thiệu tôi vào làm giữ xe ở quán cụ đang làm.

Đến khi tôi ra trường, đi làm, lập gia đình rồi thỉnh thoảng vẫn quay lại dãy trọ thăm cụ, còn để lại số điện thoại để cụ liên lạc", anh Trị nhớ lại.

Hôm đến viện, bệnh viện có nói cụ không tìm được người thân nên dự tính gửi cụ đến một trung tâm hỗ trợ xã hội dành cho người lang thang.

"Lúc đó cụ vẫn còn nằm một chỗ, chưa vận động được. Tôi đưa cụ về nhà, chờ cụ khỏe rồi tranh thủ liên lạc tìm người nhà", anh Trí kể.

Người dưng cưu mang một cụ bà, chờ tìm thấy gia đình cụ - Ảnh 2.

Cụ Trần Thị Thu (78 tuổi) mong tìm được gia đình con trai và cháu trai - Ảnh: VŨ THỦY

Đã hơn hai tuần cụ Thu xuất viện và được đưa về nhà anh Trị chăm sóc, cụ đã tự đi lại được, nhưng vệ sinh cá nhân thì không còn chủ động được nữa.

Mong cụ có nơi nương tựa tuổi già

Anh Trị gọi cụ Thu là nội. Anh nói với cụ bà: "Nội có nhớ được địa chỉ nhà cũ của chú Phước (con trai cụ) thì nói để chị phóng viên nghe nha nội".

Nhưng cũng như những lần trước mà anh Trị hỏi, cụ bà vẫn chỉ nhắc lại: "Tui đâu có biết địa chỉ nhà, nó chỉ nói với tui là ở Ấp Đông bên Hóc Môn. Mỗi lần tui ghé về thăm cháu nội thì tui nhớ đường đi, rồi chỉ đường cho xe ôm chở tới.

Tui từ Quảng Ngãi vô đây hồi 13 tuổi, lấy chồng, sinh con. Nhưng vợ chồng thôi nhau, chồng nuôi con, tui chỉ ghé thăm rồi lo tiền bạc chứ cũng không ở với con cháu ngày nào. Mình tui làm ở quán cháo nuôi thân", cụ Thu kể.

Anh Trị cũng lặn lội đi tìm người xe ôm quen trước kia của bà nhưng khi tới căn nhà ngày trước thì người xung quanh nói gia đình con trai cụ đã bán nhà đi đâu không rõ.

Cụ kể: "Cách đây 3 năm tôi yếu quá, không làm quán cháo vịt nữa, tui đi bán vé số. Tiền bạc đi làm quán cháo hơn hai chục năm, tui lo cất nhà cho vợ chồng con trai bà, nuôi cháu nội nên cũng không có tích cóp đồng nào".

Cụ Thu bảo con bà tên Huỳnh Ngọc Phước (sinh năm 1961), cháu bà là Huỳnh Ngọc Hòa (sinh năm 1984).

"Hồi xưa lúc cháu nội tui còn bé, chừng nửa tháng, một tháng tui lại về Ấp Đông (Hóc Môn) thăm nó. Sau này khi tui vẫn còn làm quán cháo vịt, thỉnh thoảng nó cũng ghé thăm tui, nhưng 3-4 năm nay khi tui thôi làm quán cháo, ra bán vé số thì nó không lại nữa".

Cụ kể gia cảnh con trai cụ khó khăn, lúc ông bệnh phải nằm viện, cụ cũng lui tới thăm nom, lo viện phí. Nhưng giờ cụ không còn biết tin tức của con và cháu nữa.

Cụ cũng nhớ mang máng là nhà sui gia của cụ "ở đâu đó bên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), gần nhà thờ Phú Nhuận".

Anh Trị - người đang chăm nuôi cụ - kể anh đang sống ở nhà vợ và đã có con gái nhỏ đang học tiểu học. Đưa cụ về nhà cũng bất tiện, nhưng anh không đành lòng để cụ bơ vơ lúc đang bệnh nặng nên vợ cũng thông cảm.

Từ bữa có cụ bà, ban ngày vợ chồng anh đi làm, gia đình phải thuê hàng xóm gần đó cho cụ ăn uống, vệ sinh.

"Hồi cụ mới nghỉ quán cháo, tui cũng biết rồi đưa cụ về ở đây chừng nửa năm. Rồi cụ bảo cụ vẫn khỏe nên muốn đi bán vé số. Giờ cụ đã lớn tuổi rồi và cũng cần có người chăm sóc nên tui rất muốn cụ tìm được người thân", anh bảo.

Cụ bà Trần Thị Thu (sinh năm 1941, quê Quảng Ngãi) đã làm thuê ở quán cháo vịt khu vực Thanh Đa nhiều năm liền và đi bán vé số nhiều năm nay. Cụ cho biết gia đình con trai bà là Huỳnh Ngọc Phước (sinh 1961) và cháu trai Huỳnh Ngọc Hòa (sinh năm 1984) trước đây sinh sống ở Ấp Đông, Hóc Môn.

Bạn đọc biết thông tin người thân của cụ xin liên lạc đến phòng Công tác bạn đọc báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận. Điện thoại 0918033133

30 năm cứu người trên cung đường 30 năm cứu người trên cung đường 'đệ nhất hùng quan'

TTO - Đã thành thói quen, mỗi khi có thông tin báo tai nạn trên cung đường đèo Hải Vân hơn 20km, vợ chồng bà Đặng Thị Vang là những người có mặt sớm nhất tại hiện trường.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên